Ngày hội của nụ cườiNgày hội của nụ cười
08/02/2019
Tôi đến “Hội cấy lúa” ở chùa Rô (xã An Cư, Tịnh Biên) bằng sự tò mò, hào hứng đặc trưng của người làm báo. Nơi đây được xem là một trong những ngôi chùa ít ỏi còn giữ lại phong tục: đồng bào dân tộc thiểu số Khmer chung tay cấy lúa làm công quả cho chùa sau hội đua bò truyền thống mừng lễ Sene Dolta. Ngày hội là sự hòa quyện giữa đạo và đời, giữa niềm vui lao động và giải trí về mặt tinh thần. Ðọng lại trong tôi là những nụ cười, ánh mắt hồn nhiên, vui tươi của họ trên đồng xanh ngăn ngắt...
Muốn kể về hội cấy, có lẽ phải nói rõ về hội đua bò. Hoạt động đua bò vào dịp lễ Sene Dolta gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số Khmer bao đời nay. Hoạt động này thường được tổ chức ở sân chùa, nơi có thể quy tụ đông đảo bà con phum, sóc xung quanh tụ hội về xem. Chùa Rô có sân đua bò, nhưng thiếu thốn và bất tiện đủ bề, không thể đáp ứng tốt nhu cầu giải trí tinh thần của bà con. “Ngôi chùa này nghèo đến mức hơn 5 năm vẫn chưa được xây dựng xong. Năm 2015, sân đua bò của chùa rất nhỏ, đường chạy về đích ngắn, chật chội, nguy hiểm vì không có đường thoát khi bò lao về đích. Có trường hợp, bò chạy nhanh, lao vào bờ tường rồi gãy chân. Tôi có ý tưởng: phải làm sân đua bò quy mô, hoàn chỉnh, từ 2 ô ruộng phía trên (sát tòa chánh điện) của chùa. Chúng tôi bắt tay thực hiện vào thời điểm trước Tết Dolta 2016 vài tháng” - anh Huỳnh Phúc Hậu (một người gắn bó với ngôi chùa nhiều năm nay) kể lại.
Lúc đầu, dự kiến kinh phí khoảng 15 triệu đồng. Tuy nhiên, địa hình phức tạp khiến chi phí tăng, đến lúc hoàn chỉnh hơn 60 triệu đồng. Rất nhiều tổ chức, cá nhân, người dân chung tay hỗ trợ chùa. Đến thời điểm đua bò, họ lại cùng nhau quyên góp kinh phí tổ chức, giải thưởng và dành một phần để làm kinh phí xây dựng chùa. Kể từ đó, chùa Rô và sự kiện đua bò truyền thống được biết đến nhiều hơn, bởi những tấm lòng thơm thảo ấy. Giờ đây, sân đua bò chùa Rô dù còn nhỏ, nhưng đạt yêu cầu về độ rộng của làn đua. Nước ngập vừa đủ để bò có thể chạy nhanh, tạo vệt nước bắn tung tóe… cho cánh nhiếp ảnh tác nghiệp. Sân đua nằm cạnh chánh điện, ở phía sau có núi Rô, núi Trà Sư và nhiều ngọn núi khác trong rặng Thất Sơn bao quanh, tạo thành cảnh đẹp nao lòng.
Sân đua bò chùa Rô được xây dựng từ nguồn xã hội hóa
Kinh phí tổ chức đua bò hàng năm vẫn bằng nguồn vốn xã hội hóa, vừa tạo sân chơi cho đội ngũ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên xa gần, vừa thu hút khách du lịch, lại vừa lưu giữ nét văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.
Đặc biệt, hội cấy lúa được phục hiện là nét đẹp văn hóa dân gian hiếm nơi nào có được. Để hoạt động truyền thống này không bị mai một, sư cả chùa Rô Chau Sóc Khonl đã bỏ nhiều tâm huyết tổ chức chuỗi hoạt động đua bò, cấy lúa vào dịp lễ Sene Dolta hàng năm, dù kinh phí eo hẹp, điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo. “Truyền thống này đã có mấy chục năm nay, sư cố gắng duy trì để người dân trong vùng được tham gia, hòa mình vào ngày hội. Bên cạnh đó, chùa thường vận động nhà hảo tâm xa gần hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm, tập sách cho người dân, học sinh nghèo của xã. Đến khi chùa cần người phụ cấy lúa, họ sẵn sàng đến giúp” - sư cả Chau Sóc Khonl chia sẻ.
Nhổ mạ trước khi cấy
Từ sáng đến trưa, cánh đàn ông hào hứng xem đua bò quyết liệt xung quanh sân đua, mặc kệ cái nắng gay gắt của vùng Bảy Núi. Phụ nữ tất bật nấu chè, nấu nước thốt nốt trong chùa để đãi khách miễn phí. Kết thúc giải đua, họ tản về nhà nghỉ ngơi. Đầu giờ chiều, phụ nữ và trẻ em quay trở lại, bắt đầu cho “hội cấy”. Trong khi hàng chục phụ nữ nhổ mạ phía bên kia sân chùa, đám trẻ con lại lao nhao, thích thú chạy theo chiếc máy cày trên sân đua bò. Một lúc sau, mặc kệ máy cày, chúng quay sang đùa giỡn, tổ chức… đua người, tranh tài nghiêm túc chẳng kém gì buổi sáng. Vậy mà chỉ cần nghe tiếng í ới, chúng liền ngừng chơi, chạy sang chất mạ lên xe, ì ạch kéo đẩy qua ruộng bên này. Đoạn đường ấy, đi bộ còn té lên té xuống, sình bùn văng lên đầy mình, mà tụi nhỏ giỏi lắm, đẩy xe lên bờ, xuống ruộng (theo đúng nghĩa đen) ngon lành!
Trong suốt thời gian ấy, chiếc “bông bí” trên cây cao liên tục phát những bản nhạc vui tươi của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Ông Chau Runl (63 tuổi, à cha) cầm micro thông báo bà con quanh chùa tranh thủ đến cấy lúa phụ chùa. Sư cả Chau Sóc Khonl tất bật cùng các sư sãi, à cha trong chùa xắn tay cùng bà con làm lụng. Mạ nhổ xong, mọi người nghỉ ngơi, ăn bánh mì lấy sức. Chẳng kịp rửa tay sạch, bà Neang Nhap (69 tuổi) nuốt vội ổ bánh mì. Bà Neang Nhap cho biết: “Coi vậy mà nhổ mạ khó hơn cấy lúa! Nhổ mạ cần biết cách dùng sức đập sao cho đất văng bớt ra, mà mạ vẫn khỏe. Từ lúc nhỏ, tôi đã theo cấy lúa cho chùa, riết rồi thành thói quen khó bỏ. Bữa nay, nhà không có ai, tôi để mấy đứa cháu tự chơi với nhau, tranh thủ qua chùa cấy được bao nhiêu hay bấy nhiêu”. Bà Neang Nay (57 tuổi) tiếp lời: “Hồi nhỏ, tôi thấy người lớn đi cấy cho chùa vui lắm, nên xin đi theo. Rồi được dạy cách nhổ mạ, cấy lúa, cắt lúa… Tới lúc mình lớn, mình dạy lại cho đám nhỏ để sau này tụi nó giúp chùa”.
Trẻ con ì ạch kéo xe mạ từ ruộng bên này sang bên kia
Trời chiều, nắng phai màu dần. Bà con tập trung xuống ruộng để cấy lúa. Cánh phóng viên, nhiếp ảnh được phép tác nghiệp 15 phút đầu tiên, sau đó nhường lại không gian cho bà con thoải mái làm việc. Chúng tôi vội vã bấm máy, bắt từng khoảnh khắc đẹp trên ruộng. Màu áo cam của cà sa, màu xanh của mạ, của trời, của núi, màu nâu của bùn hòa quyện cùng màu áo trầm của những người phụ nữ… tạo thành bức tranh tuyệt sắc của cuộc đời.
Nếu có dịp tham dự hội đua bò, cấy lúa ở chùa Rô, bạn hãy nán lại, dù giọt nắng cuối ngày thúc giục mình trở về. Điều tuyệt đẹp nhất nằm ở cuối cùng. Sau khi đám mạ được cấy xong, đàn ông đem nhạc cụ dân tộc thiểu số Khmer xuống ruộng chơi những khúc nhạc rộn rã, mừng ngày lễ Dolta. Lúc ấy, các bà, các chị đều đã lấm lem bùn đất, lưng đau mỏi vì cúi xuống hàng giờ liền. Chẳng hề gì, họ vẫn hòa cùng tiếng nhạc, tưng bừng ca hát, nhảy múa, uống rượu. Họ vui chơi dưới ruộng, hồn nhiên như trẻ thơ, bỏ quên những khó khăn, lo nghĩ của cuộc đời.
KHÁNH HƯNG
http://baoangiang.com.vn/ngay-hoi-cua-nu-cuoi-a239676.html
0 nhận xét