Ảnh hưởng thực sự của 50 phụ nữ Việt được Forbes bình chọn!
Thứ Năm, 7 tháng 3, 2019
16:02
//
Slider
,
Tin Việt Nam
Diễm Thi, RFA
2019-03-06
Tạp chí Forbes Việt Nam chính thức công bố danh sách 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 trong số báo đặc biệt tháng 3/2019.
Danh sách bao gồm các gương mặt phụ nữ nổi bật trong các lĩnh vực chính trị, kinh doanh, khoa học giáo dục, hoạt động xã hội, truyền thông, nghệ thuật, sáng tạo và thể thao.
Trong lĩnh vực chính trị thì có hai gương mặt được nhiều người biết đến, đó là Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bà Kim Ngân sinh năm 1954, bắt đầu sự nghiệp hoạt động trong ngành tài chánh từ sau năm 1975.
Sau nhiều lần thăng chức, đến tháng 4 năm 1995, bà được điều về Trung ương và được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Tài chính. Tháng 2 năm 2006, bà được điều sang làm Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại.
Bà bắt đầu tham gia chính trị vào năm 2007 khi bà được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa XII. Bốn năm sau bà tái đắc cử vị trí Đại biểu Quốc hội khóa XIII rồi sau đó được đề cử làm Phó Chủ tịch Quốc hội.
Ngày 31 tháng 3 năm 2016, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, bà được bầu làm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Việt Nam, bà trở thành nữ chính khách Việt Nam đầu tiên giữ các cương vị này, đồng thời cũng là người đầu tiên thực hiện quy định tuyên thệ khi nhậm chức theo quy định của Hiến pháp 2013.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến sinh năm 1959. Năm 2000 bà học lớp chính trị cao cấp tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Từ ngày 3/8/2011
Cho đến nay, bà vừa là bí thư Ban cán sự Đảng Bộ y tế, vừa là Bộ trưởng Bộ Y tế.
Năm 2013, vụ bệnh viện tiêm nhầm vắc xin bệnh sởi tại Quảng Trị khiến 3 trẻ tử vong và vụ bệnh viện thẩm mỹ phi tang xác nạn nhân đã gây phản ứng mạnh trong dư luận và nhiều người lên tiếng yêu cầu bà từ chức.
Là một người dân có con nhỏ, từng lo lắng khi đưa con đi chích ngừa, bà Thúy Quỳnh có ý kiến về hai phụ nữ trên gây ảnh hưởng như thế nào đến phụ nữ Việt Nam nói chung, theo nhận định của bà:
“Thật ra ở Việt Nam thì phụ nữ chẳng quan tâm đến bà nào ở trong Quốc Hội vì họ không còn niềm tin. Bà Ngân hay bà Tiến thì cũng là con ông cháu cha, được đào tạo rồi đi lên, người dân không quan tâm, bà làm được gì cho phụ nữ cũng không ai quan tâm.
Bà Tiến được biết đến khi con người ta chích ngừa bị chết nhiều quá. Người phụ nữ có ảnh hưởng đến phụ nữ phải là người khiến phụ nữ ngưỡng mộ, học hỏi để được như vậy. Dân thường sao mà có cửa như bà Kim Ngân?”
Cô Trúc Khê, một người trong lĩnh vực kinh doanh nhưng rất quan tâm đến chính trị cho biết ý kiến của mình:
“Cái nào cũng có hai mặt hết. Thử hỏi những người dân quê hương bà Ngân xem họ có tự hào hay không, chắc chắn là ‘có’. Họ tự hào một người phụ nữ tỉnh nhà đứng trong hàng ngũ tứ trụ, có tầm ảnh hưởng rất lớn. Nhưng đối với em thì những bài bà phát biểu, những đánh giá của bà không xứng tầm là một trong bốn vị trí lãnh đạo của đất nước.
Còn với bà Tiến, để làm Bộ trưởng Y tế thì chắc chắn bà Tiến có trình độ. Bà ăn nói cũng sắc sảo, nhưng với những gì xảy ra thì bà nên từ chức nếu bà còn chút sĩ diện.
Chức năng của ngành y tế là cứu người chứ không phải để thuốc ung thư giả mà gia đình bà có liên quan vô đến bệnh viện.”
Trong lĩnh vực kinh doanh thì có tên bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Công ty May 10. Bà được cho là người phụ nữ ‘Mang kỷ luật quân đội tiến vào sân chơi hội nhập’. Bà có thâm niên 13 năm làm Tổng giám đốc, trực tiếp điều hành Tổng công ty cổ phần May 10 và hệ thống 18 xí nghiệp thành viên tại 7 tỉnh, thành phố.
Bà Hồng Thúy, một CEO trong ngành may mặc cho RFA biết:
“Bình chọn kiểu này giống như chia đều ngành nào cũng phải có người. Ngành dệt may mấy năm nay trì trệ. Không có cấp CEO nào đủ tầm ảnh hưởng đến ngành. Thậm chí còn không quản lý nổi sự phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân.
Nhìn doanh nghiệp tư nhân làm mới thấy họ ảnh hưởng như thế nào đến xã hội. Họ phải tự thân hết, đối đầu với các chính sách thuế cạnh tranh…”
Một phụ nữ trong lĩnh vực kinh doanh được bầu chọn năm nay là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch thường trực HD Bank, Tổng giám đốc VietJet Air. Hình ảnh bà được báo chí, truyền thông chú ý khi hôm 27/2 vừa qua, VietJet Air ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing bên lề Thượng đỉnh Trump – Kim ở Hà Nội. Nói về tầm ảnh hưởng của bà với phụ nữ Việt Nam, cô Anh Thư, một Giám đốc kinh doanh trong lĩnh vực tài chánh ở TPHCM đưa ý kiến:
“Không ai biết bà là ai ngoại trừ bà là CEO của Vietjet, mà hình ảnh của Vietjet ở Việt Nam thì không tốt, cho nên ở Việt Nam họ chỉ biết bà là một người giàu và làm trong lĩnh vực hàng không mà thôi. Thông thường những người có ảnh hưởng đến phụ nữ Việt Nam phải là những người hay lên những bài báo cổ vũ cho phụ nữ, họ dùng hình ảnh thành công của họ để khuyến khích phụ nữ, chứ bà không hề có những bài báo như vậy.”
Dưới một góc nhìn khác, bà Thúy Quỳnh lại nhận định rằng nếu nói những người ảnh hưởng thì nên nói tới những người về kinh doanh. Cô cho rằng bà Phương Thảo chắc chắn có ảnh hưởng nhiều hơn bà Ngân rồi, vì bà là người giỏi thật sự và một phần nữa là bà rất xinh đẹp.
Một phụ nữ trong lĩnh vực giải trí - thể thao có tên trong danh sách 50 phụ nữ có tầm ảnh hưởng đến phụ nữ Việt Nam do tạp chí Forbes bầu chọn có tên cô Hoa hậu H’Hen Nie. Cô có tên trong Top 5 thí sinh xuất sắc nhất Hoa hậu Hoàn vũ 2018. Lần đầu tiên Việt Nam có một đại diện đạt thành tích cao như vậy ở đấu trường sắc đẹp danh giá này.
Người ta yêu mến cô không chỉ vì cô đẹp, cô đem vinh quang về cho Việt Nam, mà người ta yêu mến cô vì chính con người cô, như nhận xét của bà Thu Hà, là một người hâm mộ cô hoa hậu này:
“Xuất thân từ một gia đình nghèo, thiểu số mà lại thành công nên là một nguồn truyền cảm hứng rất lớn cho phụ nữ, cho giới trẻ và sắc tộc Ê Đê. Từ phong thái, nhân cách, ý chí vươn lên đã đem một cái nhìn mới cho cái đẹp của phụ nữ Việt Nam. Cái đẹp phải đến từ bên trong nữa.
Cái cảm hứng cô truyền không chỉ trong nước Việt Nam mà còn với giới trẻ Phillipines khi cô đến đây làm diễn giả chính cho Đại hội Thanh niên 2019 do FPPFI tổ chức đầu tháng 2 vừa qua.”
Cũng là một Hoa hậu, nhưng là Hoa hậu chuyển giới quốc tế 2018, cô Nguyễn Hương Giang nằm trong danh sách người phụ nữ gây ảnh hưởng mạnh trong lĩnh vực hoạt động xã hội.
Hương Giang có tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Hiếu. Cô là người chuyển giới từ nam sang nữ vào năm 2011.
Năm 2012, Hương Giang đăng ký tham dự cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc Vietnam Idol mùa thứ tư, trở thành thí sinh chuyển giới đầu tiên của chương trình này.
Cô Duy Lan, cũng là một người chuyển giới từ nam sang nữ chia sẻ sự ngưỡng mộ cũng như mức ảnh hưởng của Hương Giang:
“Em biết chị Hương Giang từ lúc chị thi Vietnam Idol. Từ lúc đó đến nay em nhìn nhận chị Giang với cái nhìn tích cực. Chị phấn đấu cho chính chị để người ta công nhận chị có ích cho xã hội này. Cái thứ hai là từ khi qua hoa hậu Miss International Queen 2018 thì chị đã làm cho cộng đồng một số công việc có ích như làm cho xã hội hiểu người chuyển giới không phải là xấu xa, biến thái hay bệnh hoạn. Em cũng thần tượng chị và ủng hộ những việc chị làm. Chị rất xứng đáng có tên trong danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng ở Việt Nam.”
Cô nói thêm rằng Hương Giang đã thực hiện được những chương trình để nói lên sự bất đồng quan điểm về giới tính, về sự kỳ thị đối với người dị tính, giới LGBT. Hương Giang Chị đã truyền tải được những thông điệp mà cô muốn đến cho mọi người, và mọi người không còn cái nhìn quá kỳ thị với người chuyển giới.
Được biết đây là năm đầu tiên Forbes Việt Nam tôn vinh những gương mặt có nhiều hoạt động hiệu quả vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người yếu thế trong xã hội, từ những người bệnh ung thư, người bị khiếm khuyết cơ thể hay cộng đồng LGBT, cũng như đem lại nhiều lựa chọn phong phú hơn cho đời sống tinh thần của người dân.
0 nhận xét