Xuân… thương hồ!
04/02/2019 - 07:00
Bạn đã dạo chơi chợ nổi ngày xuân? Nếu chưa, hãy về với quê tôi, dù không “nổi tiếng” như chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ) hay chợ nổi Ngã Bảy/Phụng Hiệp (Hậu Giang) nhưng chợ nổi Long Xuyên và chợ nổi Châu Đốc vẫn giữ được nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cư dân vùng ĐBSCL. Chợ nổi quê tôi cũng như bao chợ nổi khác, tồn tại theo cách rất riêng.
Bồng bềnh… chợ nổi!
Hơn 5 giờ sáng, chiếc ghe nhỏ từ bến phà Ô Môi (TP. Long Xuyên) với tiếng máy xập xình từ từ rời bến, bắt đầu chuyến hành trình tham quan chợ nổi Long Xuyên. Ông Lê Văn Tỷ (tên thường gọi Ba Đò, năm nay 62 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên) hành nghề chở khách tham quan chợ nổi trên 20 năm, kiêm “hướng dẫn viên” chia sẻ về sự náo nhiệt của nơi mà chúng tôi sắp đến. “Gần Tết, khách đến tham quan chợ nổi ngày một nhiều. Dân thương hồ tứ xứ “tề tựu”, kẻ mua, người bán làm dậy cả khúc sông quê. Ghe này vừa đi đã có ghe khác đến, chợ nổi Long Xuyên cứ thế tồn tại hàng chục năm qua, dù không nổi tiếng nhưng vẫn toát lên những nét đặc trưng rất riêng của cư dân sông nước” - ông Ba Đò tỏ vẻ háo hức.
Chợ thương hồ nhộn nhịp
Gần đến nơi, ông Ba Đò cho ghe chạy chậm lại, chợ nổi hiện lên với gần cả trăm chiếc ghe, xuồng lớn, nhỏ với vô số trái cây, rau, củ, quả được bày bán. Điểm đặc trưng nhất chợ nổi chính là những chiếc sào dài cắm phía trước ghe, có treo nào là cam, bưởi, quýt, chuối, dưa, dừa... Đó là những cây bẹo, chủ ghe sẽ treo trên đó những mặt hàng mình bán như một cách “quảng cáo” độc đáo và hữu hiệu nhất mang “thương hiệu” chợ nổi. Điểm giống với chợ trên bờ là các ghe chia theo “lô” khi bán, giúp người mua dễ phân biệt mặt hàng. Tức, khúc sông nào bán chuối sẽ chỉ thấy toàn là chuối. Hết “lô” chuối sẽ đến “lô” bán khóm, hay “lô” bán khoai, “lô” mận… Cuối chợ nổi sẽ là “lô” bán dừa và dưa hấu. Thời gian họp chợ nổi bắt đầu từ 5 giờ và kết thúc lúc 9 giờ sáng. Thương lái mua hàng xong sẽ tủa đi khắp nơi, đến tận các kênh, rạch vùng nông thôn để tiêu thụ, cứ thế, đời người thương hồ lặng lẽ trôi đi theo guồng quay của vạn vật.
“Gạo chợ, nước sông…”
Không ít những người theo nghề thương hồ mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều tỏ ra chạnh lòng khi nhắc đến cảnh “gạo chợ nước sông”. Người bán ở chợ nổi là dân tứ xứ đến vùng đất An Giang tìm kế sinh nhai. Theo ông Ba Đò, từ thời trai trẻ, ông đã “lênh đênh” ở cái chợ nổi này. “Chợ nổi Long Xuyên có nhiều du khách tham quan, kể cả du khách nước ngoài. Sống với nghề lâu, tôi kiếm được “đồng vô, đồng ra” hàng ngày. Mỗi chuyến chở khách tham quan được 200.000 đồng. Với chiếc ghe trang bị đầy đủ áo phao, khách có thể tham quan chợ nổi bao lâu cũng được, không giới hạn thời gian. Ngày thường, tôi chở từ 1-3 chuyến, gần Tết tăng hơn” - ông Ba Đò chất phác.
Theo nghề đi ghe đến nay đã hơn 30 năm, chú Ba Dũng (56 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) xuôi ngược lấy hàng khắp nơi, rồi về neo đậu tại chợ nổi Châu Đốc (TP. Châu Đốc). Vốn chất hào sảng của người miền Tây, chú Dũng tỏ ra rất hiếu khách. Nhanh tay chặt lấy trái dừa to trên ghe, chú đon đả mời chúng tôi thấm giọng rồi bắt đầu câu chuyện giữa tiết trời se lạnh. “Từ lâu, tôi đã xem ghe là nhà, sông nước là bạn. Đời thương hồ rày đây mai đó, chúng tôi chỉ về thăm nhà vào những dịp Tết, bởi quanh năm, ai cũng tất bật ngược xuôi với những chuyến hàng. Tôi bán dừa và cam sành. Ngày Tết hàng hóa sẽ đa dạng hơn, phục vụ nhu cầu chưng mâm ngũ quả cúng ông bà. Cuộc sống tuy vất vả, đạm bạc qua ngày nhưng dân thương hồ chúng tôi thấy rất thoải mái. Được lúc “tổ đãi”, mỗi chuyến ghe tôi lời 3-5 triệu đồng, không thì từ 1-2 triệu đồng” - chú Dũng chia sẻ.
Câu chuyện bị gián đoạn khi xuất hiện người phụ nữ nhỏ nhắn “chồng chành” trên chiếc ghe bày bán nồi bún riêu thơm phức. “Nay ăn bún riêu nghe anh, sáng giờ mới bán được mấy tô hà” - người phụ nữ ấy lên tiếng. Buổi sáng của đời sống thương hồ với cảnh “gạo chợ nước sông” bắt đầu như thế. Có người tất bật bán hàng mà quên cả lót dạ, đến khi cái bụng “đánh trống” thì buổi họp chợ gần tàn. Ở chợ nổi, có người bán đồ ăn sáng hay thức uống, từ cà phê đến các loại nước ngọt, trà đá. Người bán chất hàng trên chiếc xuồng nhỏ nhưng tô, dĩa vẫn rất ngăn nắp dù có đôi lúc khua nhau vì sóng vỗ. Họ len lỏi “thuần thục” từ ghe này đến ghe kia, để phục vụ bữa sáng cho những người trên chợ nổi.
Dĩa cơm tấm, tô bún riêu hay bún thịt xào… có giá từ 10.000- 12.000 đồng/tô, ly cà phê khoảng 7.000 đồng, thuận mua, vừa bán. Chị Sen (người có hàng chục năm bán bún thịt xào trên chợ nổi Châu Đốc) lấy chính xác từng nhúm bún, mớ rau có định lượng, cất tiếng: “Tôi gắn bó với sông nước lâu lắm rồi. Ban đầu không quen, tôi hay bị giật mình khi sóng đánh. Để kịp bán, tôi phải thức dậy chuẩn bị các thứ từ rất sớm, khoảng 5 giờ sáng là phải có mặt ở đây. Vì thương lái bận bán hàng, mình phải chịu khó chèo đến từng ghe chào mời. Nhiều du khách tham quan chợ nổi rất thích cảm giác ăn sáng trên sông nên tôi sống tạm qua ngày”. Nếu không quen, chúng ta có thể “bị ngợp” trước cảnh tất bật, hối hả của đời sống thương hồ trên chợ nổi, nhưng với họ, dù cực đến mấy, nụ cười luôn thường trực trên môi.
Sắc xuân… chợ nổi
Những ngày giáp Tết, chợ nổi vui lắm! Lượng ghe, thuyền, bạn hàng, du khách tăng gấp bội. Khi đó, sắc xuân ngào ngạt và tình người nồng hậu giao hòa làm không khí trở nên rộn ràng, nhộn nhịp khắp nơi, cả khúc sông vui như ngày hội lớn. Điểm đặc biệt làm nên thương hiệu “đặc sản” chợ nổi Long Xuyên và Châu Đốc là thương lái chủ yếu bán sỉ. Bạn hàng từ khắp nơi đổ về, chọn ghe hàng vừa ý, thỏa sức trả giá đến khi nào thuận mua nhất. Không ít lần chúng tôi chứng kiến cảnh đôi bên “mặc cả” nhau, đúng cái chất mộc mạc và gần gũi của người miệt vườn. Họ nói chuyện không câu nệ tiểu tiết, chẳng tỏ vẻ hằn học, hễ ghe này không xong giá, họ sẽ tìm ghe khác trong cái vẫy tay: “Chỗ khác không ưng bụng thì nhớ quay lại ủng hộ tôi nha”.
“Tết đến, chợ nổi bán trái cây, rau, củ, quả nhiều và đa dạng hơn, có cả những ghe chở hoa với đủ sắc xanh, đỏ, vàng… Lúc này, chợ nổi hoạt động gấp đôi ngày thường” - chú Ba Đò háo hức. Giữa những ghe, thuyền đang neo đậu mua, bán hàng hóa, chốc chốc chúng tôi bắt gặp tiếng hò reo rôm rả khi có những đoàn khách tham quan, chụp hình, quay phim lướt qua. Mỗi lần như thế, đâu đó lại có tiếng thương hồ vang vọng: “Cười tươi lên mọi người ơi, sắp được lên tivi rồi kìa”. Tất cả đã tạo cho chúng tôi cảm giác mộc mạc, chân quê không lẫn vào đâu của cư dân sông nước miền Tây.
Khác với chợ nổi Long Xuyên, chợ nổi Châu Đốc ít người biết hơn và cũng ít ghe xuồng hơn, khoảng 30-50 ghe nhưng ngày Tết có đến gần 100 ghe. Ở đây, mọi người đều tập trung tại một khúc sông để bán, chứ không phân theo “lô”. “Dân thương hồ chúng tôi “nôn” đón Tết trên chợ nổi. Vì lúc đó, người nào cũng trang trí, bày biện chiếc ghe của mình không khác gì ngôi nhà thân thương ở quê. Mỗi ghe đều có vài cặp bông cúc hay vạn thọ để làm đẹp sắc xuân trên sông. Khác Tết trên bờ, chúng tôi không nghĩ nhiều đến việc mua sắm cho bản thân mà chỉ mong cây trái đắt hàng để kịp về đón cái Tết bên gia đình. Thường đến trưa 29 Tết, tôi sẽ tranh thủ bán hết hàng để xuôi ghe về nhà, dọn dẹp, cúng kiếng ông bà và quay quần bên con cái. Bôn ba cả năm, khi về nhà, vợ chồng tôi rất quý trọng những phút giây dành cho gia đình. Có người chịu khó, bán thêm chút đỉnh thì đến trưa 30 Tết mới hết hàng. Chậm nhất là đến mùng 3 Tết, anh em thương hồ chúng tôi trở lại chợ nổi mưu sinh. Bởi, nghỉ lâu quá, chúng tôi thấy… nhớ!” - chú Dũng chia sẻ thêm.
PHƯƠNG LAN
http://baoangiang.com.vn/xuan-thuong-ho--a239824.html
0 nhận xét