Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Bản tin ngày 4-3-2019

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2019 18:59 // ,



Tin Biển Đông



Hải quân Mỹ mang đạn 57mm đến Biển Đông, báo Đất Việt đưa tin. Theo đó, Công ty Chemring Ordnance Inc vừa “ký hợp đồng cung cấp đạn pháo 57mm trang bị cho pháo Mk110 trên chiến hạm Mỹ”. Sau khi hoàn tất bàn giao, loại đạn pháo này “sẽ được Hải quân Mỹ trang [bị] loạt chiến hạm đang hoạt động ở Thái Bình Dương và cả khu vực Biển Đông”.

Báo Người Việt viết: CSVN rón rén nhích lại gần Mỹ hơn. Bài viết nói về hiện tượng lãnh đạo VN tìm cách thắt chặt hơn quan hệ quân sự với Mỹ: “Việt Nam tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc trong khi Mỹ đang có chiến tranh thương mại với Bắc Kinh, hiện đang đàm phán để có một thỏa hiệp. Để chống lại ảnh hưởng cũng như áp lực Trung Quốc, Việt Nam cần đối tác chiến lược”.


Tin nhân quyền

Một người dùng Facebook bị bắt vì kêu gọi biểu tình lúc hội nghị Mỹ-Triều, VOA đưa tin. Đó là ông Nguyễn Văn Công Em, ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, bị khám xét và câu lưu vào ngày 28/2/2019. Cơ quan an ninh khẳng định, sau khi khám nhà ông Em đã thu được nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống phá Nhà nước”.

“Tội” lớn nhất của ông Em là đã chia sẻ các bài viết và video mà chính quyền cho rằng “xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền, kêu gọi, kích động biểu tình” trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2.

Báo Người Việt có bài: CSVN bị tố ‘hành xử với văn hóa như thời Nhân Văn-Giai Phẩm’. Ngày 3/3/2019, Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập thông báo, họ phải hủy buổi lễ kỷ niệm 5 năm thành lập tổ chức và lễ trao giải Văn Việt lần thứ tư “vì lý do an ninh”. Sau đó, họ mời thân hữu tới gặp mặt tại một quán cà phê ở quận 3, Sài Gòn, sáng 4/3/2019.

Bên cạnh các hoạt động văn chương nghệ thuật, Văn Đoàn Độc Lập “còn cùng các nhân sĩ, trí thức lên tiếng về những vấn đề liên quan đến chủ quyền đất nước, dân chủ, nhân quyền, văn hóa, môi trường, dân oan”.

Trang Vườn Rau Lộc Hưng đưa tin: Kẻ cướp “cấm” chủ đất là Bà con Vườn Rau Lộc Hưng đi thăm đất. Theo đó, sáng 2/3/2019, “hơn 100 công an, an ninh đeo khẩu trang, dân quân tự vệ” đã đến hành hung nhiều dân oan Vườn Rau Lộc Hưng, tìm cách đuổi họ “ra khỏi mảnh đất của bà con sở hữu từ những năm 1954”.An ninh, công an đến gây rối và hành hung người dân ở Vườn rau Lộc Hưng sáng 2/3/2019. Nguồn: FB VRLH

Vụ tài xế giúp em bé lạc giữa đường phải nhận án tù gần 2 năm, báo Đất Việt đặt câu hỏi: Làm tốt phải vạ hay công lý phải vô tình? Theo LS bào chữa cho tài xế Nguyễn Ngọc Dũng, tòa đã không áp dụng nguyên tắc cơ bản của ngành luật là “nguyên tắc suy đoán vô tội”, khi một mực cho rằng ông Dũng có hành vi bắt cóc mà không xét đến lời chứng của phụ xe và 10 hành khách, cùng với đơn xin miễn truy tố của phụ huynh cháu bé.

Chuyện nghĩa vụ quân sự đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều thế hệ thanh niên VN, sự biến tướng, biến chất khiến thời gian đi nghĩa vụ chẳng có gì đẹp đẽ mà tràn đầy bạo lực, “lính mới” nếu không quy phục người cũ thường bị bạo hành rất dã man. Đến khi hết thời gian nghĩa vụ thì nguy cơ thất nghiệp rất cao, nên ngay cả con cháu đảng viên cũng tìm mọi cách để trốn. Mới đây, một thanh niên ở Tiền Giang đã tử vong khi đi nghĩa vụ nhưng không có tên trong danh sách quân nhân, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Cậu ruột của người chết cho biết: “Điều mà gia đình bức xúc nhất là Thái đi nghĩa vụ quân sự mà không có tên trong danh sách”. Nhiều người bất bình và cho rằng, chính ngày tuyển quân đã là ngày nhập ngũ.



Diễn biến nhân sự trong đảng

Hà Tĩnh là một trong các tỉnh tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh, môi trường ở Việt Nam. Cảng Vũng Áng ở Hà Tĩnh là nơi đặt nhà máy thép của Formosa, gây ra thảm họa môi trường, đầu độc biển miền Trung từ năm 2016, khiến người dân nơi đây nhiều lần tuần hành phản đối Formosa, đến nay người dân vẫn còn bất bình. Mới đây, Thứ trưởng Công an Bùi Văn Nam trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho đại tá Võ Trọng Hải. Báo Một Thế giới đưa tin: Hà Tĩnh thay Giám đốc công an tỉnh.

Trong khi đó, Tây Ninh là nơi vừa để trống chiếc ghế Bí thư Tỉnh ủy do Bí thư Trần Lưu Quang được điều động về TP HCM để làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thay ông Tất Thành Cang vào ngày 27/2/2019. Đến chiều 2/3, Bộ Chính trị quyết định điều ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương về Tây Ninh làm Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020 (nghĩa là nhiệm kỳ Bí thư tỉnh của ông này chỉ còn chưa đầy 2 năm). VietNamNet đưa tin: Ông Phạm Viết Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh.


Các vụ “ăn” đất

Bộ Công an yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ vụ 8-12 Lê Duẩn, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Trưa 2/3/2019, Bộ Công an xác nhận, Cơ quan CSĐT đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ “chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp làm việc, cung cấp tài liệu liên quan đến việc thanh tra toàn diện dự án 8-12 Lê Duẩn, quận 1”. Tuy nhiên, Cục Thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực 3 mới chỉ cung cấp một số hồ sơ, riêng dự án khách sạn cao cấp 8-12 Lê Duẩn thì họ “hẹn lại đến 14/9/2019 mới cung cấp”.

Liên quan đến vụ sai phạm ở khu “đất vàng” ngay trung tâm TP, hồi cuối năm 2018, “Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố ông Nguyễn Thành Tài, cựu phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM”, một trong các thuộc hạ thân tín của cựu Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải, cùng một loạt cựu quan chức TP HCM.

Chuyện ở quận 2, TP HCM: Hiến đất làm đường, người dân tá hỏa vì gần như mất luôn ngôi nhà, theo VTC. Bà Chu Thị Tuyển kể: Hồi đầu năm 2013, “tuần nào UBND phường Thạnh Mỹ Lợi cũng cử người đến để vận động chúng tôi hiến đất làm đường…. ban đầu chúng tôi cũng phân vân. Nhưng thấy đây là việc tốt cho Nhà nước và chính quyền cũng hứa hẹn sẽ tạo điều kiện cho gia đình tôi nên 2 vợ chồng tôi đã đồng ý hiến đất”.

Đoạn kết lời hứa của chính quyền địa phương: “Từ ngày hiến đất, tôi rao bán nhà không ai dám mua vì vướng phải lộ giới gần hết, nhà tôi xin sửa chữa cũng không được UBND phường Thạnh Mỹ Lợi cho phép… Tôi gần như mất luôn ngôi nhà của mình”.

Tiếp tay phá nát quy hoạch, chủ tịch và phó chủ tịch TP Pleiku bị kỷ luật, báo Người Lao Động đưa tin. Ngày 3/3/2019, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai xác nhận sai phạm của các ông Trịnh Duy Thuân, Chủ tịch HĐND TP Pleiku, Trần Xuân Quang, Chủ tịch UBND TP Pleiku, Nguyễn Kim Đại, cấp phó của ông Quang, cùng Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku.

Nhóm quan chức nói trên đã thiếu trách nhiệm trong quản lý, quy hoạch đất đai ở TP Pleiku. Riêng ông Quang đã “để cấp phó ký 13 quyết định thu hồi đất cho mở đường không đúng quy định; để cấp phó ký 3 tờ trình” đề xuất UBND tỉnh duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2016, 2017, 2018 với những vị trí không đúng quy hoạch, nhưng chỉ bị khiển trách.

Lãnh đạo thôn Yên Lũng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội tự ý bán đất công cho doanh nghiệp lấy kinh phí sửa đình làng, theo báo Pháp Luật VN. Cựu trưởng thôn Nguyễn Viết Hùng tự bào chữa: “Hành vi được coi là vi phạm của chúng tôi xuất phát từ việc buông lỏng quản lý nhà nước về đất đai của chính quyền địa phương, hay có thể nói là do sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã An Khánh, cũng như cán bộ địa chính xã, huyện”.

Mời đọc thêm: Đất vàng Lê Duẩn: Bộ CA yêu cầu cung cấp hồ sơ (ĐV). – Xã Hướng Đạo (Tam Dương – Vĩnh Phúc): Đất nông nghiệp bị lấn chiếm vô tội vạKỷ luật Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku vì vi phạm về lĩnh vực đất đai (TN&MT). – Vụ phân lô bán nền ở Gia Lai: Kỷ luật Chủ tịch UBND TP Pleiku (DV). – Kỷ luật Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND TP Pleiku vì để xảy ra phân lô bán nền trái phépHuyện bảo công dân tố cáo sai nhưng tỉnh khẳng định đúng (SGGP). – Thủ đô chuyển đổi 80ha đất nông nghiệp cho trường đua ngựa (GDTĐ). – Cưỡng chế tháo dỡ các công trình trái phép tại khu kinh tế Nhơn Hội (TP).

Người dân vs BOT

Báo Dân Trí có bài: Tổng cục Đường bộ nói về nhóm người tự ý “đếm xe” trạm BOT Ninh Lộc. Lãnh đạo TCĐB VN dọa người dân: “Trường hợp có hành động gây rối, gây khó dễ tới hoạt động thu phí, gây mất trật tự tại khu vực trạm thì Tổng cục sẽ đề nghị cơ quan công an vào cuộc xử lý”, không khác gì những lời đe dọa trước đây nhắm vào giới tài xế phản đối BOT.

Bài viết lặp lại chuyện Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể chụp cái mũ “phản động” cho những người dân bất bình trước hành vi “móc túi” dân: “một trong những trọng điểm mà các tổ chức gây rối thường tập trung vào các dự án BOT. Bộ trưởng Thể đề nghị Bộ Công an, các Bộ, ngành… tích cực hỗ trợ việc giữ gìn an ninh trật tự ở các trạm này”.

VTC dẫn lời người dân Khánh Hòa nêu lý do lập lán trại, ngồi đếm xe ở trạm BOT Ninh Lộc. Ông Nguyễn Minh Hùng, trưởng nhóm đếm xe, đặt câu hỏi về chuyện thời gian thu phí ở BOT này ngày càng tăng, giờ đã lên tới hơn 21 năm: “Sự chênh lệch thời gian thu phí quá lớn, lưu lượng xe thì năm sau lúc nào cũng cao hơn năm trước, như vậy thì vòng đời thu phí của dự án phải ngắn lại. Vậy mà thời gian thu phí ngày càng dài ra là sao?”

Ông Hùng chia sẻ về quyết tâm vạch trần BOT của nhóm đếm xe, cùng kết quả kiểm đếm: “Mỗi ngày anh em ở đây chia làm 3 ca để trực và ghi lại số lượng xe mua vé. Theo thống kê, mỗi ngày trạm BOT này thu hơn 1 tỉ đồng (chưa tính vé tháng và vé quý), như vậy mỗi năm trạm này thu hơn 365 tỷ đồng và 10 năm thì số tiền này lên đến 3.650 tỉ đồng”.


Vụ chạy thận gây chết người ở Hòa Bình

Báo Thanh Niên đưa tin: Bị cáo Hoàng Công Lương kháng cáo. TAND tỉnh Hòa Bình cho biết, họ đã nhận được đơn kháng cáo của 5/7 bị cáo trong vụ án tai biến chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, gồm BS Lương và các ông Hoàng Đình Khiếu, Trương Quý Dương, Trần Văn Thắng, Đỗ Anh Tuấn. Bên cạnh đó, “9 người là đại diện gia đình người bị hại là 9 nạn nhân trong vụ án” cũng gửi đơn kháng án.

Tháng 4 xét xử phúc thẩm vụ án chạy thận làm 9 người chết ở Hòa Bình, theo báo Người Đưa Tin. Bài báo cho biết: Trước đó, ngày 30/1/2019, TAND TP Hòa Bình đã tuyên BS Hoàng Công Lương phạm tội “Vô ý làm chết người” với mức án 42 tháng tù. Bản án đã gây bất bình trong dư luận, ngay cả với người nhà của 9 nạn nhân.


Môi trường ngày càng ô nhiễm

Báo Pháp Luật Plus đưa tin: Cá chết trắng sông Krông Năng. Một trong những người dân sống ở khu vực sông phía dưới nhà máy chế biến tinh bột sắn Ea Kar kể: “Mọi năm thì nước chỉ đổi màu và bốc mùi, không hiểu sao năm nay có thêm tình trạng cá chết. Chắc nước sông ô nhiễm quá rồi, đến cá cũng không chịu nổi nữa”.

Người dân địa phương cho biết thêm: “Nhà máy nhiều lần xả thải nhưng đã có phản ánh lên xã, huyện nhưng chẳng có ai giải quyết. Sông Krông Năng chảy qua đây bà con dùng nước tưới cho cây trồng và lấy làm nguồn nước sinh hoạt, không những vậy khi nhà máy xả thải như thế này còn ảnh hưởng đến cả một dòng sông phía hạ lưu”.

Cá chết được vớt lên vào sáng 2/3 dưới khu vực xả thải của nhà máy tinh bột sắn Ea Kar. Nguồn: PL Plus

Trang Môi Trường và Đô Thị có bài: Nước sông, hồ Hà Nội có lượng dầu mỡ cao hơn 2-3 lần cho phép. Bài viết lưu ý: “Tác hại của việc ô nhiễm dầu mỡ đối với môi trường nước rất nghiêm trọng. Nếu không có biện pháp kiểm soát triệt để tại chỗ, dầu mỡ sẽ bị quấn lại, tạo thành các mảng lớn bám bề mặt gây tắc nghẽn đường ống thoát nước”. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, có thể khiến các hệ thống thoát nước bị tê liệt, “gây sự cố tràn nước thải, tràn ngược cửa cống”.


Giáo dục VN: Bạo lực và bế tắc

VTV có bài: Hàng loạt vụ giáo viên bạo hành học sinh tiếp tục xảy ra. Bài báo cho biết: Vụ một học sinh tiểu học ở Lạng Sơn “bị cô giáo dùng thước đánh trúng vào mắt gây ảnh hưởng nghiêm trọng”, có thể gây mù lòa còn chưa được giải quyết, thì “lại dấy lên thông tin về việc một học sinh lớp 7 ở trường THCS Long Hòa, tỉnh Long An bị thầy giáo phạt đánh” hàng chục roi. Kết quả chụp X quang cho thấy nữ sinh này bị vẹo cột sống.

Cả hai vụ nói trên đều đang có dấu hiệu “chìm xuồng”, giống như rất nhiều vụ bạo hành học sinh nghiêm trọng đã xảy ra xuyên suốt một thập niên qua ở Việt Nam. Báo chí can thiệp, phụ huynh phê phán vẫn không thể khiến các “giáo viên” VN nhẹ tay với học sinh.

Báo Người Đưa Tin viết: Từ vụ hiệu trưởng trộm xe máy đến chuyện những tên trộm có lương tri. Bài viết so sánh vụ một hiệu trưởng trường mầm non song ngữ ở tỉnh Hà Nam trộm xe máy của đồng nghiệp đem bán lấy tiền xài, với vụ cướp 107 triệu ở tỉnh Bình Dương, mà kẻ cướp sau đó trả lại 100 triệu, cùng bức thư có đoạn: “Trước số tiền quá lớn, tôi ân hận, cắn rứt lương tâm”.

Báo Giáo Dục Việt Nam viết: Kiểm tra miệng, cái roi lùa học sinh đến lớp học thêm. Theo đó, chuyện kiểm tra đầu giờ học đã trở thành công cụ trục lợi của không ít giáo viên. Với học sinh quen, có đi học thêm, giáo viên đặt ra “câu hỏi nhẹ nhàng, dễ dàng ăn điểm”; với những học sinh không học thêm, giáo viên “hỏi kiến thức từ đầu đến cuối”, thậm chí kéo dài giờ “kiểm tra miệng” làm ảnh hưởng tới cả tiết học.

Cuối cùng thì Chính phủ đồng ý miễn học phí đối với học sinh trung học cơ sở, trang Đại Đoàn Kết đưa tin. Dù có sự tiến bộ nhưng chỉ miễn học phí đối với học sinh trung học cơ sở thì vẫn còn thua cả “đế quốc Mỹ”. Ở Mỹ, giáo dục tại các trường công trên toàn quốc đều được miễn phí cho tất cả học sinh từ mẫu giáo tới lớp 12.


“Buôn thần bán thánh” ở Việt Nam

Bài thứ tư trong loạt bài trên báo Một Thế Giới về “lợi nhuận” của chuyện “buôn thần bán thánh”: Khi tín ngưỡng biến thành mê tín dị đoan. Theo đó, “khi đức tin kèm theo sự mê tín quá mức thì dễ trở thành tiêu cực. Thực tế, tại miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, nhiều người vì quá mê tín và ảo vọng vào sự phù hộ của Bà, mà đã vung tiền không thương tiếc, chỉ với hy vọng được giàu sang, thịnh vượng”.

Tiền vàng mã để đốt tuy không có giá trị lưu hành, nhưng vẫn phải mua bằng tiền thật, một mâm tiền vàng mã ở miếu Bà Chúa Xứ giá 250.000 đồng! “Mà mỗi ngày, hàng trăm, hàng ngàn người đến đốt như vậy, quy ra bao nhiêu tiền? Một phần tiền họ bỏ ra, sẽ làm giàu cho những người bán hàng bên ngoài, nhưng phần lớn sẽ thành tro bụi chỉ sau vài phút ném vào cái thùng sắt ấy”.



***


https://baotiengdan.com/2019/03/04/ban-tin-ngay-4-3-2019/

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.