Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Dân biểu Mỹ lại đưa dự luật nhân quyền Việt Nam vào Hạ việnKim/Trọng

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2019 17:54 // ,

Dân biểu đảng Cộng hòa Chris Smith (trái) và Vũ Minh Khanh, vợ của Luật sư Nguyễn Văn Đài, sau một buổi điều trần về nhân quyền của Việt Nam tại quốc hội Mỹ ở Washington. Ông Smith lại một lần nữa đưa Đạo luật Nhân quyền Việt Nam vào nghị trình quốc hội Mỹ.
Dân biểu Chris Smith, thành viên cấp cao của Tiểu ban Nhân quyền Toàn cầu của Hạ viện, một lần nữa lại giới thiệu Đạo luật Nhân quyền Việt Nam (HR 1383) vào nghị trình của quốc hội Mỹ để trừng phạt Việt Nam về những vụ vi phạm nhân quyền ở trong nước.
Đạo luật này cũng nhằm mục đích ưu tiên hóa tự do tôn giáo, tự do internet và các quyền của người lao động, ông Smith, đại diện cho bang New Jersey, nói trong một thông cáo ra ngày 28/2.
“Năm vừa rồi là một năm tồi tệ cho nhân quyền Việt Nam. Công dân Mỹ Michael Nguyễn, một người cha có bốn con cư ngụ ở Los Angeles, tiếp tục bị giam giữ mà không qua quy trình pháp lý nào, ông ấy không phải là người Mỹ duy nhất bị bắt và bị ngược đãi ở Việt Nam trong năm qua.”
Dân biểu Smith, người đã chủ tọa 11 cuộc điều trần về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, viết: “nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục tìm cách trấn dẹp xã hội dân sự, đàn áp tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, Hà nội tiếp tục bỏ tù các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền.”
Các phiên bản của đạo luật này đã được Hạ viện Mỹ thông qua ba lần, vào các năm 2004, 2008 và 2012, với số phiếu ủng hộ áp đảo tuy nhiên sau đó đã bị chặn tại Thượng viện.
Dân biểu Smith viết: “Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, mà quan hệ đối tác với Washington đã trở thành một lĩnh vực quan trọng trong chiến lược của chính phủ Hoa Kỳ đối với khu vực, là quốc gia đứng đầu châu Á về các vi phạm nhân quyền.”
Ông Smith nói không nên nhắm mắt để nhà cầm quyền Việt Nam tự do vi phạm nhân quyền trong khi mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang ngày càng phát triển.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam hồi tuần trước khi ông tới Hà Nội để dự cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un. Ông Trump đã lên tiếng ca ngợi Việt Nam là một trong số những nước hiếm hoi trên thế giới đang trở nên “thịnh vượng” hơn. Tin tường thuật rằng ông Trump không hề đề cập tới vấn đề nhân quyền trong các cuộc gặp với Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Dân biểu Smith nhấn mạnh: “Tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do internet, các công đoàn độc lập, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái chống nạn buôn người, và những tiến bộ hướng tới một nền pháp quyền, phải là những yếu tố then chốt đối với bất kỳ nỗ lực nào do Mỹ dẫn đầu để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”
Đạo luật Nhân quyền Việt Nam “sẽ đảm bảo Hà Nội hiểu được rằng Hoa Kỳ sẽ đặt vấn đề nhân quyền vào hàng ưu tiên trong quan hệ song phương, theo dân biểu Smith, đồng chủ tịch của Nhóm các nghị sĩ quan tâm về nhân quyền Việt Nam.
Dân biểu Smith giới thiệu Đạo luật Nhân quyền Việt Nam cùng với hai nhà lập pháp khác, gồm dân biểu Dân chủ Alan Lowenthal – người được biết tiếng về những phát biểu ủng hộ nhân quyền Việt Nam, và dân biểu Dân chủ Zoe Lofgren, đại diện bang California.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.