Niềm đam mê rượu dược liệu
06/05/2019 - 07:44
- Nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức rượu sạch, thơm ngon, bổ dưỡng của người tiêu dùng, chị Hình Thị Ngọc Huệ (ấp Tô Thủy, xã Núi Tô, Tri Tôn) dành nhiều thời gian để tìm tòi, nghiên cứu và tung ra thị trường trên 10 loại rượu có nguồn gốc từ trái cây cho đến các loại dược liệu.
Từ nỗi lo rượu kém chất lượng
Tham quan điểm dừng chân của chị Hình Thị Ngọc Huệ, ấn tượng đầu tiên là những chai rượu mang thương hiệu đặc sản Bảy Núi - Tri Tôn được đóng gói cẩn thận và trưng bày bắt mắt trên các kệ hàng. Nhiều loại rượu được ngâm từ các loại trái cây dân dã và gần gũi với người dân xứ núi như: trâm, dây cóc, đinh lăng, cà na… Thưởng thức các loại rượu ở đây, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi hương vị độc đáo, thơm nồng. Chị Huệ cho biết, khi còn là sinh viên đại học, chị có điều kiện để tìm hiểu, nghiên cứu về tính dược, công dụng của các loại dược liệu, đặc biệt là các loại dược liệu có sẵn ở địa phương. Ngoài ra, nhận thấy trên thị trường xuất hiện nhiều loại rượu không đảm bảo an toàn, chất lượng… nên chị bắt đầu nghiên cứu, chế biến các sản phẩm từ rượu để phục vụ nhu cầu gia đình trong dịp lễ, Tết, hay làm quà tặng cho bạn bè, người thân.
Chị Huệ bên những sản phẩm rượu
Trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng của mình, chị Huệ gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, cái khó đầu tiên là học cách nấu rượu. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên rượu khi nấu ra không đạt chất lượng, phải “làm đi làm lại” nhiều lần. Kế đến là việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu, dược liệu để ngâm và ủ rượu… Theo chị Huệ, để có được rượu ngon, ngoài việc sử dụng rượu chất lượng thì nguyên, vật liệu để ngâm, ủ rượu là một trong những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến chất lượng rượu. Theo đó, các nguyên, vật liệu (tùy theo từng mùa) được chị chọn lựa kỹ càng. Đối với các nguyên liệu là các loại trái cây, chị loại bỏ những trái hư, sâu, úng; sau đó rửa sạch, phơi ráo (hoặc phơi khô tùy từng loại) và ngâm ủ ít nhất 6 tháng.
“Một số nguyên liệu có sẵn ở địa phương như: trâm, đinh lăng, dây cóc... rất dễ tìm. Một số loại dược liệu khác được lấy từ vùng ngoài như: ba kích, chuối hột rừng, mật nhân… Dù ở đâu, nguyên liệu cũng được lựa chọn thật kỹ, tươi và được ngâm bằng phương pháp riêng. Các công đoạn được sử dụng bằng phương pháp thủ công nên đảm bảo hương vị độc đáo cho từng loại sản phẩm, cũng như giữ nguyên hương vị của từng loại nguyên liệu. Ngoài ra, do được sử dụng hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên nên khi bảo quản càng lâu, rượu càng ngon” - chị Huệ thông tin.
Đến bộ sưu tập hơn 10 loại rượu
Hiện nay, cơ sở sản xuất rượu của chị Hình Thị Ngọc Huệ đã và đang cung ứng trên thị trường 10 loại rượu các loại như: trâm, cà na, dây cóc, đinh lăng… cùng các loại rượu khác như: chuối hột rừng, nho rừng, táo mèo, dây thần nông, cát lòi, mật nhân, dây giác, sơ ri, dâu tằm ăn, sâm cao đỏ, huyết rồng… Các loại rượu do chị Huệ sản xuất được chăm chút rất cẩn thận từ khâu sản xuất đến đóng chai, đóng gói tạo sự bắt mắt về mẫu mã của sản phẩm nên được thị trường đón nhận. Đặc biệt, các sản phẩm rượu trái cây, rượu dược liệu của cơ sở chị Huệ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và được ngành chức năng công nhận nên khách hàng rất yên tâm khi sử dụng.
Tuy nhiên, để có được chỗ đứng trên thị trường như hôm nay không phải là điều dễ dàng. Chị Huệ cho biết, lúc mới đưa sản phẩm ra thị trường gặp rất nhiều khó khăn. Một phần do tâm lý của người dân lâu nay chỉ quen sử dụng các loại rượu gạo, rượu nếp tại địa phương, phần khác do giá các loại rượu của cơ sở chị cung ứng trên thị trường có giá cao hơn các sản phẩm rượu gạo, nên người dân chưa thật sự quan tâm. Dần dần, do nhiều người sử dụng rồi giới thiệu với nhau nên số lượng người tiêu dùng tăng lên. Hiện nay, sản phẩm rượu dược liệu của chị Huệ được tiêu thụ chủ yếu ở TP. Cần Thơ, TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, Tri Tôn. Tùy theo thể tích, chất lượng từng loại mà giá cả dao động từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/chai (hũ).
Chia sẻ những dự định trong thời gian tới, chị Huệ cho biết, trước mắt sẽ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó sẽ tập trung nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; tiếp tục mở rộng sản xuất, nghiên cứu cho ra nhiều loại sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài ra, chị Huệ còn dự định xây dựng, mở rộng vùng trồng các loại cây dược liệu để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất rượu.
ĐỨC TOÀN
http://baoangiang.com.vn/niem-dam-me-ruou-duoc-lieu-a245492.html
0 nhận xét