Lan man đạo đời
6-2-2019
Ngày trước, khi đi qua đèo Hải Vân ngang qua một cái am thờ Hổ dọc đường, đầu óc của thằng nhỏ đó lập tức đầy ắp những câu chuyện đả hổ, săn hổ li kỳ. Bây giờ, mỗi lần băng qua đèo Hải Vân, cái am nhỏ vẫn còn đó, tôi vẫn cứ muốn dừng xe ngồi lại bên am thờ Hổ để tưởng tượng về một thời tiền nhân của mình từ phương Bắc xẻ đất mở nước về phía Nam. Am thờ chẳng biết có từ khi nào, có lẽ có từ lúc hổ còn nhiều và còn là một thế lực đầy uy mãnh, huyền hoặc với những người Việt xưa.
Tôi thích những ngôi chùa nhỏ và cũ kỹ hơn là các ngôi chùa đồ sộ, sơn son thiếp vàng và còn thơm mùi vôi vữa. Vì vậy, mỗi khi lên chùa Linh Ứng trên sườn núi Sơn Trà (Đà Nẵng), tôi thích ngồi nhìn ra phía biển để hóng gió hơn là vào chùa ngắm tượng phật nhấp nháy đèn màu. Vì vậy, tôi đã từ chối không ít lời mời đi Đại Nam Quốc Tự tham quan vì trước tiên dị ứng với cái danh xưng huếnh hoáng “quốc tự” của nó và sau đó là lời tuyên bố “phủ vàng” tất cả các chi tiết. Và tôi cũng biết mình sẽ thích đi chùa Tây Phương ngắm các la hán hơn là đến ngôi chùa Bái Đính với nhiều “kỷ lục”.
Tôi thích một buổi trưa đi dạo với một cô bạn người Hà Nội ở ngôi chùa Mía cũ kỹ của làng Đường Lâm trong cái không khí im ắng, mát mẻ. Hoặc, ngồi trong sân ngôi chùa vách đất rường gỗ của khu du lịch Suối Lương nằm dưới chân đèo Hải Vân, để nhìn màu lam nhạt của ngọn núi buổi chiều tà. Với tất cả sự nông cạn, tôi vẫn cho rằng tinh thần của đạo Phật là sự nhìn lại bản thân, thu vào trong lòng để tự tìm cho riêng mình một Niết Bàn.
Câu chuyện đi chùa cúng bái đầu năm đã trở nên phổ biến. Tiền nhét đầy tay tượng phật, những mâm đồ cúng được cho thuê đi thuê lại dưới chân miễu Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang). Trong ngôi chùa Ông ở Hội An ngày tết, treo lủng lẳng những lời cầu mong may mắn, sức khỏe, phát tài, phát lộc…tuyệt không có một lời mong cho mưa thuận gió hòa, lòng người an lạc, đất nước phồn vinh.
Những ngôi chùa nguy nga, tráng lệ với tượng phật cao nhất nhì khu vực với lời đồn do “quan” này bỏ tiền, “tướng” kia bỏ sức, ra quân…
Người xưa sợ hổ nên thờ, ngày nay có kẻ muốn con rùa được nâng lên hàng “cụ” của 86 triệu con người.
Đánh nhau man rợ để tranh tấm vải có ấn thần linh với niềm tin làm ăn phát đạt trong năm mới. Các quan chức đầu triều đến tham gia lễ hội, cày ruộng như vua chúa ngày xưa.
Có phải, pháp quyền xuống dốc nên thần quyền lên ngôi?
Và có phải, niềm tin vào chủ nghĩa chẳng còn nên phải “gửi” nhờ thần phật?
Câu trả lời ở ngay chính trong cuộc sống.
https://baotiengdan.com/2019/02/06/lan-man-dao-doi/
0 nhận xét