Một năm xuất khẩu được mùa
Thứ Ba, 5 tháng 2, 2019
19:10
//
kinh doanh
,
Slider
05/02/2019
Năm 2018 đánh dấu lĩnh vực xuất khẩu của tỉnh gặp nhiều thuận lợi. Ba mặt hàng chủ lực là gạo, cá tra và rau, quả có mức tăng trưởng cao, đạt 840 triệu USD (tăng 2,44% so năm trước, đạt 100% kế hoạch đề ra). Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, thị trường được mở rộng, nông dân và doanh nghiệp đều có lãi, điều này cho thấy đối với An Giang, nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ”của nền kinh tế.
Từ lúa, gạo
Nhìn lại tổng thể xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trong tỉnh năm 2018, có thể nói đây là một năm xuất khẩu “được mùa” lẫn “trúng giá”. Gạo Việt tiếp tục chinh phục người tiêu dùng thế giới bằng sự có mặt ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sản phẩm xuất khẩu đa dạng, bao gồm: gạo hạt dài, hạt ngắn, gạo thơm, gạo đồ, gạo hữu cơ… Đặc biệt, gạo Việt bước đầu thâm nhập vào những thị trường có yêu cầu cao về mặt chất lượng như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU)… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 10 tháng của năm 2018, các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu đạt 5,2 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,6 tỷ USD (tăng 1,7% về khối lượng và 14,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017). Giá xuất khẩu bình quân 10 tháng của năm 2018 đạt 503 USD/tấn (tăng 13,7%). Cụ thể, giá gạo thơm (Jasmine) 575 USD/tấn, cao nhất trong các chủng loại gạo xuất khẩu. Tiếp đến là gạo Japonica (gạo Nhật) 526 USD/tấn. Gạo 5% tấm có giá 410 USD/tấn, cao hơn gạo của Ấn Độ (372 USD/tấn) và tương đương gạo của Thái Lan (411 USD/tấn). Về thị trường, Trung Quốc tiếp tục đứng đầu trong các quốc gia nhập khẩu gạo Việt Nam với thị phần chiếm gần 24%. Những thị trường khác như: Indonesia, Iraq, Philippines, Malaysia đều có giá trị tăng rất mạnh.
Bốc dỡ gạo xuống tàu để xuất khẩu
“Nhìn lại năm 2018 có thể thấy, trong xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp, cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu đã chuyển dịch rất tích cực. Cụ thể, tăng dần gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng từ chất lượng trung bình lên mức cao hơn; giảm dần gạo trắng có chất lượng thấp. Hiện, loại gạo trắng có chất lượng thấp chiếm tỷ trọng khoảng 2% trong tổng lượng gạo xuất khẩu. Về chủng loại gạo xuất khẩu, gạo trắng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (58% về lượng và 55% về giá trị), tiếp theo là gạo thơm (Jasmine), chiếm 24% về lượng và 28% về giá trị, gạo nếp (13% về lượng và 12% về giá trị)…” - Giám đốc Sở Công thương Võ Nguyên Nam chia sẻ. Xuất khẩu gạo tăng mạnh về lượng lẫn giá trị đã giúp nông dân ngày càng an tâm sản xuất. Đây là năm nông dân có lợi nhuận cao khi bán lúa cho thương lái (thu gom xuất khẩu). Bình quân mỗi ha lúa, nông dân lãi từ 20 triệu đồng trở lên. “Nhìn lại quá trình xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trong tỉnh từ năm 2013 đến nay cho thấy, năm 2018 được xem là năm có sản lượng cao nhất. Gạo xuất khẩu mạnh, lúa trên đồng bán được giá cao, đời sống nông dân được nâng lên rõ rệt…” - ông Trần Văn Sinh (xã Long An, TX. Tân Châu) thông tin.
Kết thúc năm 2018, cả nước xuất khẩu gạo đạt 6,7 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so với năm 2017, riêng An Giang xuất khẩu đạt 493.000 tấn, tương đương 250 triệu USD (tăng 14% về lượng và tăng 19,62% về kim ngạch). Đây là năm có sản lượng gạo xuất khẩu cao nhất kể từ năm 2013. Các doanh nghiệp trong tỉnh tập trung xuất khẩu sang 5 thị trường chính: Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Gana, Bờ Biển Ngà và một số thị trường khác.
Đến cá tra
Có thể khẳng định, năm 2018 là năm các doanh nghiệp xuất khẩu đã lấy lại “thăng bằng” sau nhiều năm thua lỗ. Kể từ năm 2007 đến nay, chưa năm nào giá xuất khẩu mặt hàng cá tra tốt như năm nay. Cụ thể, ở thị trường Mỹ, giá bán 1kg fillet đông lạnh khoảng 5 - 6 USD/kg, Trung Quốc 3,6 - 4,3 USD/kg, Nam Mỹ từ 3,5 - 3,7 USD/kg. So với những năm trước, giá xuất khẩu cá tra vào các thị trường trên tăng ít nhất 1 USD/kg. Với mức giá xuất khẩu này, doanh nghiệp và người nuôi đều có lãi, Hiệp hội các chủ trại nuôi cá nheo Mỹ phấn khởi, vì giá cá tra Việt Nam bán tại thị trường Mỹ không thấp hơn nhiều so với giá bán sản phẩm cá nheo. Chính điều này, năm 2018, căng thẳng trong cuộc chiến chống bán phá giá cá tra Việt Nam vào thị trường Mỹ có phần hạ nhiệt. Mỹ đã đăng trên công báo thừa nhận tính tương đồng trong lĩnh vực nuôi trồng của ngành cá 2 nước. “Năm nay, giá xuất khẩu cá tra vào các thị trường tăng ở mức tốt nhất do nhu cầu nhập khẩu sản phẩm tại các quốc gia, châu lục đều tăng. Trong nước, nguyên liệu phục vụ cho chế biến thiếu, từ đó các nhà xuất khẩu có cơ hội đàm phán, nâng mặt bằng giá bán lên để hỗ trợ nông dân. Một yếu tố khác, sự điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là việc điều hành tỷ giá trong năm hỗ trợ rất tốt cho xuất khẩu, vì vậy, doanh thu của Nam Việt năm 2018 tăng gần gấp đôi so năm trước…” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới thông tin.
Ngoài mặt hàng fillet đông lạnh, cá tra còn được chế biến bằng hình thức xẻ bướm để xuất sang thị trường Trung Quốc
Theo ông Doãn Tới, một yếu tố khác khá quan trọng là lợi thế so sánh của Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực. Cụ thể, Việt Nam nằm ở hạ lưu sông Mekong, có nguồn nước tốt, khí hậu ổn định, thổ nhưỡng phù hợp, kinh nghiệm của nông dân trong nuôi cá tra đã có từ lâu đời. Cùng với đó là việc áp dụng khoa học- kỹ thuật vào nuôi trồng, vì vậy 1ha mặt nước có thể nuôi khoảng 1.000 tấn cá. Đây là điều chưa quốc gia nào làm được (cho đến thời điểm hiện tại). Thời gian qua, nhờ việc áp dụng khoa học- kỹ thuật vào nuôi trồng, nông dân đã hạ thấp giá thành sản xuất, từ đó góp phần tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. “Đối với nghề nuôi cá tra, đây là niềm đam mê của nông dân ĐBSCL nói chung và An Giang nói riêng. Từ chỗ đam mê, nông dân đã suy nghĩ ra nhiều cách làm khác nhau để sản phẩm đạt chất lượng cao nhất, giá thành thấp nhất. Mục đích là để cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia khác trong khu vực. Cách đây 20 năm, từ xuất khẩu cá basa, sau đó nông dân nghiên cứu nuôi cá tra để thay thế, bởi thời gian nuôi ngắn hơn, chi phí thấp hơn, lợi nhuận cao hơn. Từ cho cá ăn thức ăn truyền thống (tấm, cám trộn rau muống, khoai lang), thay thế bằng thức ăn công nghiệp. Đây là một cuộc “cách mạng” trong ngành nuôi và chế biến cá tra ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua…” - bà Trần Thị Mỹ Lệ (xã Long Giang, Chợ Mới) chia sẻ.
Về thị trường xuất khẩu, nếu năm 1996, cá basa của ngư dân trong tỉnh được xuất sang Mỹ là chủ yếu, đến nay, sản phẩm cá tra, basa của ngư dân đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, mỗi năm mang về cho đất nước khoảng 2 tỷ USD. Không dừng lại ở đó, bằng cách làm đầy sáng tạo, các doanh nghiệp trong tỉnh đã biết “bán cái thị trường cần, chứ không phải bán cái mình có”. Ngoài sản phẩm fillet, 5 năm gần đây, các nhà máy chế biến đông lạnh đã cho ra đời mặt hàng cá tra xẻ bướm để bán cho thị trường Trung Quốc. Với cách làm đầy sáng tạo đó, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu cá tra của Việt Nam nhiều nhất thế giới (2017 và 2018). “Xuất khẩu cá tra được đẩy mạnh, thị trường trong nước đã tránh được cảnh “thừa hàng, dội chợ” như những năm trước. Cụ thể, năm nào giá cá tra nguyên liệu rớt xuống thấp, xuất khẩu gặp khó thì nông dân mang cá ra các chợ bán làm cho cá lóc, cá trê, mè vinh, điêu hồng bị ảnh hưởng chung, rớt giá. Riêng năm 2018, từ bạn hàng cá ở các chợ quê đến các trung tâm thương mại rất phấn khởi, vì cá tra luôn ở mức cao (từ 27.000 - 35.000 đồng/kg), điều đó không làm ảnh hưởng đến các mặt hàng cá chợ khác…” - bà Vương Thị Lan (bạn hàng cá chợ Châu Đốc) cho biết.
“Ngoài xuất khẩu gạo và cá tra, năm 2018, xuất khẩu rau, quả sang các nước đạt nhiều tín hiệu khả quan. Trong 10 tháng của năm 2018, kim ngạch xuất khẩu rau, quả của cả nước đạt 3,27 tỷ USD, tăng 14,4% so năm 2017. Ngoài Trung Quốc, Hoa Kỳ, thị trường Campuchia có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 401%. Ở An Giang, việc xuất khẩu rau, củ, quả vào Campuchia rất đa dạng, từ các loại như: cải tùa xại, cải dún, bắp cải, dưa leo đến cam xoàn, bưởi, thanh long, chôm chôm đều có thể bán được” - ông Lê Văn Tuấn (thương lái thị trường Campuchia) thông tin. |
MINH HIỂN
http://baoangiang.com.vn/mot-nam-xuat-khau-duoc-mua-a239612.html
Tags:
kinh doanh,
Slider
0 nhận xét