Tin Việt Nam – 20/02/2019
Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019
13:54
//
Slider
,
Tin Việt Nam
“Nhà nước Việt Nam là vô pháp và có thành tích
nhân quyền tồi tệ nhất khu vực Đông Nam Á”
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc đặc trách khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch có chuyến đi đến thủ đô Washington D.C để vận động cho nhân quyền và dân chủ.Ông Phil Robertson dành cho Ban Việt ngữ một cuộc phỏng vấn liên quan tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Trước hết, ông cho biết ghi nhận của HRW về vụ việc Blogger Trương Duy Nhất mất tích vào ngày 26 tháng 1 vừa qua:
Ông Phil Robertson: Vụ việc xảy ra thật sự là bí ẩn. Có thể nói rõ ràng là ông Trương Duy Nhất đến Thái Lan để tìm quy chế tị nạn chính trị và ông Nhất đã xuất hiện tại văn phòng làm giấy tờ của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) và có hình ảnh chứng minh cho điều này. Chúng tôi cũng nhận được tin ông Nhất có gặp gỡ và liên lạc với một số người mà ông tin cậy trước khi mất tích. Chúng tôi thật sự không biết chuyện gì đã xảy ra. Nhưng, chúng tôi quan ngại Chính quyền Việt Nam có liên can trong việc bắt ông Nhất và làm cho ông ta mất tích.
Chính quyền Việt Nam được ghi nhận đã từ lâu tiến hành việc theo dõi và cản trở các nhà bất đồng chính kiến chạy lánh nạn ra nước ngoài, như Thái Lan và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, ngay lập tức Hà Nội bị ngờ có thể đã làm điều gì đó như họ từng hành động một cách tương tự đối với nhân vật (Trịnh Xuân Thanh) tìm quy chế tị nạn ở Đức, đã bị bắt cóc mang về nước.
Chúng tôi chờ đợi nhìn thấy ông Trương Duy Nhất xuất hiện trở lại. Nhưng ngay lúc này, chúng tôi cố gắng gây áp lực lên Chính quyền Thái Lan tiến hành một cuộc điều tra nghiêm túc. Một giới chức di trú tại Bangkok nói rằng họ đang xem xét vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi không thể biết được họ sẽ điều tra một cách toàn diện và sâu rộng ra sao.
RFA: Như ông đã nói rằng Chính quyền Việt Nam thường xuyên có những hành động bắt giữ công dân như thế, ông nhận định tính chất nghiêm trọng của vụ việc Blogger Trương Duy Nhất mất tích như thế nào?
Ông Phil Robertson: Cứ mỗi một người tìm quy chế tị nạn bị mất tích thì đều nghiêm trọng. Chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp xảy ra trong khu vực Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, bắt người ở Thái Lan. Việt Nam và Campuchia cũng thế. Do đó, một cách tổng thể có thể cho rằng Blogger Trương Duy Nhất đã bị bắt về Việt Nam. Chúng tôi vẫn chưa có thông tin nào để xác minh và chúng tôi đang kết hợp với các tổ chức cũng như tiếp xúc với những người biết được thông tin liên quan để tìm hiểu thêm thông tin xác thực. Vụ việc vẫn còn trong vòng bí ẩn.
RFA: Về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, HRW vẫn luôn kêu gọi Chính quyền Hà Nội trả tự do cho các blogger, những nhà hoạt động và tù nhân chính trị đã bị bắt giữ và giam cầm một cách bất công. Thế nhưng, RFA ghi nhận sự kêu gọi của HRW vẫn chưa nhận được sự phản hồi nào từ phía Hà Nội. Trái lại, ngày càng nhiều bản án tù bị tuyên với thời gian dài hơn, chẳng hạn như trường hợp nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Đình Lượng bị kết án đến 20 năm tù giam. Không những vậy, tình trạng đàn áp các hoạt động cổ súy cho dân chủ, các quyền tự do về biểu đạt, hội họp, tôn giáo…các quyền về xã hội/chính trị ngày càng mạnh tay. Ông cho rằng những lý do mà Hà Nội hành xử như vậy là gì, đặc biệt từ khi đương kim Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng được bầu chọn trở thành Chủ tịch nước Việt Nam?
Ông Phil Robertson: Tôi muốn nhắc lại sự kiên hồi năm 2017 khi Thủ tướng Việt Nam đến thăm Nhà Trắng qua lời mời của Tổng thống Donal Trump. Tại cuộc họp ở Nhà Trắng với Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Nội An Hoa Kỳ, chúng tôi nhận thấy vấn đề nhân quyền không hề được nhắc đến. Chính phủ Hoa Kỳ hoàn toàn thiếu sót khi không đề cập đến vấn đề nhân quyền với Thủ tướng Việt Nam. Chúng tôi cho rằng Việt Nam nhận ra là Hoa Kỳ không quan tâm đến vấn đề nhân quyền nên Việt Nam được tự do trong cách hành xử về nhân quyền ở nước của họ. Chúng tôi tin rằng Chính quyền Việt Nam rất thông minh trong lãnh vực ngoại giao nên do đó họ nghĩ rằng học có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn và vì thế chúng ta nhận thấy tình trạng đàn áp và kết án tù nhiều năm đã và đang diễn ra đối với những người bất đồng chính kiến. Đây là bản chất thật của Chính quyền Việt Nam, họ cứ việc làm bởi vì họ nhìn thấy cộng đồng thế giới không quan tâm.
Chúng tôi ghi nhận có chút thay đổi liên quan đến việc Hà Nội ngược đãi các quyền của dân chúng ở Việt Nam vì bị ảnh hưởng đến mối quan hệ với Châu Âu (EU) về Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA). Hiện Hà Nội gặp trở ngại trong việc ký kết hiệp định này với phía Quốc hội Châu Âu.
RFA: Mới đây nhất, hồi tháng 1 năm 2019, tại kỳ Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền của Việt Nam (UPR) diễn ra ở Thụy Sĩ nói riêng, cũng như Việt Nam nhiều lần phản bác những báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam bị tồi tệ; đồng thời Việt Nam còn lên tiếng cho rằng các tổ chức phi chính phủ như HRW, Ân xá Quốc tế-Amnesty International, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Tổ chức Phóng viên Không Biên giới hay các chính phủ như Chính phủ Hoa Kỳ, Chính phủ EU hiềm khích với Việt Nam, can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Việt Nam và thực hiện các báo cáo sai trật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Câu hỏi được nêu lên rằng HRW và những tổ chức khác làm thế nào để chứng minh những lời tuyên bố của Việt Nam hoàn toàn tôn trọng các quyền của người dân về nhân quyền, dân sự, chính trị, tôn giáo là không đúng sự thật?
Ông Phil Robertson: Chúng tôi vẫn tiếp tục các công việc mà chúng tôi đã và đang làm là chúng tôi thu thập tài liệu, chứng cứ những việc xảy ra và làm báo cáo. Các tổ chức nhân quyền giống như HRW cùng làm một công việc là thu thập tài liệu, tiếp xúc với người dân, xem xét sự việc, tham khảo luật pháp…Có một sự tranh cãi là Chính phủ Việt Nam phải thực hiện theo Công ước Nhân quyền Quốc tế mà họ đã ký phê chuẩn, nhưng đó chỉ là chiêu trò. Chẳng hạn, Công ước Nhân quyền Quốc tế công nhận quyền tự do phản biện của người dân đối với nhà nước, thế nhưng Chính quyền Việt Nam và Luật pháp Việt Nam chống lại nghĩa vụ về nhân quyền theo quốc tế mà họ tham gia. Chính quyền Việt Nam cứ nói trắng thành đen, và họ cứ tiếp tục dối trá như thế nhưng cộng đồng thế giới thì vẫn cứ tin theo. Các quốc gia cứ tiếp nối trong những vấn đề bang giao về chính trị và nhằm đạt được các lợi ích đủ để không đặt vấn đề nhân quyền của Việt Nam lên bàn nghị sự.
Chúng tôi muốn nói với người Việt Nam khắp thế giới rằng quý vị quan tâm đến nhân quyền Việt Nam thì chính quý vị phải yêu cầu các lãnh đạo quốc gia của quý vị ủng hộ cho nhân quyền ở Việt Nam.
RFA: Không chỉ liên quan báo cáo nhân quyền ở Việt Nam, mà báo cáo nhân quyền tại các nước trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Myanmar, Lào…cũng được ghi nhận là bị xấu đi. HRW có ghi nhận nào về sự phối hợp của các tổ chức xã hội dân sự giữa những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức nhân quyền cho mục đích tương lai tốt đẹp hơn tại khu vực này?
Ông Phil Robertson: HRW ghi nhận có một sự nỗ lực ở khu vực Đông Nam Á. Các tổ chức xã hội dân sự cùng với những tổ chức phi chính phủ (NGOs) sẽ có cuộc họp trong cùng thời gian diễn ra hội nghị giữa các lãnh đạo của khối ASEAN trong năm 2019 này, ở Thái Lan để bàn thảo về tôn trọng nhân quyền và ủng hộ dân chủ tại khu vực Đông Nam Á.
Sự phối hợp như vậy là rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại phía Việt Nam sẽ gửi các tổ chức NGOs sự giả hiệu, do nhà nước dựng lên đến tham dự. Chính quyền Hà Nội rất công kích các hoạt động của quốc tế nhằm ủng hộ nhân quyền tại Việt Nam. Họ luôn theo đuổi việc kiểm soát các tổ chức NGOs, những người tị nạn và những nhà bất đồng chính kiến ở nước ngoài như trường hợp bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hay vụ việc Blogger Trương Duy Nhất mất tích. Nhà nước Việt Nam là vô pháp, đàn áp nhân quyền và một trong những nhà nước bị báo cáo có thành tích nhân quyền tồi tệ nhất khu vực Đông Nam Á.
RFA: Ông có nhìn thất được viễn ảnh nào khích lệ tinh thần cho những nhà hoạt động dân chủ, các blogger và nhà báo độc lập ở Việt Nam trong năm 2019 qua chuyến đi đến thủ đô Hoa Kỳ để vận động cho dân chủ nhân quyền, thưa ông?
Ông Phil Robertson: HRW nhận thấy có nhiều hoạt động để vận động cho nhân quyền Việt Nam ở Quốc hội Hoa Kỳ. Chúng tôi hy vọng sẽ nhìn thấy sự quan tâm nhiều hơn về vấn đề nhân quyền Việt Nam của Chính phủ Mỹ cũng như Hoa Kỳ sẽ đặt nặng vấn đề nhân quyền trong mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á hầu nhân quyền ở đó cũng được tôn trọng giống như ở Hoa Kỳ.
HRW sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ của các nước và Liên Hiệp Quốc để cộng đồng quốc tế ủng hộ và bảo vệ cho nhân quyền tại Việt Nam.
FRA: Chân thành cảm ơn ông Phil Robertson dành cho RFA cuộc phỏng vấn này.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-government-is-lawless-government-and-among-the-worst-human-right-asean-02192019145738.html
Lư hương trước tượng Đức thánh Trần
được dời vào đền thờ
Lư hương trước tượng Đức Thánh Trần tại Công trường Mê Linh, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh bị đưa về đền thờ tại số 36 đường Võ Thị Sáu.Truyền thông trong nước loan tin vào ngày 20 tháng 2. Theo đó thì vào giữa tháng 1, Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý cho tu sửa, chỉnh trang lại tượng đài Trần Hưng Đạo theo đề xuất của Sở Thông Tin- Văn Hóa.
Tuy nhiên công luận và cư dân mạng tỏ ra bất bình về việc lư hương trước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo bị cẩu đi hôm 17 tháng 2 đúng vào dịp tưởng niệm 40 năm cuộc chiến biên giới Việt- Trung do phía Bắc Kinh chủ xướng.
Nhân dịp đó Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng có thông báo đến thắp hương tại tượng đài Đức Thánh Trần vào ngày 17 tháng 2 để tưởng nhớ những chiến sĩ, đồng bào hy sinh trong cuộc chiến vệ quốc trước sự xâm lăng của Trung Quốc.
Tuy nhiên cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh ra công văn cho rằng đó là sự lợi dụng và đúng ngày 17 tháng 2 cho cẩu lư hương đi, đồng thời đưa xe rác đến quanh tượng đài Đức Thánh Trần ở Công trường Mê Linh.
Giới hoạt động bị canh nhà hay bị chặn không cho đi thắp hương tưởng niệm.
Sau khi bị công luận và cư dân mạng phản đối về biện pháp cho cẩu lư hương đi ngày 17 tháng 2 như vừa nêu, bà bí thư Quận 1 Trần Kim Yến được truyền thông trong nước dẫn lời là việc dời lư hương trước tượng Đức Thánh Trần ở Công trường Mê Linh về Đền thờ ở đường Võ Thị Sáu là hết sức bình thường và hợp lý vì việc thờ phụng cần đặt ở đình, đền, chùa để trang nghiêm hơn.
Những ý kiến phản biện cho rằng hiện trước tượng của những nhân vật khác như ông Hồ Chí Minh cũng có lư hương, vậy có phải dời đi theo như lời của bà bí thư quận 1 Trần Kim Yến hay không.
Tượng Đức Thánh Trần tại Công Trường Mê Linh do nhà điêu khắc Phạm Thông sáng tác và được đặt tại đó từ năm 1967 đến nay với lư hương phía trước.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tran-hung-dao-encense-urn-02202019075358.html
Bổ sung hồ sơ trong vụ án xử ông Đặng Văn Hiến
Tòa án Tối cao vừa có công văn về vụ tử tù Đặng Văn Hiến, người quyết giữ đất trước sự tiến chiếm của công ty tư nhân.Mạng báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh loan tin ngày 19 tháng 2 theo đó thì Tòa án Nhân dân Tối cao vừa ra công văn yêu cầu các luật sư bổ sung bản án và các hồ sơ có liên quan để xem xét thủ tục giám đốc thẩm đối với vụ án của tử tù Đặng Văn Hiến.
Theo công văn của tòa tối cao thì để có cơ sở xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm các luật sư cần cung cấp bản sao bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật và các tài liệu, chứng cứ liên quan đến đề nghị giám đốc thẩm vụ án.
Vào ngày 12 tháng 7 năm ngoái, Tòa án Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xử phúc thẩm vụ án Đặng Văn Hiến đã bác đơn kháng cáo, y án sơ thẩm hồi ngày 3 tháng 1 năm 2018.
Tòa sơ thẩm tại tỉnh Dak Nông lúc bấy giời tuyên án tử hình đối với ông Đặng Văn Hiến, 47 tuổi, vì nổ súng làm 3 người chết và 13 người khác bị thương tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức vào ngày 23 tháng 10 năm 2016. Ông Đặng Văn Hiến cùng một số người khác cho biết họ phải nổ súng để chống lại lực lượng cưỡng chế của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương Mại- Đầu tư Long Sơn.
Thanh Tra tỉnh Dak Nong có kết luận chỉ ra hằng loạt sai phạm của Công ty Long Sơn cũng như các sở ngành liên quan trong vụ đất đai của người dân bị công ty này lấn chiếm, san ủi.
Chính những sai phạm không được giải quyết thấu đáo sau bao nhiêu năm khiếu nại khiến người dân phẩn uất và khi lực lượng cưỡng chế của Công ty tư nhân Long Sơn tiến hành phá đất vườn thì người dân phải phản ứng bằng cách nổ súng.
Sau khi tòa phúc thẩm vẫn y án tử hình đối với ông Đặng Văn Hiến, nhiều người quan tâm tại Việt Nam có kêu gọi ân xá và giảm án cho ông này.
Một số vụ cưỡng chế đất phi pháp của cơ quan chức năng dẫn đến phản ứng phải nổ súng từ phía người dân xảy ra lâu nay tại Việt Nam; đơn cử như vụ anh em Ông Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng; vụ anh Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình…
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dang-van-hien-trial-requesting-more-documents-02202019080556.html
CA Điện Biên gặp bão dư luận
vì ‘được thưởng’ về vụ án cô gái bị hiếp, giết
Cộng đồng những người sử dụng mạng xã hội và một số cơ quan báo chí ở Việt Nam chỉ trích việc công an tỉnh Điện Biên được khen thưởng sau vụ một cô gái trẻ bị bắt cóc, hãm hiếp và giết hại trong dịp Tết vừa qua.Tin tức trên nhiều tờ báo cho hay Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên hôm 18/2 tặng bằng khen và thưởng tiền cho các nhân viên công an sau khi họ “điều tra, bắt giữ” 5 nghi phạm bị cáo buộc đã hãm hại nữ sinh Cao Thị Mỹ Duyên, 22 tuổi.
Theo các bài tường thuật của báo chí trong nước, chị Duyên bị mất tích hồi chập tối 4/2 (30 Tết) khi đi giao gà cho một người đặt mua qua điện thoại. Gia đình đã trình báo với công an địa phương ngay tối hôm đó, đồng thời nhờ họ hàng tìm kiếm suốt đêm, và cũng đã “cầu cứu” trên mạng xã hội.
Ba ngày sau khi chị Duyên mất tích, vào sáng hôm 7/2 (mùng 3 Tết), một số người dân thường đã phát hiện thi thể của chị ở một ngôi nhà hoang.
Đến ngày 10/2, công an tỉnh Điện Biên bắt tạm giam nghi phạm đầu tiên, và trong ba ngày 12, 15, 16/2, công an tiếp tục bắt 4 nghi phạm khác, theo các bản tin. Các nghi phạm khai với công an rằng cho đến chiều ngày 6/2 chị Duyên vẫn còn sống, các báo cho biết, dẫn lại thông tin từ một cuộc họp báo của công an.
Đại diện của công an tỉnh Điện Biên nói với báo chí trong cuộc họp báo hôm 18/2 rằng “sau khi nhận được tin báo, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các huyện, Công an thành phố Điện Biên Phủ tổ chức truy tìm”. Tuy nhiên, không có thông tin rõ ràng cho biết việc “tổ chức truy tìm” đã bắt đầu từ ngày giờ cụ thể nào.
Trên mạng xã hội rất nhiều người ngay lập tức lên tiếng chỉ trích việc công an được khen thưởng sau vụ án thương tâm. Họ cho rằng công an đã không hàng động đủ nhanh để có thể kịp thời cứu sống chị Duyên, còn việc truy bắt các nghi phạm sau khi án mạng đã xảy ra là việc đương nhiên phải làm.
Trong số hàng trăm lời phê phán, chỉ trích là những tiếng nói của các cây viết có nhiều ảnh hưởng như các nhà hoạt động Bạch Cúc, Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Tường Thụy, Lê Văn Dũng; nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, nhà báo tự do Đỗ Cao Cường, thày giáo Đỗ Việt Khoa, nhà báo Hoàng Linh, v.v…
Chủ đề này cũng được mổ xẻ, tranh luận trong các diễn đàn “Nhật ký Yêu nước”, “Bàn luận về Kinh tế – Chính trị” và “Góc nhìn Báo chí – Công dân” có tổng cộng trên 1 triệu thành viên.
Các ý kiến tập trung vào chất vấn công an “đã làm gì”, “ở đâu” trong gần 3 ngày cô gái trẻ bị 5 nghi phạm “giam cầm” và “hành hạ”. Những người chỉ trích công an cho rằng trong thời gian đó, nếu cơ quan điều tra làm việc gấp gáp, nghiêm túc, sử dụng thẩm quyền và năng lực của họ để lần theo các cuộc gọi điện thoại di động của nạn nhân và khoanh vùng, có thể chị Duyên đã được giải cứu.
Những người có nhiều ảnh hưởng và cộng đồng mạng tiếp đến bày tỏ quan điểm rằng họ “không đồng tình” với quyết định khen thưởng, nhất là dành cho các nhân viên công an tỉnh Điện Biên.
Nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy viết trên Facebook một cách thẳng thắng rằng ông thấy “không nên thưởng cho ban chuyên án vụ này mà cần kỷ luật”. Ông đưa ra lý do cho lập luận của mình rằng công an đã “chậm trễ, không tích cực” nên dẫn đến việc chị Duyên bị giết, dù công an đã được trình báo về việc chị bị mất tích từ rất sớm.
Chung một góc nhìn, nhà hoạt động Lê Văn Dũng, hay còn gọi là Dũng Vova, viết: “Tôi cho rằng lãnh đạo Bộ công an cần xem xét lại việc Điện Biên vội vã khen thưởng cho tập thể và các cá nhân tham gia vụ án này. Người dân phát hiện ra hiện trường vụ án và báo thì công an mới biết, vậy đó không phải là công của cơ quan điều tra”.
Tôi đã nghỉ hưu. Tôi có biết gì đâu mà hỏi. Thôi nhé.
Cựu thiếu tướng công an Hồ Sỹ Tiến
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu và nhà giáo Đỗ Việt Khoa bày tỏ ý kiến rằng thay vì nhận thưởng, công an Điện Biên “nên xin lỗi gia đình nạn nhân, xin lỗi nhân dân, xin lỗi cấp trên” vì đã không cứu được cô gái.
Gay gắt hơn, nhà hoạt động Bạch Cúc đặt câu hỏi là các nhân viên công an “không biết nhục và không bị lương tâm cắn rứt hay sao mà còn hớn hở vỗ tay nhận bằng khen và tiền thưởng”?
Nhìn chung, cộng đồng mạng đánh giá rằng sau khi nạn nhân đã bị giết, việc công an điều tra, bắt giữ các nghi phạm vài ngày sau đó là công việc thuộc trách nhiệm của họ, được trả lương bằng tiền thuế của người dân, trong đó, có cả phần thuế của gia đình nạn nhân.
VOA đã liên lạc với ông Hồ Sỹ Tiến, cựu cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự Xã hội, để hỏi ông liệu những bình luận của công chúng về hoạt động nghiệp vụ của công an Điện Biên có công bằng hay không. Song cựu thiếu tướng công an chỉ nói ngắn gọn với VOA:
“Tôi đã nghỉ hưu. Tôi có biết gì đâu mà hỏi. Thôi nhé”.
VOA cũng cố liên lạc với công an Điện Biên để lắng nghe ý kiến từ phía họ, song không kết nối được.
Không chỉ có những tiếng nói trên mạng xã hội, hai báo lớn là Thanh Niên và Tuổi Trẻ cũng đã đăng bài viết tỏ ý không đồng tình về việc công an Điện Biên được khen thưởng.
Bài trên Thanh Niên có tựa đề “Vụ sát hại nữ sinh ở Điện Biên: Sao có thể nhận thưởng trong nỗi đau của gia đình nạn nhân?”
Còn bài trên Tuổi Trẻ mang hàng tít “Vụ cô gái giao gà, dân phát hiện, sao khen thưởng lực lượng phá án?”
Lúc này, giới luật sư nhận định rằng cả 5 nghi phạm trong vụ cô gái giao gà bị hãm hiếp và sát hại đều có thể đối diện mức án tử hình. Những kẻ này đều đã thực hiện những hành vi “man rợ, mất nhân tính”, nên cần “loại bỏ” chúng khỏi đời sống xã hội, các luật sư nói với một số tờ báo trong nước.
https://www.voatiengviet.com/a/ca-dien-bien-gap-bao-du-luan-vi-duoc-thuong-ve-vu-co-gai-bi-hiep-giet/4794482.html
Công an như thế nên công lý… nghỉ hưu!
Trân VănNếu chỉ thấy “thưởng nóng” cho Phòng Trọng án thuộc Cục Hình sự của Bộ Công an, 14 cá nhân của Bộ Công an và Công an tỉnh Điện Biện, Công an huyện Điện Biên trong hoạt động điều tra vụ bắt cóc, giết cô Cao Mỹ Duyên là… không chấp nhận được thì vẫn là chấp nhận cho công an buộc công lý… nghỉ hưu.
***
Cho dù công chúng chỉ trích kịch liệt, Chủ tịch tỉnh Điện Biên, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên vẫn im lặng, không thèm lên tiếng giải thích tại sao lại “thưởng nóng” cho những cá nhân tham gia điều tra vụ bắt cóc, giết cô Duyên, ngụ ở xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên.Người ta phẫn nộ vì “thưởng nóng” rõ ràng là không thỏa đáng khi công an chẳng làm gì cả sau khi gia đình nạn nhân khai báo cô bị mất tích. Hai ngày sau, cả thi thể lẫn tang vật liên quan tới vụ án đều do dân chúng phát giác. Chuyện khám nghiệm tử thi được thực hiện cẩu thả tới mức, phải khai quật, khám nghiệm lại.
Ai cũng biết, khám nghiệm tử thi phải được thực hiện theo qui trình chặt chẽ, ghi nhận tất cả các biểu hiện từ bình thường đến bất thường trên và trong thi thể, tìm kiếm – thu giữ – lưu trữ tất cả các mẫu, đặc biệt là ngoại vật (lông, tóc, da, bụi, đất trong kẽ móng tay, móng chân, tinh dịch, DNA,…) để truy tìm, đối chiếu, kết luận buộc hay gỡ.
Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên xem công chúng như trẻ con khi tuyên bố, khai quật, khám nghiệm lại tử thi vì lời khai của những cá nhân mà công an xác định là thủ phạm, mâu thuẫn với kết quả khám nghiệm tử thi trước đó nên cần thu thập thêm chứng cứ, củng cố hồ sơ (1).
Hóa ra các Điều tra viên của Công an huyện Điện Biên, Công an tỉnh Điện Biên, Phòng Trọng án thuộc Cục Hình sự của Bộ Công an đều hết sức non nớt về nghiệp vụ! Lẽ ra kết quả khám nghiệm tử thi phải là thừng để cột thì trong vụ án này, công an khai quật, khám nghiệm lại tử thi để minh họa cho lời khai của thủ phạm!
Đến giờ này, công an đã xác định có năm thủ phạm. Dù cuộc điều tra chưa kết thúc, tên, tuổi, nơi cư trú, nhân dạng của cả năm đã được công bố rộng rãi. Tuy công an chưa hoàn tất Kết luận điều tra nhưng thông qua những gì công an chủ động cung cấp cho báo giới, vụ án đã trở thành một câu chuyện hoàn chỉnh khiến công chúng choáng váng.
Lúc này, chưa thể khẳng định năm cá nhân bị cáo buộc là thủ phạm bắt cóc, cướp tài sản, cưỡng hiếp, giết cô Cao Mỹ Duyên có thực hiện những hành động phi luân, bại lý như công an tiết lộ hay không, song ít nhất chuyện lấy được lời khai tới đâu, vời báo chí đến cung cấp tới đó, dọn đường để “thưởng nóng”, rồi khai quật, khám nghiệm lại tử thi trong vụ án đau lòng này làm người ta rùng mình nhớ một số vụ án khác…
***
Tháng 7 năm 2013, Công an tỉnh Sóc Trăng loan báo đã bắt được bảy thủ phạm tham gia vụ giết ông Lý Văn Dũng – một người chạy xe ôm, ngụ tại xã Đại Ân, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Cả Trần Hol, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Thạch Sô Phách, Thạch Mươl, Khâu Sóc và Nguyễn Thị Bé Diễm đều đã nhận tội.Nhiều cá nhân, tập thể của Công an huyện Trần Đề, Công an tỉnh Sóc Trăng cùng được “thưởng nóng” vì phá án nhanh. Theo công an, Hol và nạn nhân vốn có hiềm khích cá nhân và Hol đã tập họp Cua, Đỡ, Phách, Mươl, Sóc giết ông Dũng. Diễm – bạn gái của Đỡ biết chuyện mà không tố giác nên bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tháng 12 năm 2013, cô Lê Thị Mỹ Duyên đến Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM, đầu thú. Cô Duyên cho biết, cô và cô Phan Thị Kim Xuyến mới là thủ phạm giết ông Dũng để cướp tài sản. Vụ cướp bất thành, cả hai rời Sóc Trăng lên TP.HCM. Vì cô Xuyến có quan hệ tình cảm với người khác, cô Duyên đầu thú với hy vọng cả hai có thể ở bên nhau đến trọn đời trong… tù.
Chuyện cô Duyên đầu thú buộc hệ thống tư pháp Việt Nam phải xem lại toàn bộ vụ án giết người mà Hol, Cua, Đỡ, Phách, Mươl, Sóc đã nhận tội. Cũng phải tới lúc đó, việc cả sáu kêu oan, tố cáo bị tra tấn, đành phải khai theo kịch bản do các Điều tra viên soạn sẵn mới được xem xét. Tháng 4 năm 2014, Viện Kiểm sát Sóc Trăng phải phóng thích cả sáu.
Trong vụ án vừa kể, sự táo tợn không chỉ ngừng ở chỗ tra tấn – buộc sáu thanh niên lương thiện phải nhận đã “giết người” để được sống chờ nhận án tử hình: Công an còn “chủ động, sáng tạo” bị can thứ bảy, tống cô vào tù vì “không tố giác tội phạm” để tăng tính thuyết phục cho Kết luận điều tra, vô hiệu hóa những lời kêu oan.
Cho dù đã được giải oan nhưng nhiều nạn nhân vẫn phải gánh hậu quả không phải do lỗi của họ. Chỉ ít ngày trước khi Thạch Sô Phách được trả tự do, vợ anh đã bỏ con lại cho mẹ anh nuôi và đi theo người khác vì không đủ nhận nại nuôi con, chờ một người chồng “giết người” với hàng loạt tình tiết tăng nặng “có tổ chức”, “động cơ đê hèn”.
Trần Văn Đỡ thì ngậm ngùi cho mối tình giữa anh với Nguyễn Thị Bé Diễm. Cô dứt khoát không tha thứ chuyện Đỡ khai theo hướng dẫn của các điều tra viên, rằng cô biết “kế hoạch giết người” mà không tố cáo, khiến cô vướng vòng lao lý một cách oan uổng… (2).
Trong năm 2013, riêng tại Sóc Trăng còn hai vụ án oan khác theo kiểu như thế (3). Những vụ án được phá rất nhanh, được “thưởng nóng” đã tạo ra cơ hội cho nhiều sĩ quan công an thăng tiến. Khi chuyện vỡ lở, những sĩ quan này chỉ bị khiển trách, cảnh cáo, nặng hơn thì cách chức, giáng cấp là… xong (4).
Do Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng phá hàng loạt vụ án nghiêm trọng, phức tạp, Đại tá Thái Văn Đợi Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng. Xem xét suốt ba năm, Tỉnh ủy Sóc Trăng mới ra được quyết định “cảnh cáo” ông Đợi về mặt đảng vì ông dính cả ba vụ án oan. Tuy nhiên Đại tá Đợi bất phục và vẫn còn đang chờ kết quả giải quyết khiếu nại (6) .
***
Công chúng hữu lý khi chất vấn, đòi công an trả lời đã tiếp nhận vụ cô Cao Mỹ Duyên mất tích thế nào (?), điều tra ra sao (?), tại sao lại “thưởng nóng” khi có hàng loạt dấu hiệu cho thấy công an tắc trách, non kém về nghiệp vụ (?) nhưng chừng đó chưa đủ. Lõi của câu chuyện là nhận thức và cách hành xử của bộ máy bảo vệ trật tự, trị an.Nếu bất bình chỉ xoay quanh “thưởng nóng”, sẽ vẫn còn những oan án, những Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long,… vẫn còn những chuyện như Trung tá Hoàng Anh Tuấn, Trưởng đồn Công an Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), đụng chết người và bị xử lý bằng cách điều động về làm… Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra Công an huyện Đắk R’Lấp (7).
Cứ như thế thì bộ máy bảo vệ trật tự, trị an, vốn ngốn một phần không nhỏ nguồn lực quốc gia sẽ tiếp tục như thế: Hoạt động tùy tiện, kém hiệu quả, hành xử vô tâm, thiếu trách nhiệm với danh dự, sức khỏe tính mạng, tài sản công dân và chỉ chờ có dịp, thậm chí chủ động tạo cơ hội để khoác áo thụng vái lẫn nhau.
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/kham-nghiem-lai-tu-thi-nu-sinh-giao-ga-bi-giet-hai-20190217202829601.htm
(2) https://news.zing.vn/bat-giam-7-nguoi-hon-nua-nam-vi-non-nong-pha-an-post443414.htmlhttp://tuoitre.vn/tro-ve-sau-hon-7-thang-bi-tam-giam-596388.htm
(3) http://nld.com.vn/phap-luat/soc-trang-lai-co-an-oan-20140804232142686.htm
(4) https://tuoitre.vn/ky-luat-hang-loat-can-bo-cong-an-cap-ta-611327.htm
(5) http://tuoitre.vn/ba-vu-oan-sai-khien-pho-giam-doc-cong-an-soc-trang-nhan-canh-cao-20171007211104085.htm
(6) https://news.zing.vn/hai-vu-oan-sai-chan-dong-lien-quan-den-dai-ta-cong-an-bi-ky-luat-post785584.html
(7) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dieu-chuyen-trung-ta-cong-an-lai-xe-tong-chet-nguoi-1372271.tpo
https://www.voatiengviet.com/a/cao-my-duyen-cong-an-dien-bien-thuong-nong/4796133.html
Nguyện vọng thoát Trung qua lá thư
gửi Tổng thống Mỹ của nhân sĩ trí thức Việt Nam
Diễm Thi, RFAHôm 17/2/2019, trên các trang mạng xã hội xuất hiện bức thư của 100 nhân sĩ, trí thức và các tổ chức xã hội dân sự gửi Tổng thống Mỹ. Bức thư nêu lên vai trò của Hoa Kỳ đối với thế giới và nhân dân Việt Nam, và nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Mỹ trong Thông điệp Liên bang năm 2019 rằng “Giờ đây, chúng ta phải bước đi mạnh bạo và can đảm vào chương mới của cuộc phiêu lưu vĩ đại của nước Mỹ, và chúng ta phải tạo nên một tiêu chuẩn sống mới cho thế kỷ 21”.
Cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, từng làm việc tại Bộ Ngoại giao, cũng là người tham gia soạn thảo lá thư, cho biết mục đích ra đời của lá thư:
“Nhân dịp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sắp sang Việt Nam họp Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên (27 và 28/2/2019), lá thư này ra đời không chỉ để Tổng thống Mỹ biết (vì ông đã thừa hiểu), mà chính là để dư luận thế giới, đặc biệt dư luận Việt Nam, dư luận Trung Quốc và cả châu Á hiểu rằng, trước nguy cơ Việt Nam bị xâm lược biển đảo, thì Hoa Kỳ là đồng minh tự nhiên của Việt Nam.”
PGS-TS Ngôn ngữ học Hoàng Dũng nói với RFA rằng trên danh nghĩa thì lá thư được gửi cho Tổng thống Mỹ, nhưng thực chất không phải gửi cho cá nhân tổng thống mà là gửi cho người đại diện Hoa Kỳ để lên tiếng với thế giới nguyện vọng thoát Trung của người Việt Nam:
“Chúng tôi cũng không mong ông Trump làm gì được cho Việt Nam. Tất cả các nguyên thủ quốc gia khi quyết định việc gì thì họ đều đặt quyền lợi quốc gia của họ lên trên, chứ không vì lá thư mà họ thay đổi, nhưng qua lá thư chúng tôi muốn nói với công luận quốc tế và với người dân Việt rằng chính phủ Việt Nam đang lơ lửng giữa hai xu hướng: Một là ngày càng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, và xu hướng thứ hai là muốn thúc đẩy càng nhanh càng tốt chuyển động thoát Trung.
Khi ông Trump và ông Kim Jong-un gặp nhau ở Việt Nam thì đây là thời điểm tốt để chúng tôi khẳng định lại là người Việt Nam thấy việc thoát Trung ngày càng cấp bách.”
Ông dẫn chứng sự lúng túng của chính phủ Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc qua cách ứng xử vụ tưởng niệm 40 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc vừa qua, là một mặt bật đèn xanh cho báo chí viết những bài khá mạnh mẽ về cuộc chiến ngày 17/2/1979, nhưng mặt khác thì lại giới hạn càng lúc càng chặt.
Lá thư của chúng tôi nhấn mạnh nguyện vọng của người Việt Nam là phải thoát Trung. Cái đó phải nói to ra cho thế giới biết và để thức tỉnh một bộ phận quan chức cũng như người dân để họ thấy đã đến lúc phải nói lên nguyện vọng đó. – GS. Hoàng Dũng
Cuộc Hội thảo cấp quốc gia về Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc do viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam tổ chức hôm 15/2/2019 tại Hà Nội đã không dám nói đó cuộc chiến tranh xâm lược, mà cũng không dám nêu tên Trung Quốc xâm lược. Trong buổi hội thảo tuyệt nhiên không có nhân vật chính trị cấp cao nào xuất hiện. Còn tại chuyến thăm nghĩa trang liệt sĩ hôm 17/2/2019 thì lại đưa một quan chức cấp cao nhưng đã rời khỏi chính trường đến dâng hoa, thắp hương, đó là nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Giáo sư Hoàng Dũng kết luận ‘Họ sợ!’ và nói thêm:
“Họ sợ hãi người dân nên phải ứng xử một cách vô văn hóa, đi ngược lại truyền thống dân tộc khi đem xe chở rác chắn ngang lối vào tượng đài Đức Trần Hưng Đạo, rồi cẩu lư hương đi chỗ khác….
Tất cả những điều đó cho thấy chính quyền Việt Nam đang rất lúng túng, tiến một bước lùi hai bước.
Và điều đó càng cho thấy cái thư của chúng tôi nhấn mạnh nguyện vọng của người Việt Nam là phải thoát Trung. Cái đó phải nói to ra cho thế giới biết và để thức tỉnh một bộ phận quan chức cũng như người dân để họ thấy đã đến lúc phải nói lên nguyện vọng đó.”
Một điều xuyên suốt trong lá thư rất dễ nhận thấy là mối đe dọa từ Trung Quốc. Lá thư nhắc lại cuộc chiến Việt Nam mà ‘hậu quả đau đớn nhất chính là việc một nước Trung Hoa trở nên hùng hổ, đang trắng trợn mở rộng cuộc xâm chiếm vùng biển và các đảo của Việt Nam trên biển Đông, đe doạ quyền tự do hàng hải của mọi quốc gia trên vùng biển quốc tế, thách thức uy quyền của Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình Dương.’
Cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang khẳng định:
“Mục đích chính của những người tham gia ký tên thư này nói lên một điều là lợi ích của Hoa Kỳ và lợi ích của Việt Nam lúc này ở Biển Đông, mở rộng ra là Châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương có cùng lợi ích là ngăn chặn sự bành trướng bá quyền của Trung Quốc, nên Việt Nam và Mỹ có thể là đồng minh với nhau trong vấn đề này. Khởi đầu là đồng lợi ích rồi có thể tiến tới là đồng minh về đối ngoại, sau này có thể mở rộng thành đối tác chiến lược toàn diện, chứ không phải chỉ là đối tác toàn diện như hiện nay.”
Tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 12/2/2019, đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương phát biểu rằng “Chúng ta phải chấp nhận một sự thật rằng tình hình Biển Đông đang thay đổi một cách nhanh chóng và chúng ta sẽ cần một cách tiếp cận mới. Điều này đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc với một vài địa điểm Mỹ chưa đặt căn cứ quân sự tại khu vực này. Chúng tôi đang bàn bạc với các đối tác và đồng minh về khả năng thiết lập những cơ sở này”.
Việt Nam là một trong những nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, là nước nhỏ nằm bên cạnh Trung Quốc và luôn chịu áp lực, đe dọa từ Trung Quốc. Lá thư cũng nêu lên rằng nhân dân Việt Nam ngày càng nhận thức rõ rằng nguy cơ bành trướng, xâm lược của Trung Hoa Cộng sản hôm nay là sự tiếp nối tham vọng đế quốc hàng ngàn năm của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Ông Nguyễn Đăng Quang nhận định Việt Nam phải có sự chuẩn bị từ trước chứ không để “nước đến chân mới nhảy”:
Vấn đề là phải chuẩn bị từ trước, để khi Việt Nam có nguy cơ bị xâm lược, hay bị xâm lược thì Việt Nam và Mỹ đã là đồng minh của nhau. – Cựu Đại tá Nguyễn Đăng Quang
“Nếu Mỹ đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam thì rõ ràng Trung Quốc sẽ không dám xâm lược Việt Nam, nhưng điều đó lại không phù hợp với chính sách “ba không” của Việt Nam là “Không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; không là đồng minh quân sự của bất kỳ quốc gia nào; và không đi với nước này để chống nước kia.”
Thế nhưng cái “không” thứ ba có thể thay đổi, nghĩa là để bảo đất nước, chống xâm lược thì buộc VN phải liên minh, tìm kiếm đồng minh với một nước thứ ba để bảo vệ Tổ quốc một khiVN bị một nước nào đó mạnh hơn xâm lược hay đe dọa xâm lược!
Vấn đề là phải chuẩn bị từ trước, để khi Việt Nam có nguy cơ bị xâm lược, hay bị xâm lược thì Việt Nam và Mỹ đã là đồng minh của nhau.”
Mối đe dọa từ Trung Quốc là điều mà bất cứ người Việt Nam nào cũng nhận thấy, vì nó từ hàng ngàn năm qua rồi. Là người dân Việt Nam, cũng là một nghệ sĩ nổi tiếng luôn ủng hộ cho dân chủ, nhân quyền và thoát Trung, nghệ sĩ Kim Chi cho biết khi tham gia ký lá thư gửi cho Tổng thống Mỹ, bà không quá kỳ vọng nước Mỹ sẽ làm gì đó, bởi “người Mỹ họ thực dụng lắm. Cái gì có lợi cho họ thì họ làm, chứ không vì dân chủ nhân quyền của Việt Nam mà họ làm tất cả đâu.”
Bà cho biết bà chỉ nghĩ đơn giản là bây giờ làm bất cứ điều gì để thúc đẩy tiến trình quan hệ Việt Nam với quốc tế tốt hơn, đi gần với dân chủ hơn là bà làm, và đây cũng là dịp để Hoa Kỳ thấy rằng người dân tin cậy ở sự hợp tác trong công cuộc đòi nhân quyền và thoát Trung ở Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/aspiration-escape-china-through-a-letter-to-the-us-pre-of-vns-intellectuals-dt-02192019131134.html
Việt Nam cần thận trọng trong đối đầu Mỹ Trung Quốc
Kính Hòa RFACuộc chiến biên giới 1979 giữa Trung Quốc và Việt Nam, tuy ngắn ngủi nhưng được nhiều nhà quan sát cho rằng đã tạo đà cho Trung Quốc vươn lên trên mọi lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, chính trị, quân sự,… mặc dù họ bị xem là bị một tổn thất lớn về quân sự.
Ngược lại, sau cuộc chiến đó Việt Nam lại đắm chìm trong suy thoái, sa lầy, bị cô lập đến gần một thập kỷ sau.
Trong những ngày kỷ niệm 40 năm cuộc chiến, trong bối cảnh quan hệ quốc tế thay đổi nhanh chóng, nhiều người Việt Nam đặt câu hỏi: Bài học 1979 là gì?
Ông Đinh Kim Phúc, một nhà nghiên cứu sử học và xung đột Biển Đông, vào năm 1979 là một quân nhân quân đội Việt Nam. 40 năm sau nhìn lại, ông nói về bài học mà Việt Nam đã rút ra từ sự xung đột với Trung Quốc:
“Theo tôi bài học lớn nhất của cuộc chiến biên giới Tây Nam và phía Bắc 1979 là không đi với một kẻ này để đánh kẻ khác, tức là không được tham gia các khối liên minh quân sự, kinh tế bất lợi cho các nước láng giềng.”
Trong năm 1978, trước khi cuộc chiến biên giới do Trung Quốc phát động nổ ra, Việt Nam tham gia hai hiệp ước quân sự và kinh tế. Tháng 6/1978 Việt Nam chính thức là thành viên của Hội đồng tương trợ kinh tế do Liên Xô đứng đầu, bao gồm tất cả các quốc gia cộng sản trừ Trung Quốc, Bắc Hàn, và Cam Pu Chia do Khmer Đỏ cai trị.
Tháng 11/1978 Việt Nam ký hiệp định với Liên Xô, trong đó có đề cập đến sự giúp đỡ nhau về quân sự.
Khi Đặng Tiểu Bình gặp Carter và Brzezinski thì Brzezinski nói rõ muốn Trung Quốc đánh Việt Nam như là một cuộc chiến tranh qui ước.
-Giáo sư Ngô Vĩnh Long.
Tuy nhien Giáo sư Ngô Vĩnh Long, từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, lại cho rằng chuyện liên minh của Việt Nam với Liên Xô không phải là nguyên nhân quan trọng nhất. Ông cho rằng trong nguyên nhân của cuộc chiến tranh đó phải kể đến vai trò của Mỹ:
“Mỹ và Trung Quốc cố tình đánh Việt Nam như là một cuộc chiến tranh qui ước để chống Liên Xô. Khi Đặng Tiểu Bình gặp Carter và Brzezinski thì Brzezinski nói rõ muốn Trung Quốc đánh Việt Nam như là một cuộc chiến tranh qui ước.”
Jimmy Carter và Zbigniew Brzezinski là Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ lúc đó, còn Đặng Tiểu Bình là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, mới lên nắm quyền lực.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng Trung Quốc đang có nhu cầu vốn đầu tư từ các quốc gia như Mỹ và Nhật, cho nên khi tiến đánh Việt Nam vào năm 1979, Trung Quốc đã làm một hành động như là trích máu ăn thề với Mỹ.
Từ những năm 1970 Mỹ đã bắt đầu một cách tiếp cận mới để tấn công khối cộng sản Liên Xô, đó là tái lập quan hệ với Trung Quốc, chia rẽ khối này, thay vì tiến hành một cuộc chiến ngăn chận như cuộc chiến Việt Nam.
Giáo sư Long kết luận là hiện nay nếu nhìn lại giai đoạn xung đột với Trung Quốc nếu không nêu ra vai trò của Mỹ là một sự thiếu sót.
Song, dù nguyên nhân là gì đi nữa, thì theo ông Đinh Kim Phúc, Việt Nam đã rút ra được một bài học về quan hệ đối ngoại và theo một cách tiếp cận ngoại giao mới, gọi nôm na là “đu giây giữa các cường quốc”.
Việt Nam rút ra khỏi Cam Pu Chia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, tuyên bố không liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào.
Theo ông Đinh Kim Phúc, chính sách này đến nay là thành công.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long không hoàn toàn đồng ý:
“Nó không thành công nhưng không làm cho vấn đề tồi tệ quá. Biển Đông thì Trung Quốc lấn chiếm như vậy cũng không làm gì được. Vấn đề biên giới trên bộ thì tạm ổn. Tôi không biết có phải là đu giây hay không, hay là sợ bị Trung Quốc đánh?”
Đó là những phân tích và quan điểm về nguyên nhân của cuộc xung đột 40 năm trước. Còn hiện nay dường như Việt Nam lại đứng giữa những xung đột mới, đó là xung đột thương mại và kể cả quân sự giữa Mỹ và đối tác cũ Trung Quốc.
Có những ý kiến cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam dứt khoát thoát khỏi sức ép của Trung Quốc.
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn viết trên trang cá nhân rằng có những việc cụ thể nên làm hiện nay như là: hoan ngênh sự can dự quân sự của phương Tây vào Biển Đông, ngưng gửi cán bộ sang Trung Quốc đào tạo,…
Ông Đinh Kim Phúc nhận xét về những đề nghị này:
“Tôi nghĩ lúc này chỉ riêng chuyện cắt đứt quan hệ về ý thức hệ với Trung Quốc cũng hết sức khó khăn. Những cán bộ gửi sang Trung Quốc đào tạo trong thời gian gần đây cũng không hẳn là những cán bộ sẽ nắm bộ máy đảng và nhà nước. Tiềm lực kinh tế, thế đứng của Việt Nam chưa đủ vững để đối chọi hoàn toàn với các âm mưu của Trung Quốc.”
Ở tầm mức cao hơn, đặt Việt Nam vào giữa xung đột Mỹ và Trung Quốc hiện nay, Giáo sư Ngô Vĩnh Long bình luận:
“Xung đột Mỹ Trung Quốc hiện nay chỉ là chuyện nhỏ, không phải lớn. Tôi nghĩ là chỉ một hai tuần nữa thì họ giải quyết được chuyện gọi là chiến tranh thương mại thôi. Quyền lợi của các nhóm tư bản ở Mỹ gắn rất sát với Trung Quốc. Họ chỉ làm ầm ĩ vậy mà Việt Nam ngã về phía Mỹ cũng rất là khó, tôi nghĩ Việt Nam phải rất cẩn thận trong vấn đề này.”
Ông Đinh Kim Phúc cũng có những suy nghiệm về ván cờ mà các quốc gia lớn đang chơi với nhau, và Việt Nam phải biết nhận ra cuộc chơi đó:
Nếu Việt Nam đánh giá một cách thiển cận sai lầm như sau năm 1975 thì sẽ phải trả giá.
-Ông Đinh Kim Phúc.
“Việt Nam phải nhìn nhận đúng tình hình quốc tế, phân tích đánh giá đúng sự phát triển của các siêu cường trên bàn cờ thế thế giới như thế nào, còn nếu Việt Nam đánh giá một cách thiển cận sai lầm như sau năm 1975 thì sẽ phải trả giá.”
Ngày 14/2/2019, có một nhóm nhân sĩ trí thức Việt Nam trong và ngoài nước ký một lá thư gửi đến Tổng thống Mỹ Donald Trump, trình bày những nguy hại của Trung Quốc tại khu vực, cũng như những gì Việt Nam đang cần sự ủng hộ của Hoa Kỳ để chống lại mối nguy từ Trung Quốc.
Vài ngày sau đã có 2000 chữ ký.
Một chuyên gia về quan hệ quốc tế mà chúng tôi không nêu danh tánh, sống tại Mỹ nói với chúng tôi rằng lá thư không thể hiện sự độc lập của Việt Nam.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho biết ông đã từng ký nhiều lá thư kiến nghị về những vấn đề dân chủ nhân quyền trong nước, nhưng ông không ký lá thư 14/2 nêu trên, vì theo ông nó giống như một sự xin cho.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-us-china-02192019124011.html
‘Quản gia’ của Kim Jong-un tới VN
trước kỳ họp thượng đỉnh Mỹ-Triều
“Quản gia” của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un hiện đang có mặt tại Việt Nam trước khi có kỳ hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, dự kiến sẽ diễn ra vào tuần tới.Trong chuyến đi tới Hà Nội, ông Kim Chang-son, nhân vật trên thực tế được coi là tham mưu trưởng, được thấy đã tới kiểm tra một số địa điểm có thể là nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh.
Hà Nội sẽ giúp Mỹ-Triều ‘đón ánh sáng hòa bình’
Vì sao Kim Jong-un sẽ rất để tâm quan sát Việt Nam?
Giải mã chiến lược nguyên tử của Bắc Hàn
Ông Kim Jong-un theo dự kiến sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào ngày 27-28/2, là lần gặp gỡ thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo.
Cuộc gặp lần đầu tiên diễn ra tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa hai lãnh đạo đương nhiệm từ hai nước.
Ông Kim Chang-son là ai?
Là một người thân cận với Kim Jong-un, ông Kim Chang-son từng được truyền thông Nam Hàn gọi là “quản gia” của nhà lãnh đạo Bắc Hàn.
Ông đã tới Hà Nội hôm cuối tuần.
Kim Chang-son đã được gia đình họ Kim tin dùng từ nhiều năm nay.
Theo trang mạng NK Leadership Watch, ông trước đây đã giữ chức giám đốc và là một bí thư trong Ủy ban Quốc phòng. Ông cũng là phụ tá của ông Kim Jong-un, chịu trách nhiệm lên lịch trình làm việc hàng ngày.
Ông Kim Chang-son đang làm gì ở Việt Nam?
Người ta thấy ông Kim đã tiến hành kiểm tra một số địa điểm có thể là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, Reuters nói.
Ông được thấy đã tới nhà khách chính phủ và các khách sạn Metropole, Melia ở trung tâm thành phố.
Nhiều khả năng là ông sẽ thảo luận về nghi lễ và các vấn đề an ninh với những người tương nhiệm phía Mỹ.
Daniel Walsh, Phó Tham mưu trưởng và là trợ lý Tổng thống Mỹ, cùng Alex Wong, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách vấn đề Bắc Hàn, hiện đều cùng có mặt tại Hà Nội.
Việc ông ấy có mặt tại Hà Nội có ý nghĩa gì?
Đây là một tín hiệu rõ ràng cho thấy kỳ họp thượng đỉnh sẽ diễn ra như đã định.
Trong kỳ họp thượng đình hồi tháng Sáu năm ngoái, người ta cũng nhìn thấy ông Kim đi khảo sát các khách sạn khác nhau trước khi hai nhà lãnh đạo gặp mặt.
Cho nên không có gì ngạc nhiên khi lần này ông lại làm điều tương tự tại Hà Nội. Nếu mọi việc diễn ra theo dự kiến thì chuyện công bố địa điểm tổ chức chỉ còn là vấn đề thời gian.
Chúng ta biết những gì về kỳ họp thượng đỉnh?
Không có mấy thông tin.
Hiện không rõ chính xác là nội dung gì sẽ được đặt trên nghị trình, tuy một số chuyên gia cho rằng có thể sẽ có nội dung thảo luận về việc dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon ở Bắc Hàn.
Tại kỳ họp thượng đỉnh đầu tiên, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý hợp tác với nhau hướng tới giải trừ hạt nhân, nhưng không có những thông tin cụ thể sẽ là làm những gì.
Khó có thể xảy ra chuyện hai ông sẽ ra về với một thỏa thuận có nội dung không rõ ràng thêm một lần thứ hai, các nhà quan sát nói, và nhiều người sẽ theo dõi xem liệu có nội dung chắc chắn nào được đưa ra từ kỳ họp sắp tới hay không.
Tại sao lại diễn ra ở Việt Nam?
Đây là một địa điểm lý tưởng, xét về nhiều lý do.
Việt Nam có quan hệ ngoại giao với cả Hoa Kỳ và Bắc Hàn, dẫu đã từng là kẻ thù của Mỹ. Việt Nam có thể được Mỹ dùng như một ví dụ cho thấy hai nước có thể hợp tác với nhau, để lại đằng sau những thù hận trong quá khứ.
Về mặt ý thức hệ, cả Việt Nam và Bắc Hàn đều là các quốc gia cộng sản, tuy nhiên Việt Nam đã nhanh chóng phát triển và trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất Á châu.
Về mặt hậu cần, Việt Nam nằm trong phạm vi di chuyển ngắn tính từ Bắc Hàn, khiến chuyên cơ của ông Kim có thể dễ dàng bay tới.
Việt Nam cũng đã từng tổ chức các kỳ họp thượng đỉnh cấp cao. Thành phố biển Đà Nẵng là nơi đăng cai hội nghị thượng đỉnh Apect hồi 2017, sự kiện thu hút sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo thế giới.
Lần này, Hà Nội sẽ đến lượt thể hiện khả năng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47306038
Trump-Kim 2: Bắc Hàn có thể học gì từ chủ nhà Việt Nam?
Chỉ một tuần nữa, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp mặt Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lần thứ hai và lần này ở Việt Nam.Cả thế giới sẽ dõi theo các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa của họ, nhưng ông Kim cũng rất có thể sẽ tận dụng cơ hội để quan sát quốc gia chủ nhà, Việt Nam.
Ông Kim rất có thể sẽ thích những gì ông ta thấy ở Việt Nam. Vốn cũng như Bắc Triều Tiên, Việt Nam là một quốc gia Cộng sản độc đảng.
Gặp gỡ Trump-Kim lần 2: ‘VN khẳng định vai trò quốc tế’
Cuộc gặp Trump-Kim sẽ diễn ra ở Hà Nội
Nhưng kể từ 1986, Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế và trở thành một trong những nước phát triển nhanh nhất châu Á – Ngân hàng Thế giới cho biết GDP của nước này có thể đạt 6,6% trong năm nay.
Và Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm được điều này trong khi vẫn giữ được quyền lực tuyệt đối.
Hà Nội không cho phép sự tồn tại của các nhóm đối lập, duy trì “sự lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp” với quân đội và công an. Theo tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế, đã thực hiện một “cuộc đàn áp không ngừng đối với giới bất đồng chính kiến”.
Việt Nam xếp ngay trên Bắc Triều Tiên đứng cuối bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2018 của Phóng viên Không Biên giới.
Nhưng việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh lớn như vậy chắc chắn là một dấu hiệu cho thấy Việt Nam đã đi một chặng đường dài kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam vào năm 1975.
Một nền kinh tế đang bùng nổ và vai trò tương đối nổi bật trên toàn cầu nhưng kèm theo sự kiểm soát xã hội chặt chẽ sẽ rất hấp dẫn đối với ông Kim.
Đánh giá từ các bình luận trên mạng xã hội Việt Nam, hầu hết mọi người tự hào rằng đất nước mình được chọn để tổ chức cuộc hội nghị thượng đỉnh.
Trong số đó có nhà kinh tế học Lê Đăng Doanh, cựu cố vấn của thủ tướng Phan Văn Khải, người đã thực hiện một nghiên cứu sâu rộng về sự chuyển đổi của Việt Nam có thể giúp cho Triều Tiên.
Ông đã hai lần gặp gỡ các đại biểu Bắc Triều Tiên và nhận định rằng, dù có sự khác biệt rõ ràng giữa hai nước, “nhưng kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển khu vực tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập quốc tế có thể hữu ích cho Triều Tiên”.
Khởi đầu từ nông nghiệp
Câu chuyện thành công của người Việt Nam có thể đã được quảng bá từ lâu là một ví dụ cho một Triều Tiên hiện đang bị cô lập, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy người cha quá cố của Kim Jong-un, Kim Jong-il, đã từng coi trọng ý tưởng này.
Ông Kim Jong-il chưa từng đến thăm Việt Nam.
Nhưng Kim Jong-un đã có dấu hiệu cởi mở hơn để thay đổi.
Kể từ khi Kim Jong-un tiếp quản quyền lực vào 2011, đã có những cải cách hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp, ví dụ, cho phép nông dân giữ một số thứ họ thu hoạch được.
Và vào tháng Tư năm ngoái, ông Kim tuyên bố rằng Triều Tiên đã đạt được thành công công nghệ hạt nhân, giờ đây có thể tập trung vào việc cải thiện mức sống.
Các chuyên gia Việt Nam như ông Lê Đăng Doanh cho biết có một số điểm tương đồng giữa Việt Nam trong giai đoạn đầu chuyển đổi và Bắc Triều Tiên ngày nay.
Giống như Bắc Triều Tiên, Việt Nam biết được tác động của các lệnh cấm vận thương mại.
Mặc dù Việt Nam đã lật đổ chế độ Khmer Đỏ vào 1978, nhưng sự chiếm đóng sau đó của Việt Nam ở Campuchia trong 11 năm tiếp theo đã tạo cơ sở cho Hoa Kỳ gây áp lực với IMF và Ngân hàng Thế giới để từ chối viện trợ cho Việt Nam.
Và giống như Bắc Triều Tiên dưới thời ông Kim, Việt Nam bị cô lập và bắt đầu thay đổi với những cải cách cơ sở trong nông nghiệp tập thể.
“Nhờ cải cách, Việt Nam đã từ một nước hàng năm phải nhập hơn 1 triệu tấn lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo và nông sản quan trong trong khu vực,” ông Doanh nói.
Việt Nam tiếp tục xây dựng luật đầu tư nước ngoài, bình thường hóa mối quan hệ với thế giới và tư nhân hóa nhiều tập đoàn nhà nước.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam vào năm 1994, và một năm sau, Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean).
Việt Nam trở thành thành viên WTO vào 2007.
Triều Tiên có thể học hỏi từ cách đi thực tiễn, từ từ này, ông Vũ Minh Khương, một học giả người Việt tại Đại học Quốc gia Singapore và là cố vấn kinh tế cho thủ tướng đương nhiệm của Việt Nam nói.
Ông Khương gợi ý: “Trong chiến lược cải cách, Việt Nam áp dụng phương thức từ từ nhưng thống nhất. Khi Việt Nam thêm tự tin vào khả năng hội nhập thế giới và áp dụng tiến bộ công nghệ, thì Việt Nam cũng có những nỗ lực cải tổ mạnh dạn hơn.”
“Lãnh đạo Việt Nam rất quyết tâm ủng hộ những yếu tố lớn giúp một quốc gia phát triển kinh tế thành công, đó là: kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu (tập trung vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài), và phát triển khu vực tư nhân.”
Tiến sĩ Vũ Minh Khương chia sẻ thêm rằng cần xác định ba lĩnh vực để tập trung: cơ sở hạ tầng, định chế và vốn con người.
Một tầm nhìn truyền cảm hứng cũng sẽ có ích.
“Việt Nam đã đặt ra tham vọng trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045,” ông Khương nói.
“Tầm nhìn này dự kiến sẽ trở thành một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy đất nước tiến lên với tốc độ nhanh chóng trong những năm tới.”
Siết chặt chính trị, thả lỏng xã hội?
Tất nhiên, có những giới hạn đối với những gì Triều Tiên có thể đạt được trong thời gian ngắn.
Trừ khi Washington và Bình Nhưỡng đồng ý về việc phi hạt nhân hóa và bắt đầu thực hiện nó, thì sẽ không có lệnh dỡ bỏ lệnh trừng phạt nên sẽ rất khó để các nhà đầu tư nước ngoài thậm chí xét đến Triều Tiên.
Và ông Kim cũng cần phải thuyết phục giới thượng lưu của Bắc Triều Tiên rằng việc mở cửa là một chiến thắng của các chính sách dài hạn của ông ta, chứ không phải là sự đầu hàng đối với các áp lực thị trường.
Về vấn đề này, Việt Nam có thể dẫn dắt.
Việc mở cửa nền kinh tế đã đi cùng với sự tái khẳng định tính ưu việt của Đảng Cộng sản và quá khứ hào hùng của nó.
Năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ và Việt Nam phải tự điều chỉnh theo một thực tế mới, Tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những hệ tư tưởng chủ đạo của đất nước, cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin.
Và trong khi các cuộc tranh luận về một hệ thống chính quyền đa đảng bị nghiêm cấm, người Việt Nam đã được hưởng sự tự do hơn trong đời sống kinh tế, tôn giáo và xã hội.
Việc du lịch ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước láng giềng, đã trở nên phổ biến.
Có một sự tồn tại mâu thuẫn giữa một nền truyền thông báo chí chính thức bị kiểm duyệt và một diễn đàn sống động không chính thức vẫn tồn tại trên Facebook.
Không rõ liệu sự kết hợp tinh tế giữa kiểm soát chính trị chặt chẽ và thả lỏng về xã hội có thể được áp dụng ở Triều Tiên hay không.
Tuy nhiên, nếu Kim Jong-un muốn theo mô hình cải cách kinh tế với với sự tự do chính trị hạn chế, thì Việt Nam, với quy mô của mình, có thể là một ví dụ phù hợp hơn so với Trung Quốc.
“Đa dạng hóa, đa phương hóa mối quan hệ quốc tế, tránh không bị quá phụ thuộc vào một nền kinh tế nào, kinh nghiệm cải cách thể chế, xây dựng các thể chế kinh tế thị trường như hệ thống ngân hàng, điều chỉnh tỷ giá, giá cả, tín dụng,kiểm soát lạm phát v.v. sẽ có ích đối với Bắc Triều Tiên,” ông Lê Đăng Doanh nói.
Ông nói thêm rằng nếu Triều Tiên nghiêm túc về sự thay đổi, thì cũng có những bài học ít tích cực hơn để học hỏi.
“Những việc Việt Nam làm chưa tốt như quản lý đất đai, tài nguyên,kiểm soát tham nhũng cũng có thể có ích để Bắc Triều Tiên có thể rút kinh nghiệm.,” ông nói.
Ông cũng chỉ ra rằng trong các cuộc gặp với các quan chức Bắc Triều Tiên, họ rất muốn hỏi liệu có mâu thuẫn nội bộ giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam về cải cách hay không, và cách Việt Nam giải quyết điều này, có thể đưa ra một gợi ý cho một trong những thách thức lớn nhất để thay đổi Bắc Triều Tiên.
“Họ hỏi cải cách như vậy có ý kiến khác nhau không, có mâu thuẫn nội bộ không, giải quyết thế nào? Cải cách như vậy thì quan hệ sản xuất có phù hợp với lực lượng sản xuất không?”
“Việt Nam chiến tranh với Mỹ như vậy tại sao lại bình thường hóa quan hệ được sớm thế…” ông Lê Đăng Doanh nhớ lại hai lần trình bày cho phái đoàn Bắc Triều Tiên sang nghiên cứu Việt Nam trước đây.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47288266
Cơ hội để Hà Nội giúp Mỹ-Triều ‘đón ánh sáng hòa bình’
“Chúng tôi không có ý định coi Hoa Kỳ là kẻ thù vĩnh viễn. Chúng tôi hy vọng có thể bình thường hóa ngoại giao với Mỹ. Bang giao Mỹ – Triều sẽ được phát triển để phục vụ quyền lợi của nhân dân hai nước nếu Mỹ từ bỏ quan niệm lỗi thời của Chiến Tranh Lạnh là giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng sức mạnh, và tạo điều kiện cho hòa bình và thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên.”Tuyên bố của ông Kim Jong-il vào tháng 6/2000 phản ánh giấc mơ của dòng họ Kim muốn khép lại chiến tranh.
Năm 1974, Kim Il-sung (ông nội của Kim Jong-un) đã gửi một lá thư cho Quốc hội Mỹ mời đàm phán về một hiệp ước hòa bình để thay thế Hiệp định đình chiến.
Sau đó, ông còn nêu ý kiến này với Tổng thống Jimmy Carter. Tất cả đều không thành công.
Kim Jong-un mời Giáo hoàng thăm Bình Nhưỡng
Kim Jong-un ‘cảm động’ vì K-pop ở Bình Nhưỡng
Thi thể Kim Jong-nam ‘về tới Bình Nhưỡng’
Giải mã chiến lược nguyên tử của Bắc Hàn
Năm 2000 dưới thời Tổng thống Bill Clinton, hai bên Mỹ – Hàn đã tới sát một giải pháp, nhưng 18 năm sau thì giấc mơ hòa bình mới có hy vọng thành sự thật.
Thông Cáo Chung của cuộc họp thượng đỉnh tại Singapore ngày 12/6/2018 viết:
“Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã tiến hành trao đổi ý kiến toàn diện, sâu đậm và chân thành về các vấn đề liên quan đến việc thiết lập quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên và xây dựng một nền hòa bình lâu dài và vững chãi trên Bán đảo Triều Tiên.”
Chỉ mới bắt đầu có hy vọng vì văn bản chỉ nói đại cương về việc hai bên “trao đổi ý kiến” về quan hệ mới giữa hai nước và xây dựng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Như vậy cuộc họp Singapore chỉ là sơ khởi, một dịp cho hai bên gặp nhau lần đầu tiên ở cấp lãnh đạo.
Thù địch Mỹ – Triều 70 năm, gồm 3 năm chiến tranh nóng và 67 năm chiến tranh lạnh có lúc đã đưa bán đảo này tới sát cuộc chiến ác liệt và lan rộng.
Cho nên, thế giới đang kỳ vọng nhiều vào kết quả của cuộc họp Trump – Un cuối tháng Hai tại Hà Nội.
Liệu nó có đưa tới kết quả thực chất nào hay không?
Chúng tôi cho rằng có, tuy với kết quả giới hạn.
Nhưng dù giới hạn, nó cũng sẽ là bước thứ nhất của hành trình Mỹ – Triều thực sự đi tìm hòa bình.
Tại sao như vậy? Đó là vì đến bây giờ thì mới có những động lực mạnh thúc đẩy cả hai bên đi tới kết quả. Muốn có kết quả thì phải chấp nhận một giải pháp dung hòa.
Ta hãy xem các động lực nào thúc đẩy hai bên:
Về phía Chủ tịch Kim Jong-Un:
Đã gây được áp lực đối với Mỹ vì có nguyên tử và tên lửa xuyên lục địa ICBM;
Tình trạng nghèo đói quá mức của người dân Bắc Hàntrầm trọng thêm trong hai năm qua vì cấm vận, so với sự phồn thịnh của Nam Hàn mà ông Un đã nhìn thấy trong dịp Olympic vừa qua;
Cá nhân ông Un không có con trai lớn kế nghiệp cha, bản thân lại là con trai cuối cùng của nhà Kim, cho nên phải chóng thực hiện mộng thống nhất;
Kéo dài tình trạng bất an không có lợi cho chính bản thân vì những ‘thế lực thù địch’ tiềm ẩn trong nước;
Phần nào Kim Jong-Un cũng e ngại ông Trump, vì đã đe dọa bão lửa (with fire and fury) và răn đe thêm cũng chưa thấy đủ. Dù chỉ hù nhưng cũng không biết đâu được vì dư luận cho ông Trump là người khùng.
Kim Jong-un mặc may ô thăm nhà máy cá hộp
‘Tiến lên’ với đoàn văn công Bắc Triều Tiên
Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah nói ‘vô tội’
Tổng thống Richard Nixon đã từng đưa ra thuyết thằng điên (madman theory).
Năm 1953, chính vì Tổng thống Dwight Eisenhower cho Chủ tịch Kim Il-Sung biết sẽ có Hiroshima thứ hai nên chiến tranh Triều Tiên mới ngừng.
Về phía Tổng thống Trump:
Cấm vận từ lâu không thành công: Bình Nhưỡng vẫn có thể lách để chuyên chở hàng hóa trên biển và trên bộ thì biên giới Trung-Triều dài 1420 km cũng không dễ kiểm soát.
Biện pháp quân sự thì rủi ro quá lớn: đó là mạng sống của các đơn vị Mỹ ở DMZ, của dân thủ đô Seoul và dân Nhật Bảnnên ông Trump cũng không còn sự lựa chọn nào khác ngoài đàm phán;
Đây là cơ hội đối với ông Trump:biết những điểm yếu và nhu cầu hiện nay của ông Un, nhất là ước mong thực hiện sớm sứ mệnh thống nhất.
Cá nhân ông Trump đang cần một thắng lợi lớn về ngoại giao để cân bằng những khó khăn trong nước, nhất là khi thù nghịch leo thang với truyền thông, điều tra của Robert Mueller, và quan trọng nhất: Hạ Viện đã vào tay Đảng Dân Chủ. Ngoài ra ông Trump muốn có thời giờ để tập trung vào những ưu tiên khác: xây tường biên giới, Iran, Syria.
Vì động lực mạnh cho nên cả hai bên sẽ xuống thang để dung hòa. Ta hãy xem yếu tố ‘thiên thời’ ra sao.
Quả vậy, chính Mỹ đã xuống thang
Mùa Thu năm 2017: tên lửa xuyên lục địa, đầu đạn nguyên tử, vũ khí hóa học, chiến tranh trên mạng. Khi Kim Jong-Un phóng tên lửa Hwasong-15 với tầm bay tới Los Angeles, Denver, Chicago, rồi đe dọa tấn công phủ đầu nước Mỹ, nhiều người lo sợ về một cuộc chiến khốc liệt sẽ xảy ra.
Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis trình bày với Quốc Hội Mỹ là Bắc Hàn đã “thay thế Nga thành mối nguy hiểm số một cho Mỹ” (6/2017).
Tổng thống Donald Trump đe dọa tấn công Bình Nhưỡng. Dân chúng ở Hawaii chuẩn bị hầm trú ẩn.
Nhưng trên mạng BBC News Tiếng Việt, chúng tôi đã giải mã chiến lược của ông Kim Jong-Un và khẳng định rằng: chắc chắn là ông không thực sự nhắm vào lục địa Mỹ như dư luận lo sợ, hay muốn cho Mỹ “nếm mùi cay đắng”.
Mục đích thực sự của ông Un chỉ là gây áp lực tối đa đối với Mỹ.
Ông đã theo mưu kế của người cha và người ông là phải có cả nguyên tử, cả sức phóng để dồn Mỹ vào thế phải điều đình. Điều đình để đi tới một Hiệp ước Hòa Bình chấm dứt tình trạng chiến tranh. Khi có hiệp ước thì việc bang giao với Mỹ là đương nhiên và mộng thống nhất Bắc – Nam sẽ được thực hiện.
Áp lực ấy đã có kết quả. Bây giờ thì Hoa Kỳ xuống thang để điều đình – không phải giữa cấp bộ trưởng mà là ở cấp thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo.
Nhu cầu của Hoa Kỳ
Lập trường cố hữu của Hoa Kỳ là Bắc Hàn phải đơn phương phi nguyên tử hóa trước rồi Mỹ ký một Hiệp Ước Hòa Bình và Mỹ cũng không đưa ra những bảo đảm vững chắc về an ninh cho Bắc Hàn.
Lập trường cố hữu của Bắc Hàn là ngược lại: ký Hiệp ước Hòa bình trước như chúng tôi sẽ đề cập sau.
Lập trường ban đầu của ông Trump còn mạnh hơn nữa: Bắc Hàn phải cam kết đơn phương, toàn diện, không thể đổi ngược về phi nguyên tử hóa và chấp nhận kiểm tra chặt chẽ của quốc tế.
Kiểm tra là vấn đề khó khăn nhất, chưa bao giờ Bình Nhưỡng chấp nhận hoàn toàn việc này, cho nên nó đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất làm thất bại điều đình trong quá khứ.
Tuy nhiên đây là đòi hỏi tối đa của ông Trump. Ông luôn tự hào về nghệ thuật điều đình của mình. Căn bản là một thương gia nên ông rất thực tế.
Ông viết trong cuốn The Art of the Deal:
“Tôi không bao giờ gắn bó quá mức với chỉ một cái ‘deal’ hoặc một sự lựa chọn… Tôi thả rất nhiều quả bóng, bởi vì hầu hết các ‘deals’ đều không thành, bất kể lúc đầu chúng có vẻ hứa hẹn như thế nào” (I never get too attached to one deal or one approach…I keep a lot of balls in the air, because most deals fall out, no matter how promising they seem at first).
Theo ông, một trong 11 kế sách để thành công trong các cuộc thương thuyết là phải chuẩn bị cho sự bết bát nhất:
“Tôi luôn bắt đầu các cuộc thương thuyết bằng dự đoán điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Nếu bạn lên kế hoạch cho điều tồi tệ nhất – và nếu bạn có thể sống với điều tồi tệ nhất – thì điều tốt đẹp sẽ tự nó tới…” (I always go into the deal anticipating the worst. If you plan for the worst–if you can live with the worst–the good will always take care of itself).
Xem như vậy, mặc dù ông Trump đòi hỏi ông Un phải đơn phương phi nguyên tử hóa toàn diện (complete denuclearization), tức là phải phá hủy tất cả những loại khí giới và phương tiện phóng nguyên tử hiện có, hủy toàn bộ kho dự trữ uranium và lò tinh luyện, phải chỉ rõ những khu vực sản xuất nguyên tử, nhưng trong thâm tâm – ít nhất là trong lúc đầu – chắc chắn là ông đã chuẩn bị để chấp nhận ít hơn nhiều.
Ông thừa biết rằng Bắc Hàn đã không ‘trường kỳ kháng chiến’ 70 năm (1949 – 2019) để nhượng bộ ngay tức khắc toàn diện về nguyên tử – cái bảo đảm chắc chắn nhất về sự sống còn của Nhà Kim.
Cho nên mục đích điều đình của ông Trump là giới hạn:
Bắc Hàn từng bước phi nguyên tử hóa Bán Đảo Triều Tiên;
Bước thực tế ban đầu là Bắc Hàn ngừng hẳn việc thử nghiệm nguyên tử và phóng tên lửa;
Bắc Hàn chấp nhận tái tham gia ‘Hiệp ước Ngăn chặn Phát triển Nguyên tử’ (Nuclear Proliferation Treaty) và việc quốc tế kiểm soát vũ khí.
Nhưng về phía mình, Bắc Hàn cũng xuống thang
Như đề cập trên đây, lập trường của Bắc Hàn là ngược lại: phải có một Hiệp ước Hòa bình trước rồi mới tiến hành phi nguyên tử hóa.
Mục đích của Kim Jong-Un đã được phác họa rõ ràng từ người cha, vào tháng 6 năm 2000, và trước đó, từ ý tưởng của người ông, vào tháng 4, 1975) đó là:
Hiệp ước Hòa bình (Peace Treaty) để thay thế cho Thỏa thuận đình chiến 1953;
Mỹ rút quân khỏi DMZ và lãnh thổ Nam Hàn;
Kết thúc tất cả can thiệp vào nội bộ của Nam Hàn (gồm cả tháo gỡ khí giới nguyên tử – và ngày nay thì kể cả việc rút hệ thống THAAD);
Tuy nhiên, đây là mục đích tối đa. Bây giờ ông Kim Jong-Un sẽ chỉ chấp nhận những mục đích điều đình tối thiểu:
Hiệp ước Hòa bình để chấm dứt tình trạng chiến tranh;
Mỹ cam kết bảo đảm an ninh cho Bắc Hàn.
Bang giao với Mỹ
Vào thời điểm này, hiệp ước sẽ không (hay chưa) đặt vấn đề Mỹ rút quân. Nếu có thì cũng chỉ nêu ra trên nguyên tắc: Mỹ cam kết sẽ rút quân khi Bán đảo Triều Tiên được hoàn toàn phi nguyên tử hóa. Ông Kim Jong-Un thừa biết rằng 11 đời tổng thống Mỹ không trường kỳ 70 năm để chấp nhận rút quân trong mấy tháng.
Vấn đề này còn cần thời gian để giải quyết, vì chính Nam Hàn cũng chưa an tâm đủ để Mỹ rút quân. Mới đây Seoul đã đồng ý trả cho Mỹ $890 triệu một năm để giúp tài trợ việc đóng quân ở Nam Hàn – xin nhắc ông Trump là thương gia nên rất thực tế, thấy vấn đề là phải ra tiền.
Kết quả ở Hà Nội sẽ ra sao?
Hai ngày họp ở Hà Nội không phải là để đàm phán mà chỉ là để chính thức hóa kết quả đã đạt được trong thời gian bảy tháng kể từ cuộc họp tại Singapore 12/6/2018.
Kết quả thì chắc chắn là khiêm nhượng vì vấn đề chính là phi hạt nhân hóa thì chưa thấy có bước nào rõ ràng.
Trái lại, vừa mới đây, ngày 5/02, 2019, Reuters trích dẫn báo cáo bí mật của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là các chương trình tên lửa đạn đạo và nguyên tử của Triều Tiên vẫn còn y nguyên và nước này đang nỗ lực để đảm bảo rằng các cơ sở đó không thể bị phá hủy bởi bất kỳ cuộc tấn công phủ đầu nào.
Có thể ông Kim Jong-Un lo mình đã bị mắc mưu vì đã tiết lộ một số các địa điểm lắp ráp và sản xuất tên lửa và nguyên tử.
Báo cáo còn cho biết đã tìm thấy bằng chứng Bắc Hàn đang cho phân tán các địa điểm lắp ráp, tàng trữ và thử nghiệm.
Tuy nhiên vì bây giờ cả hai bên đều có động lực mạnh để đi tới kết quả về thực chất, cho nên cuộc họp tại Hà Nội rất có thể sẽ kết thúc bằng việc hai bên đồng ý đàm phán về một Hiệp ước Hòa bình thay thế cho Thỏa thuận Đình chiến.
Những nét chính của hòa ước sẽ bao gồm:
Chấm dứt chiến tranh
Bắc Hàn cam kết từng bước phi nguyên tử hóa
Mỹ cam kết bảo đảm an ninh cho Bắc Hàn
Bang giao với Mỹ
Để chấm dứt tình trạng chiến tranh về lâu dài, hiệp định sẽ bao gồm giải pháp dung hòa.
Thông cáo chung tại Singapore đã nói tới việc trao đổi ý kiến về quan hệ mới giữa hai nước và về việc Tổng thống Trump cam kết đưa bảo đảm an ninh cho Bắc Hàn và Chủ tịch Kim Jong-Un tái khẳng định cam kết phi nguyên tử hóa Bán đảo Triều Tiên.”
Hai hành động này phải diễn ra song song. Hai bên đồng ý sẽ ký một Hiệp ước Hòa bình – hoặc có thể bắt đầu ngay, thậm chí có thể cũng có cả một bản dự thảo về những nét chính của hiệp ước này. Ngược lại Bắc Hàn cam kết phi nguyên tử hóa với sự giám sát quốc tế, theo một lộ trình (Road Map) và bắt đầu ngay bằng việc ngừng hẳn những thí nghiệm nguyên tử và phóng tên lửa.
Một khi hiệp ước được hoàn thành thì sẽ do bốn nước cùng ký (giống như đã ký Thỏa ước 1953): Hoa Kỳ, Bắc Hàn, Nam Hàn và Trung Quốc.
Sớm nhất có thể, Mỹ sẽ bảo đảm an ninh, nới lỏng cấm vận và bắt đầu viện trợ cho Bắc Hàn.
Viện trợ thực phẩm là việc dễ nhất vì hiện nay Mỹ đang có lượng thực phẩm thặng dư quá lớn, nhất là thịt, sữa, phó mát.
Tóm lại, hai bên sẽ đi một bước mới và vững chắc. Bước đó dài hay ngắn thì còn tùy thuộc vào những đàm phán về “Road Map” trong mấy ngày còn lại trước 27 tháng 2, 2019.
Hồi năm 1954, quốc tế mở Hội nghị Geneva để bàn về Chiến tranh Triều Tiên và cuối cùng lại xoay sang bàn về Đông Dương và Việt Nam vì trận Điện Biên Phủ dữ dội chiếm dần nghị trình thảo luận.
Ngày nay, nếu nhân loại may mắn, chúng ta sẽ thấy câu chuyện ngược lại. Việt Nam mở đầu cho hòa bình ở Triều Tiên.
Điều này có đến hay không thì còn phải chờ xem nhưng chắc chắn là cuộc họp Trump – Kim ở Hà Nội sẽ phản ảnh quyết tâm muốn khép lại cái màn đêm u tối để ánh sáng bình minh sớm ló rạng trên Bán đảo Triều Tiên, gần 66 năm sau.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của GS Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch những ngày cuối cùng của trong chính phủ VNCH. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về chính trị Mỹ tại Việt Nam và châu Á.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-47278862
Lãnh tụ Kim đi tàu hỏa tới VN,
họp với TT Trump ở Nhà khách Chính phủ
Hôm 20/2, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết nhiều khả năng Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un sẽ đến Việt Nam bằng tàu hỏa và họp với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Nhà khách Chính phủ ở thủ đô Hà Nội.Việt Nam đang chuẩn bị phương án cho lãnh tụ Kim Jong Un đến bằng tàu hỏa để tham dự cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump tại Hà Nội vào tuần tới, hai nguồn tin thân cận với công tác an ninh và kế hoạch hậu cần nói với Reuters hôm 20/2.
XEM THÊM:
‘Việt Nam được lợi khi đăng cai Thượng đỉnh Trump-Kim’
Ông Kim có thể mất ít nhất hai ngày rưỡi để di chuyển hàng ngàn km từ thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên qua ngã Trung Quốc bằng tàu hỏa, rồi đến Việt Nam, nghĩa là ông sẽ phải khởi hành vào cuối tuần này để đến Hà Nội vào ngày 25/2 theo kế hoạch.
Đoàn tàu của ông Kim sẽ ngừng tại ga Đồng Đăng của Việt Nam, và sau đó di chuyển 170 km đến Hà Nội bằng ôtô, các nguồn tin cho Reuters biết.
Ông Trump và Kim sẽ gặp nhau tại thủ đô Hà Nội vào ngày 27-28/2. Tám tháng trước, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau lần đầu tiên tại Singapore, khi ấy hai bên cam kết sẽ tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.
Kể từ đó, các cuộc đàm phán đã có những bước tiến và ngày càng có nhiều kỳ vọng rằng lần này hai ông sẽ đạt được một thỏa thuận cụ thể hơn.
Trong một diễn biến liên quan, ba nguồn tin khác thân cận với việc chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội nói với Reuters rằng địa điểm có khả năng cao nhất cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo là Nhà khách Chính phủ, một công ốc có từ thời thuộc địa Pháp ở trung tâm thủ đô Hà Nội.
Tất cả năm nguồn tin cho Reuters cho biết rằng các phương án này có thể thay đổi. Các nguồn tin này không được phép nói chuyện với giới truyền thông vì sự nhạy cảm liên quan đến các kế hoạch công du bí mật của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
XEM THÊM:
Cựu ĐS Shear: TT Trump muốn Triều Tiên thấy VN chuyển đổi ra sao
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 19/2 chỉ đạo ban tổ chức hội nghị thượng đỉnh rằng công tác đảm bảo an ninh trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh là “ưu tiên hàng đầu,” theo cổng thông tin chính phủ Việt Nam hôm 20/2.
Khách sạn Metropole, đối diện Nhà khách Chính phủ, sẽ là địa điểm dự phòng cho hội nghị thượng đỉnh, hai trong số các nguồn tin cho Reuters biết.
Đặc phái viên Triều Tiên về Mỹ Kim Hyok Chol vừa đến Việt Nam hôm 20/2. Reuters dẫn một nguồn thạo tin cho biết Ðặc sứ Kim Hyok Chol cùng với một nhóm sáu quan chức Triều Tiên đã đáp máy bay đến Hà Nội.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xác nhận đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đã bắt đầu chuyến công tác tới Hà Nội.
Hai quan chức cấp cao Mỹ, Triều này sẽ gặp nhau tại Hà Nội để thảo luận các chi tiết liên quan đến hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần 2.
Hôm 16/2, một nhân chứng của Reuters đã nhìn thấy ông Kim Chang Son, phụ tá thân cận của Kim Jong Un, đến thăm Nhà khách Chính phủ và các khách sạn Metropole và Melia ở trung tâm thủ đô Hà Nội.
Ông Kim có thể lưu lại ở khách sạn Melia trong chuyến thăm Việt Nam, một trong những nguồn tin cho biết.
XEM THÊM:
Việt Nam hưởng lợi ra sao khi làm Chủ nhà thượng đỉnh Mỹ-Triều?
Khi được hỏi liệu ông Kim sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên đường đi qua Trung Quốc hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói ông không có thông tin.
Chuyến công du đến Việt Nam của ông Kim sẽ mang ý nghĩa đặc biệt, bởi vì đây sẽ là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một lãnh tụ Triều Tiên tới Việt Nam sau 54 năm.
Ông nội của ông Kim Jong Un, nhà lãnh đạo lập quốc Kim Il Sung, đã hai lần thăm Việt Nam vào năm 1958 và 1964.
Theo đài truyền hình Hàn Quốc MBC, logo và thông điệp chính thức của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 đã được xác nhận.
MBC dẫn nguồn tin tiết lộ, trung tâm logo là hình ảnh chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình, ngôi sao chung được sắp xếp vào quốc kỳ hai nước.
Thông điệp của kỳ thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai sẽ là “Quan hệ hợp tác vì hòa bình bền vững,” MBC cho biết thêm.
https://www.voatiengviet.com/a/kim-di-tau-ho-toi-hanoi-hop-voi-tt-trump-o-nha-khach-chinh-phu/4795869.html
0 nhận xét