Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 05/02/2019

Thứ Ba, 5 tháng 2, 2019 17:16 // ,

Tin Việt Nam – 05/02/2019

Chừng 40% những người lao động trẻ

tại Việt Nam tìm được công ăn việc làm

là nhờ thông qua bạn bè và gia đình.

Nghiên cứu của Tổ chức Lao Động Quốc tế (ILO) cùng với dữ liệu của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam cho biết như vừa nêu và được Thông tấn xã Việt Nam loan đi ngày 5 tháng 2.
Đánh giá cho thấy thị phần của những kênh dịch vụ việc làm chính thức đang gia tăng tại Việt Nam, tuy nhiên vẫn mới chỉ là một phần nhỏ.
Theo Kinh tế gia Lao động của ILO tại Việt Nam, Valentina Barcucci, trình độ giáo dục và đào tạo nghề của một người đang tìm việc làm càng cao bao nhiêu, thì người đó càng chắc hơn phải dùng đến dịch vụ cung ứng việc làm.
ILO cho rằng, Việt Nam có đạt được một bước tiến quan trọng trong việc phát triển thị trường lao động khi thông qua Công ước 88 của tổ chức này, thường được biết đến với tên gọi Công ước Dịch vụ Việc làm.
Mục tiêu của dịch vụ việc làm được nêu ra trong Công ước 88 là tạo điều kiện thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động qua các vùng địa lý. Theo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với thực tế hội nhập kinh tế và văn hóa, khối 10 quốc gia Đông Nam Á này hình dung ra khả năng mở rộng tại nhiều vùng trong khu vực, gồm cả dịch chuyển của lực lượng lao động lành nghề.
Theo kế hoạch vào cuối năm nay, Việt Nam cũng sẽ phê chuẩn Công ước 98 về quyền tổ chức & đàm phán tập thể và Công ước 159 về Phục Hồi Nghề nghiệp & Công ăn việc làm (người khuyết tật).
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/40pc-la-pe-02052019100032.html

Bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam và những thách đố

Một trong những thách đố của Việt Nam hiện nay là chạy đua với thời gian để bảo tồn các di sản văn hóa, lịch sử trong bối cảnh các áp lực của phát triển đô thị, kinh tế và công nghiệp.
Hai chuyên gia từ các lĩnh vực lịch sử nghệ thuật và dân tộc học từ thủ đô Paris của Pháp cùng đưa ra một số nhận xét và chia sẻ kinh nghiệm về câu chuyện không hoàn toàn đơn giản này.
“Bảo tồn di sản ở bên Việt Nam có hai vấn đề. Thứ nhất là khi những di tích lịch sử bị hư hại thì thường không nghiên cứu kỹ,” bà Loan de Fontbrune, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật nói với BBC.
Hiện nay các di tích lịch sử ở Việt Nam đều thấy có một màu vàng rất đậm, rất xấu, hoặc những gì sơn son thếp vàng thì phết một màu sơn đỏ lòe loẹtBà Loan de Fontbrune
“Vì thường phải xem tài liệu xưa, phải xem lại rất nhiều trước khi muốn trùng tu một di tích lịch sử, điều đó rất quan trọng.”
Thủ Thiêm và di sản kiến trúc tôn giáo
Vì sao tôi bỏ tiền túi dựng nhạc kịch Kiều ở Paris?
Những người giúp chữ Quốc ngữ ‘làm nên’
“Có thể thấy đa số chỉ lấy sơn sơn lên. Hiện nay các di tích lịch sử ở Việt Nam đều thấy có một màu vàng rất là đậm, rất là xấu, hoặc những gì sơn son thếp vàng thì phết một màu sơn đỏ lòe loẹt – như ở Kinh thành Huế, rất là ghê, và nhiều di tích khác cũng như vậy.
“Vấn đề thứ hai tôi thấy là có nhiều chùa có từ lâu, không bị hư hại gì mà lại bị đập phá để mà xây mới.”
‘Chỉ mua sơn phết lên’
Truyền thông Việt Nam cho hay nhà nước đã tiếp nhận được nhiều sự hỗ trợ của quốc tế và khu vực, nhất là trong giới chuyên gia, từ các dự án trao đổi kinh nghiệm, đào tạo, chuyển giao công nghệ và can thiệp v.v… nhằm giúp cải thiện cho công việc trùng tu, phục chế, bảo tồn di sản.
Khi được hỏi nếu đã có những hỗ trợ như vậy, tại sao vẫn còn những vấn đề như được nêu ở trên và cần có giải pháp gì khắc phục, bà Loan de Fontbrune đáp:
“Tôi nghĩ là có rất nhiều di tích, cho nên không phải chỗ nào mà cũng có thể có những phái đoàn đến đủ. Nhiều nơi, những làng nhỏ mà không quan trọng lắm thì người dân tự làm.
“Trước hết, theo tôi phải rút kinh nghiệm những nơi đã được trùng tu mà đàng hoàng. Và trước khi trùng tu một nơi thì phải suy nghĩ chín chắn, còn chỉ mua sơn mà sơn lên như vậy thì không được.”
Còn từ góc độ của một nhà dân tộc thực vật học, nhà nghiên cứu Đinh Trọng Hiếu, nguyên giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) nói:
Tôi có một ước ao từ lâu lắm là cứu vãn những cây cổ ở Việt NamÔng Đinh Trọng Hiếu
“Có nhiều lắm những điều có thể chia sẻ, nhưng muốn thế phải cụ thể. Tôi có một ước ao từ lâu lắm là cứu vãn những cây cổ ở Việt Nam. Bởi vì những cây cổ đó là đặc trưng của Việt Nam, khác hẳn với những nước láng giềng, nhất là khác với Trung Quốc.
“Chùa chiền Trung Quốc không bao giờ thấy bóng dáng cây muỗm, cây đa, cây gạo, trong khi ở Việt Nam cây gạo, cây đa, cây muỗm và các cổ thụ khác luôn luôn có mặt. Mất đi những cây cổ đó thì chùa chiền mất đi những vẻ dáng đẹp đẽ của mình.
“Nhưng cây không chỉ đóng góp về mỹ thuật, mà cây là môi trường. Môi trường đây là thiên nhiên, mà thiên nhiên ở nhiều nơi khác thì phải đi thật xa mới thấy, còn thiên nhiên ở Việt Nam là ở ngay trong bối cảnh của một đô thị.
“Ở Huế, chúng ta có cung điện đầy cây cỏ. Có ai chăm sóc những cây đó không? Ở Hà Nội, ở nhiều nơi như Hội An cũng thế. Còn có nhiều nơi khác nữa ví dụ đường hành hương lên núi Yên Tử, đường Tùng có từ 800 năm, nay đã hư hỏng rất nhiều và nghiêm trọng. Ai nghĩ đến để mà trùng tu thực vật cổ như vậy?
“Đường hành hương ở Chùa Hương cũng thế, ở Hội An cũng vậy. Những hàng lim cổ thụ – chuyên gia nào của UNESCO để ý đến? Mình còn không biết của của mình quý ở nơi nào, thì nhờ gì ở chuyên gia nước khác đến để người ta thấy hộ?
“Mình phải chỉ cho người ta, chứ không phải đợi cho người ta chỉ cho mình. Mà mình không biết của báu của mình ở đâu, thì khó chỉ cho thiên hạ lắm! Cho nên những nơi tôi thấy có vấn đề nghiêm trọng như Chùa Thầy – là một thắng cảnh đẹp như thế, thờ Đức Từ Đạo Hạnh, là một ông Thánh không phải của ngoại lai mà là của chính bản địa – mà lại không biết giữ gìn!
“Cây gạo đến mùa nở hoa thì cụt mất đầu, mà đức Từ Đạo Hạnh thờ ở trong chùa, gian giữa, mà bây giờ phết son lên mặt, trông thấy hổ tủi! Nhưng mà những chuyện đó không phải chúng ta hùng biện nói với nhau ở đây mà thôi, mà phải nhìn thấy hình ảnh.”
‘Vốn quý mà không biết’
Và nhà dân tộc thực vật học nói thêm:
Bớt biệt thự Sài Gòn: ‘Không nhận ra’ thành phố
Lưu ý trong bảo tồn, tu tạo Thành nhà Hồ
“Tôi chụp một bức ảnh từ 1982, đưa lên một bức ảnh bây giờ thì thấy một sự khác biệt. Nơi am nhỏ ở giữa hồ để dùng làm chỗ cho múa rối nước. Múa rối nước cũng là một nghệ thuật. Khi thiên hạ hành hương tới, thì dùng múa rối nước vừa là một thứ hiến dâng cho thánh thần, vừa là một thứ giải trí cho công chúng. Bây giờ nơi như thế, đằng sau nhà cửa mọc tùm lum, quét sơn vàng, sơn xanh, sơn đỏ, chẳng ra một thể thống gì.
“Bây giờ mình còn làm kinh tế, mình còn lấy du khách thập phương, người ta không đếm xỉa đến những chuyện đó, người ta chỉ tính đến chuyện lấy ngoại tệ hoặc thu tiền, nhưng mai du khách họ sẽ khó khăn hơn, họ sẽ có cái nhìn phê phán. Họ càng ngày càng được thông tin, thì càng biết nét đặc thù của Việt Nam là gì, họ sẽ không đến những nơi đó nữa.
Ở Việt Nam, tôi thấy có một nơi mà giữ được là ở Hội An, Hội An không có xe cộ, không có xây cất nhà cao tầng Bà Loan de Fontbrune
“Dần dà như thế, vốn liếng của mình, mình không biết, không giữ, thì làm sao thu hút khách thập phương được? Thành ra càng ngày càng mất mát đi!”
Về kinh nghiệm đã thành công và chưa thành công trong lĩnh vực trùng tu, bảo tồn văn hóa, nhà nghiên cứu Loan de Fontbrune đưa ra một số nhận xét:
“Ở Việt Nam, tôi thấy có một nơi mà giữ được là ở Hội An, Hội An không có xe cộ, không có xây cất nhà cao tầng. Hiện giờ ở phía bên kia bờ sông hình như là có bắt đầu xây, nhưng thành phố cổ Hội An thì chỉ có đi bộ, không có xe, không xây cất, không ồn ào, thì cái đó rất là tốt.
“Ngoài ra, ông Đinh Trọng Hiếu nói đúng, ngày xưa chúng ta đi chùa Thầy – một nơi rất đẹp, bây giờ đến chùa Thầy không có thể chụp một tấm hình của chỗ múa rối vì xung quanh nhà cao, rồi buôn bán tùm lum cả.
“Những nơi cổ kính như vậy, như Mỹ Sơn, khi tôi đến nơi, nhạc múa om sòm, nghĩa là không còn cổ kính nữa. Đấy là vấn đề.”
‘Đừng vì lợi ích nhỏ’
Giữa một bên là nhu cầu trùng tu, bảo tồn các di sản văn hóa, lịch sử, một bên khác là nhu cầu phát triển, đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, công nghiệp, đô thị, khi nảy sinh xung đột sẽ cần phải giải quyết như thế nào cho hợp tình, hợp lý. Về thách đố này, bà Loan de Fontbrune chia sẻ:
“Chúng ta nên lấy những ví dụ của nước ngoài như thành phố Paris, như những thành phố cổ kính ở châu Âu. Những gì cổ kính thì phải tôn trọng, chúng ta đưa xây cất đi ra ngoại ô.
“Những nơi nào mà có di tích lịch sử, vấn đề du khách cũng không thể để tùm lum được. Giống như bên Angkor Wat ở Campuchia bây giờ cũng có quá nhiều du khách. Cho nên những cái đó phải rất kỹ lưỡng. Nếu không các di tích lịch sử sẽ bị hư hại vì số đông, vì ô nhiễm. Những vấn đề đó rất quan trọng.”
Nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật lấy thêm một ví dụ khác từ các quốc gia trong khu vực, cận kề Việt Nam như một bài học tham khảo, bà nói:
Người ta không biết giữ, người ta bứng những cây đó đưa về Hà Nội để làm cây cảnh cho những dinh thự của đại giaÔng Đinh Trọng Hiếu
“Lấy một ví dụ là Singapore, hồi xưa Singapore cũng vậy, cũng đập phá hết những gì là xưa. Rồi sau đó một thời gian họ mới thấy đó là một vấn đề nghiêm trọng khi phá hoại như vậy. Bây giờ họ lại xây trở lại những nơi rất đẹp và du khách đến đông hơn, ví dụ như vậy.”
Nhà nghiên cứu dân tộc thực vật học Đinh Trọng Hiếu đưa ra thêm một số ví dụ về cách thức ứng xử với văn hóa, môi trường, cảnh quan liên quan tới hệ thực vật lâu niên và cổ gắn với đời sống văn hóa truyền thống của con người Việt Nam, ông nói:
“Tôi không lấy ví dụ Hà Nội bởi vì chúng ta quá biết nhiều rồi, nhưng muốn nói thì nói, cây đa ở cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn đó bây giờ đâu? Mất tiêu rồi! Cây đa ở Cổ Loa đẹp như thế! Biết bao nhà nhiếp ảnh, nhà quay phim Liên Xô trước đây đến quay phim. Bây giờ còn gì đâu?
“Nhưng tôi sẽ không nói chuyện đó. Tôi nói đến hai trường hợp chè cổ thụ ở Suối Giàng, không biết quý vị đã được dùng thứ chè Sơn Tuyết chưa? Nó thơm ngon vô cùng và không có độc hại. Đó là một đặc sản kinh tế ở Việt Nam. Người ta không biết giữ, người ta bứng những cây đó đưa về Hà Nội để làm cây cảnh cho những dinh thự của đại gia.
“Tôi thấy cái này vi phạm về môi trường, vi phạm nền văn hóa cổ của người H’mông ở vùng Yên Bái. Trước khi hái chè, người ta còn thờ cúng. Thế mà bây giờ bứng cả cây về Hà Nội để làm gì? Nay mai các cây đó chết thôi vì đó không phải là môi trường tự nhiên của các cây đó. Chúng không thể sống được và đấy là một thí dụ.
“Còn xóa đói giảm nghèo, ta lấy thí dụ chùa Trăm Gian, ở tháp chuông đẹp như thế, chung quanh có bốn cây thông cổ mà thiên hạ tưởng xóa đói giảm nghèo, mỗi ngay đi vặt một miếng vỏ để lấy nhựa thông. Đấy là cái nhìn rất ngắn hạn.
“Nếu chúng ta có cái nhìn quán xuyến, sâu suốt từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, thì ta sẽ thấy đấy là một cảnh quan rất đẹp, có thể thu hút hơn hàng nghìn lần cái tiền lấy từ nhựa thông ra làm sơn. Cái lợi ích đó nhỏ lắm, đấy không phải là phương thức xóa đói giảm nghèo dài hạn.”
Cần lưu ý thế nào?
Trước câu hỏi, nếu được mời tham gia trong một dự án trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử ở Việt Nam, thì các nhà nghiên cứu sẽ lưu ý chính quyền điều gì khi tư vấn, trước tiên bà Loan de Fontbrune nói:
Thăm phế tích và chùa chiền ở Ayutthaya
Xây chùa Bái Đính khổng lồ
VN – ‘ngã tư nghệ thuật’ của Đông Nam Á
“Tư vấn thì thứ nhất là khi chưa biết rõ, chưa chắc chắn phải làm gì, thì tốt nhất nên giữ (nguyên trạng) như vậy, rồi để thời gian nghiên cứu, còn nếu không thì sẽ làm hư hại. Mà một khi đã hư hại rồi thì không thể nào cứu vãn. Nghĩa là mất luôn! Một sự mất mát rất lớn cho các thế hệ sau.”
Đến lượt mình, ông Đinh Trọng Hiếu nói:
“Tôi lấy ví dụ rất cụ thể. Không phải là chúng tôi sẽ về đề chỉ giảng bài học cho chính quyền mà cho dân gian, mà chính chuyên gia trong nước nên học dân chúng trước đã. Những chuyện nhỏ nhặt lắm là chuyện chặt cây, chặt cành. Chặt cành thì chặt sát nách cây cối, để những phần còn lại nó không bị nước mơ ẩm làm hư hỏng và nó sẽ liền da, liền vỏ.
Khi chưa biết rõ, chưa chắc chắn phải làm gì, thì tốt nhất nên giữ (nguyên trạng) như vậy, rồi để thời gian nghiên cứu, còn nếu không thì sẽ làm hư hạiBà Loan de Fontbrune
“Những chuyện này chúng ta cứ nói là bảo quản cây cổ, cây di sản, rồi gắn cả huy chương cho cây di sản nữa, nhưng mà chặt cành không tốt thì một ngày kia nó thối, nó hư, mục, nó đổ. Đó là những cây long não cổ mà không biết bao nhiêu người đến chụp hình ảnh lưu niệm chung quanh, nhưng nhìn một cái lên trên, tôi hết hồn. Bởi vì cành đó mục, không biết sẽ rơi vào đầu những người đến chụp hình lưu niệm vào lúc nào.
“Thế mà cây đó có mấy trăm năm rồi, ít nhất là 400 năm, mà không thấy những chuyện đó để mà giữ gìn nó. Ví dụ khác là cây long não ở Việt Nam hay có những trường hợp như chim ăn quả đa rồi phóng uế trên cảnh. Rồi hạt đa kí sinh luôn trên cổ thụ và như thế chung quanh chằng chịt rễ. Đấy là trường hợp cây ‘bóp cổ’. Chỉ cần hai, ba cho đến mười năm, cây là cổ thụ mà trên đó có cây đa ‘bóp cổ’ như thế sẽ chết.
“Thế mà nhìn một cái như thế mà không biết chăm sóc. Người khác từ phương xa về để chỉ, trong khi kinh nghiệm của dân chúng thì vườn cây của người ta có những trường hợp như thế đâu. Thế nhưng tại sao nơi công cộng, họ lại không góp ý. Tại sao chính quyền lại không nghe người ta? Mất hết,” ông Hiếu bình luận.
“Cha ông có bao nhiêu kinh nghiệm để lại từ xưa đến giờ thì nên học hỏi, học hỏi những người lớn tuổi, từ xưa đến giờ họ biết hết những chuyện đó, nên học hỏi họ trước hết,” bà Loan de Fontbrune nói thêm với BBC.
Bài viết nằm trong loạt bài Người Việt Toàn Cầu của BBC Tiếng Việt, mời quý vị xem thêm một số tại đây:
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-47130319

Phong Thủy trong và ngoài năm Kỷ Hợi

Thanh Trúc, RFA
Trong lúc các dân tộc Châu Á trong đó có Việt Nam bước vào năm mới âm lịch Kỷ Hợi, các thầy phong thủy suy luận rằng năm Hợi nói chung không tốt không xấu  nhưng lại gây xung khắc chia rẽ trong giới lãnh đạo các nước, đặc biệt rất xấu với vị nào tuổi Tuất như ông Tổng thống Trump của nước Mỹ chẳng hạn.
Kỷ Hợi là Bình Địa Mộc, là cây trong vườn ,cây trên đất bằng, không có gì độc hại cả, đó là thứ rất hiền lành thậm chí dễ bị dày xéo làm hư hỏng đi. Và Kỷ Hợi không có hại cho tuổi Bính Tuất đâu.
Đó là lời kiến trúc sư Trần Thanh Vân ở Hà Nội, chuyên nghiên cứu phong thủy và thường có những bài viết về bộ môn này trên các báo mạng trong nước.
Tuy nhiên theo một bản tin của AFP cuối tháng Giêng vừa qua, dẫn lời thầy phong thủy Tsai Shang Chi ở Đài Loan và thầy tướng số Thierry Chow ở Hong Kong, thì năm Kỷ Hợi này gây khá nhiều xáo trộn và chia rẽ giữa các vị lãnh đạo thế giới, và với người nổi tiếng cầm tinh con chó như Tổng thống Donald Trump sang năm Hợi bao nhiêu bí mật quá khứ bị lôi ra ánh sáng, thậm chí nhiều chuyện không hay có thể dẫn đến chuyện ông Trump bị luận tội.
AFP còn dẫn lời thầy phong thủy Alion Yeo, cũng là người Hồng Kông, rằng thời điểm thuận lợi nhất để luận tội ông Trump là từ mùng 6 tháng Chạp năm Hợi đến mùng 6 tháng Giêng  năm Tý. Kiến trúc sư Trần thanh Vân giải thích:
Ông Trump tuổi Bính Tuất là đất trên mái nhà, vậy cây mọc trong vườn nhà không có tác dụng gì xấu cho đất trên mái nhà cả. Năm nay không có gì xấu cho tuổi của ông Trump nhưng có thể có hại cho ông về chuyện khác. Là con người đã hình thành, thói xư tật xấu đã có rồi, năm trước, năm xưa  chưa bộc lộ thì năm nay sẽ bộc lộ hết vì thời vận của ông hết. Cái đó hoàn toàn không phải vì chữ Bính Tuất và chữ Kỷ Hợi.
Kỷ Hợi này đối với lãnh đạo Việt Nam như thế nào, vẫn lời kiến trúc sư Trần Thanh Vân:
Lãnh đạo Việt Nam đông quá nhưng giờ  cứ tạm nói về ông Nguyễn Phú Trọng đi. Ông Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, tuổi Giáp Thân, là Tuyền Trung Thủy, nước ở trong giếng. Nếu chỉ nước trong giếng thôi thì ông cũng sẽ chẳng làm được gì bởi nó không phải là Thiên Hà Thủy, nước ở trên dội xuống tạo lũ lụt, hay Trường Lưu Thủy nước của giòng sông thì vô tận. Nước trong giếng phải múc từng gầu lên, nếu tuổi đó mà sống đúng mức, sống điều độ thì chẳng có hại gì. Thủy là nước, năm nay ông có thể tưới cho cây, giúp cho cây tốt lên, đó là nói về tuổi.
Nhưng  quan trọng hơn chính là vận hạn của đất nước năm Kỷ Hợi này, dựa trên phong thủy, kiến trúc sư Trần Thanh Vân nói tiếp:
Vận hạn liên quan đến tuổi tác và không gian. Xin nói thật không gian của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang rất xấu, xấu lắm.
Phong là gió, thủy là nước, có gió lành có nước trong thì cây cối tốt tươi, con người khỏe mạnh  và sẽ làm được nhiều việc.
Nhưng hiện nay đất nước Việt Nam của chúng ta, Hà Nội của chúng ta hiện 80%, 85% diện tích ao hồ đã bị san lấp để làm nhà. Sông Tô Lịch hiện nay thì hôi thối, cống rãnh, sông Nhuệ cũng vậy. Sông Đáy 1000 năm trước khi Lý Thái Tổ đi thuyền từ Hoa Lư ngược dòng sông Đáy về định đô ở Thăng Long, xây dựng nên thành Thăng Long trên bến dưới thuyền. Sông Đáy hiện nay bị tắc nghẽn, hôi thối. Dòng sông xấu tạo nên cuộc sống, vệ sinh, môi trường cực kỳ xấu, đó là cái vận hạn rất buồn. .
Vậy thì bây giờ ông Nguyễn Phú Trọng hay bất cứ ông nào lãnh đạo đất nước này đều bị như chị như tôi thôi, đều bị cái xấu xí bẩn thỉu đó nó ám. Không gian xấu xí bẩn thỉu như vậy, Hà Nội chỗ nào cũng cống rãnh, chưa mưa đã lụt thì thưa không có năm nào là năm tốt hết. Do cái phong thủy lụn bại, do sự ngu dốt, người ta nhầm lẫn và người ta bắt tay với Tàu sâu quá. Tôi linh cảm những người theo Tàu vẫn theo nhưng người có lương tri bắt đầu tỉnh ngộ lại. Đầu tiên của việc tỉnh ngộ là phải khai thông những dòng sông, phải phục hồi phong thủy cho toàn bộ người dân đất nước này được sống bình an.
Tóm lại, năm Kỷ Hợi nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam không dũng cảm cho khai thông các dòng sông, không có dũng cảm để khắc phục cái xấu về phong thủy về không gian thì không bao giờ có cái tốt về thời gian và vận nước cả, kiến trúc sư Trần Thanh Vân kết luận.
Tiến sĩ Hà Ngọc Cư, cựu giáo sư LaSalle Taberd ở Sài Gòn, cựu Giám đốc cơ quan Di Trú Và Tị Nạn Lutheran ở Texas, hiện là nhà báo ở Houston, nói rằng những lời tiên tri của các nhà phong thủy Đài Loan và Hồng Kông có vẻ có trọng lượng vì họ biết kết hợp phong thủy với hoàn cảnh hay tình hình thực tế:
Kỷ Hợi là năm rất mệt cho ông Trump đúng như mấy ông thầy phong thủy Đài Loan và Hồng Ko6ng nói. Theo tôi biết năm Hợi là năm âm, mà ông Trump năm Hợi này bị sao Thái Âm.
Thái Âm nó cầm cái búa nó trấn ở đó, ông thích xây tường thì nó phá tường.
Đến ngày thứ Ba này, tức mùng Một Tết Kỷ Hợi, ông Trump sẽ đọc bài điều trần quốc hội hàng năm, mà ông lại chọn đúng ngày mùng Một Tết.
Ngày mùng Một Tết là ngày kiện tụng rất xấu, nếu ông đưa chiêu bài tuyên bố tình trạng khẩn trương để lấy tiền nơi nào đó, Bộ Quốc Phòng chẳng hạn, để xây tường, thì đời nào Quốc Hội chịu và phải đưa tới kiện cáo. Kiện cáo ngày mùng Một Tết chả đi tới đâu thì lại có chuyện shut down (đóng cửa). Theo thăm dò mới nhất của đài CNN thì 65% dân Mỹ nói sẽ không bầu cho ông Trump nếu ông Trump tái cử.
Về giới lãnh đạo Việt Nam, cao nhất nước như Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mà cầm tinh con khỉ (Giáp Thân) thì cũng sẽ rất mệt trong năm Kỷ Hợi vì Dần Thân Tỵ Hợi tứ hành xung. Nhà báo Hà Ngọc Cư nói tiếp:
Cái mệt của ông Nguyễn Phú Trọng là cuối 2018 đầu 2019 xảy ra vụ Lộc Hưng, rồi vụ 5 lô đất vàng ở Thủ Thiêm bày đặt rút thăm mà chia nhau. Ngày nhỏ bố mẹ tôi thường nói không học hành thì lớn lên cạp đất mà ăn, nhưng giờ những người cạp đất toàn là những người giàu dễ sợ lắm. Thứ hai là ông Trọng không làm được cái gì cả, cứ dựa vào Tàu mà ngồi đó rồi thì 2 kinh vững vàng, miền Bắc miền Nam chả ai làm gì cả.
Nhưng biết đâu trong cái rủi tứ hành xung lại có cái may từ ông Trump đưa tới thì sao, nhà báo Hà Ngọc Cư nhận định một cách hài hước:
May cho ông Trọng là tự nhiên Mỹ lại chọn Đà Nẵng làm nơi họp giữa Trump và Kim Jong Un, như vậy ông Trọng và Việt Nam được quốc tế để ý tới. Và nhỡ ra mà ông phò mã (con  rể)  Kushner mà đi theo ông Trump, nếu có thầy phong thủy nào ở Việt Nam gạ gẫm là đất Đà Nẵng tốt rồi ông Kushner lại xây lên một cái Trump Tower thì phe ta, phe cánh tư bản đỏ lại có ăn nữa, cho nên chuyến này họ rập rình lắm. Tôi thấy tình hình Việt Nam cứ rối mù như nồi canh hẹ chả biết đâu mà mò, tất cả đều dựa vào hai ông Tàu vào Mỹ thì mình có đường nào đi đâu.
Dưới mắt ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, chuyên nghiên cứu về Lý Số Đông Phương ở Sài Gòn, đã có tam hạp như Thân Tý Thìn chẳng hạn thì cũng không thể chối cãi những  tứ hành xung mà điển hình là Dần Thân Tỵ Hợi . Ông nói năm nay tất cả những người tuổi Hợi đều nằm trong phạm vi ảnh hưởng của sao Thái Tuế, còn  gọi là Tuế Phá:
Bốn tuổi Dần Thân Tỵ Hợi thì 3 tuổi bị dính đến sao Thái Tuế rồi. Tuổi Hợi là tuổi Tỵ, tuổi Thân, tuổi Dần, 3 cái này cũng bị ảnh hưởng sao Thái Tuế rồi, trong đó nặng nhất là hai tuổi Tỵ và Hợi. Tuổi Hợi không những bị sao Thái Tiế chiếu mà còn là năm tuổi nữa, còn năm Thân tương đối là nhẹ nhất.
Nhưng mà Dần Thân Tỵ Hợi cũng chỉ là yếu tố mang tính tổng quát mà thôi. Đi vào cụ thể cũng là Tỵ nhưng mà Tân Tỵ thì nó lại khác với Đinh Tỵ bởi vì ngoài chi và can thì còn vận khí năm nay là Bình Địa Mộc. Thế thì người Tân Tỵ mạng Kim thì Kim khắc Mộc thì cũng vất vả, nhưng mà chữ Kỷ sinh chữ Tân cho nên anh Tân Tỵ đỡ khổ hơn anh Đinh Tỵ. Năm Đinh Tỵ còn bị tam tai nữa, và tất cả các tuổi Tỵ Dâu Sửu đều bị tam tai.
Đó chỉ là một trong những thí dụ cho thấy theo Lý Số Đông Phương thì dù cho có tứ hành xung nhưng không có gì tuyêt đối là xấu hay hoàn toàn tốt mà phải dựa vào những yếu tố khác nhau trong phong thủy, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh khẳng định.
Từ Melbourne, Australia, ông Nguyễn Cung Thông, chuyên nghiên cứu về Thập Nhị Chi và 12 con giáp theo cổ ngữ, cho rằng phong thủy thật ra có những yếu tố quyết định nhưng không phải là tất cả, nếu quan niệm bói toàn đầu năm là chuyện vui cửa vui nhà, trà dư  trà dư tửu hậu thì mọi chuyện của 365 ngày trước mắt sẽ nhẹ nhàng biết bao.
Phong cách sống, sự quyết tâm và nỗ lực làm việc của mỗi người, theo ông Nguyễn Cung Thông, mới là những điều kiện cần thiết để có được một đời sống an vui, tốt lành cho một năm mới.
Sau hết,  theo lời dặn dò của nhà Lý Số Đông Phương Tuấn Anh đền quí thính giả đài Á Châu Tự Do thì hướng Nam là hướng xuất hành tốt nhất đầu năm Kỷ Hợi này.
Xin quí vị nhớ thời gian xuất hành thuận lợi nhất là từ từ 1 đến 3 giờ sáng, cứ đi về hướng Nam trong khoảng thời gian đó, quan trọng  là trở về nhà trước 3 giờ sáng để đạp đất nhà mình thì mọi sự mới hanh thông như ý.
Mùng Hai là ngày khai trương tốt nhất. Tất nhiên mùng Hai Tết chả ai mở cửa hàng cả nhưng nên chọn mùng Hai Tết để khai trương lấy ngày. Nếu không kịp thì Mùng Bốn, Mùng Sáu hoặc Mùng Tám cũng được.
Thay mặt toàn Ban Việt Ngữ, Thanh Trúc kính chúc quí thính giả một năm Kỷ Hợi an bình, thịnh vượng, hạnh phúc, ước gì được nấy.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-feng-shui-master-foresee-year-of-pig-tt-02042019153856.html

Ước nguyện đầu năm Kỷ Hợi

Khát vọng dân chủ tiến bộ cho đất nước là điều mà nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang bày tỏ:
“Tôi có một ước vọng là bên kia bán cầu đất nước Venezuela người dân đã thức tỉnh ra con đường đi của những người đứng đầu đất nước dẫn đất nước đi con đường sai lầm lên con đường chủ nghĩa xã hội rất là tâm tối. Tôi hy vọng rằng người dân Việt Nam qua sự kiện ấy mọi người quan tâm hơn đến đời sống kinh tế xã hội của đất nước và có trách nhiệm cùng lên tiếng cho những cái bất công sai trái của ban lãnh đạo đất nước hiện nay. Trong năm 2019 tôi mong những chuyện đau thương như chuyện Thủ Thiêm và Lộc Hưng sẽ không còn nữa và giới trí thức cũng sẽ lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa để giữ trọng trách quốc gia.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người tham gia bào chữa trong nhiều vụ án chính trị tại Việt Nam và là một trong những người tham gia Nhóm Luật Sư lên tiếng cho người dân bị cưỡng chế đất một cách phi pháp tại Lộc Hưng ngay trước Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi, từ Sài Gòn ông chia sẻ
“Một năm chỉ có 12 tháng thì nó quá ngắn cho một sự thay đổi và không chỉ riêng anh mà toàn thể người dân Việt Nam mong muốn có một sự thay đổi to lớn và căn bản. Rõ ràng trong 12 tháng thì sự thay đổi nó cũng không được cái gì cả vì nó quá ngắn để đạt được sự mong đợi của mình nhưng vẫn hy vọng và lạc quan của năm mới.”
Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Chí Tuyến từ Hà Nội chia sẻ nguyện vọng và mong ước của anh rằng, mong cho người Việt Nam tất cả mọi người có sức khỏe và có một sự minh mẫn về mặt tinh thần và cả về mặt thể xác.
“Tôi cũng mong muốn rằng tất cả người Việt dù cho khác nhau về quan điểm hay suy nghĩ như thế nào thì cũng cần nghĩ về tương lai của đất nước và đặc biệt tôi mong người dân trong nước nhận thức được và ý thức được cái trách nhiệm và nghĩa vụ cũng như là quyền lợi của công dân của một đất nước mà thực hiện các quyền của mình về hiểu biết, thực hiện quyền con người về chính trị tức là dân quyền và nhân quyền. Đó là điều tôi mong muốn nhất ngắn gọn là như vậy.”
Cũng từ Hà Nội, một nhà hoạt động khác là anh Lã Việt Dũng và cũng là thành viên của nhóm No_U Hà Nội với mong muốn rằng, mọi người sẽ được hưởng tự do, dân chủ và công bằng như phần lớn các nước văn minh đang được thụ hưởng.
“Tôi cũng mong người dân Việt Nam biết cách đứng lên đầu tranh đòi những quyền lợi cho mình. Tôi xin chúc toàn thể người dân Việt Nam mạnh khỏe, hạnh phúc và thứ hai là tôi chúc những người dân oan họ sẽ bớt khổ hơn, bớt oan trái hơn. Tôi mong mọi người dân Việt Nam can đảm hơn, mạnh dạng hơn và họ không thờ ơ với thời cuộc để đòi quyền lợi chính đáng của mình.”
Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, thành viên của nhóm Green Tree từ Hà Nội chia sẻ rằng, thực tế thì lúc nào cũng có nhiều mong ước chứ không cần đến đầu xuân mới bày tỏ điều này và anh cũng cho rằng Việt Nam rất cần sự thay đổi trong bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội hiện nay và nó đang chuẩn bị sẵn sàng cho những bước chuyển đổi cần thiết trong thời gian sắp tới.
“Tôi cho rằng hiện nay bối cảnh thế giới lẫn bối cảnh kinh tế chính trị xã hội trong nước gần như gợi mở ra một quá trình chuyển đổi. Thì mình có mong ước trong năm 2019 theo tinh thần Tết của người Việt ta thì mong cho một năm Kỷ Hợi sắp tới thì VIệt Nam sẽ có những bước chuyển đổi bản lề mà ở đó thì cái không gian tự do dân chủ thì được tất cả các bên tôn trọng và áp dụng nó ngày càng triệt để hơn để phát huy nội lực của đất nước ngày càng vững mạnh hơn có thể đứng vững trong biến đổi của thế giới trong những năm tới và cuộc sống người dân ấm no hạnh phúc hơn.”
Thấy giáo Đỗ Việt Khoa chia sẻ mong muốn của thầy rằng, ngoài việc mong muốn đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh, mà điều quý nhất là người dân không chỉ đủ ăn đủ mặc mà còn được hưởng nền dân chủ, những cái ác, những điều bất cập của xã hội sẽ giảm bớt đi. Còn đối với riêng ngành giáo dục thì được thầy cho biết.
“Mong cho ngành giáo dục ngày càng đạt được những thành tích tốt hơn, giáo dục đúng với ý nghĩa của nó là nghề giáo dục nhân bản vì con người chứ không phải là một nền giáo dục mà đầy rẫy những cái lạm ngôn như năm 2018 và mong trong năm 2019 ngành giáo dục có người đứng đầu ngành có sự thay đổi sáng suốt một tí, có uy tín một tí chứ đừng như hiện nay thì dỡ quá, nhiều người đã lên tiếng kêu gọi nhưng các vị vẫn chưa chịu thay người.”
Từ Berlin, Đức nhà báo Lê Trung Khoa chia sẻ mong muốn của anh với cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước rằng:
“Tôi nghĩ rằng mong muốn của tôi và người dân Việt Nam ngoài nước cũng như chính quyền của các nước trên thế giới là hãy tiếp tục ủng hộ người dân Việt Nam hội nhập hơn với thế giới qua hình thức xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự ở trong nước và Việt Nam chúng ta trở nên giàu mạnh và hùng cường khi họ được tự do, văn minh và có đa đảng để họ có thể cạnh tranh lẫn nhau, chỉ như vậy mới chống được tham nhũng và như vậy người dân mơi được ấm no hạnh phúc hơn.”
Mục sư Nguyễn Hồng Quang, vị lãnh đạo tinh thần đồng thời cũng là một đại diện cho nhóm bà con bị chính quyền cưỡng chế hơn 20 năm qua tại Thủ Thiêm, quận 2 nói lên mong ước của mình rằng, ông cảm thấy buồn cho cái tết này vì hơn 43 năm chấm dứt chiến tranh nhưng người dân Việt Nam vẫn không đoàn kết được và những nỗi đau như Lộc Hưng, Thủ Thiêm và nhiều nơi khác khắp cả nước đến nay chính quyền vẫn không có chính sách quản lý đất đai rõ ràng và có mục tiêu phát triển quốc gia tạo động lực sống cho cả dân tộc. Ông mong muốn:
“Tôi nghĩ đảng cộng sản Việt Nam cũng như mọi tầng lớp tổ chức xã hội khác phải nhìn ra được cái thực trạng của Việt Nam chúng ta ngày nay quá ngổn ngang trăm chiều, nhìn thấy bề ngoài khỏe mạnh như vậy nhưng lục phủ ngũ tạng thì nó suy rồi, phải có giải pháp nhìn nhận thực tế bớt mơ mộng truyền thống cũ kỹ già nua cằn cỗi chết chóc khô hạn kéo dài hoài. Tôi mong muốn những nhà cầm quyền và các tầng lớp tri thức xã hội nhìn thấy được thực trạng của dân tộc mình, xót xa và có thể đưa đất nước thoát ra khỏi thực trạng nín thở như hiện nay về mặt chính trị, kinh tế, xã hội và cả về quân sự khoa học kỹ thuật.”
Cát Linh, một bạn trẻ hiện đang sống tại Hà Nội và bạn cũng thường xuyên trao đổi với mọi người về quan điểm kinh tế, chính trị, xã hội và pháp luật Việt Nam để mọi người hiểu hơn về luật pháp Việt Nam. Bạn cũng có lời chúc gửi đến mọi người.
“Qua kênh Đài Á Châu Tự Do, Cát Linh xin chúc khán giả, tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước một năm mới an khang, thịnh vượng, nhiều sức khỏe niềm vui và đặc biệt chúng ta nhìn nhận ra vai trò và trách nhiệm của mình trong quốc gia và chúng ta cùng bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta cùng xây dựng nên một đất nước hưng thịnh hơn, phát triển hơn và kể cả con cháu chúng ta nữa sẽ được hưởng những thành quả mà chính chúng ta sẽ mang lại cho con cháu chứ không phải một ai đó hoặc một nhóm người nào đó.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/desires-and-aspirations-for-the-lunar-new-year-in-2019-02042019113347.html

Giới nghiên cứu: VN là ‘tâm điểm TG’

khi đăng cai thượng đỉnh Trump-Kim

Ba chuyên gia về quan hệ quốc tế nói với VOA rằng Việt Nam sẽ được coi là “nhân tố quan trọng” trong kiến tạo hòa bình và trở thành “tâm điểm của thế giới”, nếu các bên liên quan chính thức chọn đất nước Đông Nam Á làm chủ nhà cho hai cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ với lãnh đạo Triều Tiên và Trung Quốc vào cuối tháng 2.
Tin tức dồn dập trong những ngày đầu tháng 2 của CNN và VOA, dẫn các nguồn thạo tin, cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un có kế hoạch gặp nhau lần 2 ở Đà Nẵng. Ngoài ra, báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng có tin nói ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cân nhắc sẽ gặp lại nhau ở Việt Nam.
Hai cuộc gặp được dự báo sẽ diễn ra riêng rẽ nhưng tiếp nối sát nhau trong khoảng 3 ngày cuối cùng của tháng 2, theo các bản tin của 3 cơ quan báo chí.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn được phát trên kênh CBS ở Mỹ hôm 3/2, Tổng thống Trump nói ngày giờ và địa điểm của cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và lãnh tụ Triều Tiên “đã được nhất trí”, và có thể sẽ được công bố trước hoặc trong bản Thông điệp Liên bang mà ông sẽ đọc hôm 5/2.
Mặc dù vẫn còn chờ lời công bố chính thức từ các bên liên quan, song lúc này, hai nhà nghiên cứu kỳ cựu và một nhà bình luận uy tín nói với VOA rằng họ không ngạc nhiên một khi Việt Nam được chọn làm chủ nhà cho sự kiện được cả thế giới chú ý tới.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thuộc viện nghiên cứu về Đông Nam Á ISEAS Ysop Ishak đặt tại Singapore, chỉ ra rằng Việt Nam có quan hệ ngoại giao với cả Mỹ và Triều Tiên, hai nước đều có đại sứ quán tại Hà Nội, nhờ đó, họ có thể phối hợp suôn sẻ với nước chủ nhà để chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh.
Bên cạnh đó, bản thân Tổng thống Trump đã đến Đà Nẵng dự hội nghị APEC vào tháng 11/2017, dường như ông đã có ấn tượng tốt về hạ tầng cơ sở ở đó phục vụ cho các cuộc gặp cấp cao, theo tiến sĩ Hợp.
Nhà bình luận Nguyễn Đại Phượng, nguyên Trưởng ban Tin Quốc tế, báo Tiền Phong, có chung đánh giá như tiến sĩ Hợp, và bổ sung thêm rằng vị trí địa lý của Đà Nẵng thích hợp để chuyên cơ IL-62M của ông Kim Jong Un có thể bay thẳng từ Pyongyang đến, một yếu tố an ninh quan trọng đối với ông Kim.
Nhưng lý do quan trọng hơn để hai nhà lãnh đạo nước ngoài chọn Việt Nam, theo tiến sĩ Hợp, có thể là ông Trump muốn ông Kim nhìn thấy sự phát triển của Việt Nam như một ví dụ tham khảo về việc một nước từng là kẻ thù, có chiến tranh với Mỹ song nay đã trở thành đối tác toàn diện và phát triển các quan hệ ngoại giao, kinh tế tốt đẹp với Mỹ ra sao.
Với cách nhìn của ông Hợp, Tổng thống Trump dường như có những hàm ý khi chọn Đà Nẵng, nơi quân Mỹ đã đổ bộ lần đầu thời chiến tranh Việt Nam, rồi trở thành một căn cứ quân sự lớn của Mỹ, và nay là một thành phố hiện đại, sầm uất, tươi đẹp.
Trong khi đó, về phía Triều Tiên, tiến sĩ Hợp nhận định rằng bản thân lãnh tụ Triều Tiên có thể cũng muốn nhân cuộc họp với ông Trump để gặp lãnh đạo Việt Nam và tham vấn về những điều có ích cho Triều Tiên.
Trong nửa cuối tháng 1, đã xuất hiện các tin tức cho rằng ông Kim Jong Un sắp thăm Việt Nam.
Ông Hợp nói với VOA:
“Triều Tiên họ đặt ra vấn đề là nếu họ mở cửa, phi hạt nhân hóa và tiến đến hòa bình ở Bán đảo Triều Tiên thì họ có thể học bài học nào đó từ Việt Nam về quá trình đổi mới kinh tế, để giúp họ có một chiến lược, kế hoạch phát triển Triều Tiên sau thời kỳ này”.
Nhận định của tiến sĩ Hợp cũng trùng với suy nghĩ của nhà báo Nguyễn Đại Phượng và tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, một tổ chức có quan hệ chặt chẽ với Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ông Trường, từng là một đại sứ của Việt Nam, nói với VOA:
“Về phía ông Kim có lẽ có dự tính sẽ học tập theo mô hình của Việt Nam để không chóng thì chầy những vấn đề rắc rối của hơn 60 năm để lại sẽ được giải quyết. Triều Tiên sẽ đi con đường nào, theo định hướng nào để xây dựng kinh tế đồng thời vẫn giữ quyền lãnh đạo của Đảng Lao động Triều Tiên của dòng họ ông Kim? Cho nên đến Việt Nam có thể là nhất cử lưỡng tiện đối với ông Kim”.
Các ông Hà Hoàng Hợp, Nguyễn Ngọc Trường và Nguyễn Đại Phượng đều nhất trí rằng một khi có tuyên bố chính thức rằng Việt Nam là chủ nhà của cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim, và có thể là cả thượng đỉnh Trump-Tập, điều đó sẽ là bước nhảy vọt về vị thế và hình ảnh của Việt Nam.
Tiến sĩ Hợp và tiến sĩ Trường nhấn mạnh đến việc đây là lần đầu tiên Việt Nam là chủ nhà cho cuộc gặp thượng đỉnh song phương giữa Mỹ, siêu cường số một thế giới, với một nước khác, mà không nằm trong khuôn khổ một hội nghị đa phương.
Ấn tượng về Việt Nam sẽ còn mạnh mẽ hơn, nếu Việt Nam cũng là chủ nhà cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai siêu cường Mỹ, Trung, theo hai tiến sĩ.
Chủ tịch Trường của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế nói:
“Đây có thể coi là lần đầu tiên Việt Nam trở thành điểm đến, điểm hẹn của cuộc gặp cấp cao. Và điều đó cho thấy là Việt Nam ở vào vị trí rất thuận lợi về địa chính trị và địa chiến lược. Và điều đó rất tốt cho Việt Nam, bởi vì điều này cũng tạo cú huých cho kinh tế Việt Nam, tạo cú huých cho tầm nhìn của người Việt Nam trong thời đại Việt Nam đang triển khai chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế”.
Tiến sĩ Hợp thuộc Viện ISEAS Ysop Ishak bình luận:
“Nó đánh dấu trình độ quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong việc kiến tạo các cuộc gặp thượng đỉnh để dẫn đến việc xử lý các vấn đề quan hệ, an ninh quốc tế, và các quan hệ song phương có thể ảnh hưởng toàn cầu. Nếu nó diễn ra, đó là một bước tiến của Việt Nam. Nó có lợi cho Việt Nam vì Việt Nam đã tự mình nâng cao trình độ, vị thế về đối ngoại. Việt Nam có hình ảnh là đất nước hòa bình, tiến tới những sự phát triển, và mở rộng về mặt tự do để những nước chưa đạt được mức độ như Việt Nam thì họ nhìn vào mà đi tới”.
Nguyên Trưởng ban Quốc tế báo Tiền Phong Nguyễn Đại Phượng nhận xét:
“Việc lựa chọn nếu diễn ra, tôi nghĩ điều này rất tốt cho Việt Nam bởi vì lại một lần nữa Việt Nam lại trở thành một tâm điểm của thế giới. Việt Nam có cơ hội để thể hiện sự đóng góp của mình cho hòa bình, phát triển trong khu vực, cũng như muốn bày tỏ thiện chí của mình đối với chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Một lần nữa, Việt Nam lại có cơ hội quảng bá hình ảnh của mình trước truyền thông thế giới”.
Nhà báo có hơn 30 năm kinh nghiệm đề cập thêm đến khía cạnh văn hóa khi ông cho rằng theo quan niệm tâm linh của người Việt, việc tổng thống của siêu cường hàng đầu thế giới và lãnh đạo của hai nước quan trọng khác “xông đất” Việt Nam trong tháng 2, ngay sau Tết, là điều rất tốt lành đối với Việt Nam.
Theo thông tin từ cuộc trả lời phỏng vấn được phát trên kênh CBS hôm 3/2, Tổng thống Trump nói về cuộc gặp sắp tới với Lãnh tụ Kim Jong Un rằng: “Cuộc gặp đã được chốt lại. Ông ấy [Kim] mong đợi nó. Tôi mong đợi nó”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói với báo giới hôm 24/1 rằng tuy Việt Nam ở thời điểm đó “chưa có thông tin gì” về khả năng trở thành địa điểm họp thượng đỉnh giữa hai ông Trump, Kim, song đất nước Đông Nam Á này “rất tự tin” về năng lực tổ chức những sự kiện quốc tế như vậy.
https://www.voatiengviet.com/a/gioi-nghien-cuu-vn-la-tam-diem-tg-khi-dang-cai-thuong-dinh-trump-kim/4773502.html

Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Canada chúc Tết

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 5/2 (mùng 1 Tết Nguyên Đán) đã gửi ra lời chúc Tết đến toàn thể cộng đồng Việt Nam ở Canada và trên toàn thế giới.
“Tết là thời gian để suy ngẫm về năm qua, mừng những khởi đầu mới và chờ đón mùa Xuân sắp đến. Để chào đón năm Kỷ Hợi, các gia đình và thân hữu sẽ cùng nhau thưởng thức những món ăn trong ngày lễ đặc biệt và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất về vận may trong năm tới”, thông cáo từ Văn phòng Thủ tướng Trudeau viết.
Thủ tướng Canada nói thêm rằng Tết Nguyên Đán cũng là dịp để ghi nhận những đóng góp quan trọng của người Canada gốc Việt cho đất nước này mỗi ngày.
“Các thế hệ người Canada gốc Việt đã giúp xây dựng một đất nước Canada tốt đẹp hơn, toàn diện hơn và điều đó vẫn đúng cho đến bây giờ”.
Ngoài lời chúc “hạnh phúc, an khang, thịnh vượng”, trong thông cáo chúc Tết của Thủ tướng Justin Trudeau và phu nhân Sophie còn viết thêm dòng chữ “Chúc mừng năm mới” bằng tiếng Việt.
Trong cùng ngày, Nhà Trắng cũng gửi ra lời chúc Tết của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến các cộng đồng Á châu.
“Đây là thời khắc linh thiêng đối với nhiều người gốc Á, và đây là cơ hội để tất cả người Mỹ tôn vinh những đóng góp quan trọng mà những cộng đồng này góp vào câu chuyện về sự vĩ đại của nước Mỹ”, ông Trump nói, đồng thời gửi “những lời chúc tốt đẹp nhất an khang, thịnh vượng và hạnh phúc” đến các gia đình đang tụ họp đón năm mới Kỷ Hợi.
https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-canada-chuc-tet-cong-dong-nguoi-viet/4773356.html

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.