Mấy ngày cuối tháng Chạp, chợ Tết bắt đầu hối hả bán hàng để kịp đêm giao thừa, từ hàng bông đến hàng gia dụng, trang trí. Còn 2-3 ngày giáp Tết (từ 28 đến 30 Tết), “chợ mai cành” mới xuất hiện, thu hút người mua rộn rã một góc chợ. Tại khu vực công trường Hai Bà Trưng (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên), “chợ mai cành” không bán gì khác ngoài những cành mai, thân cây mai đang nở hoa, được cắt ra từ những cây mai trồng ở vườn quê. Người bán tụ họp về đây, có người lớn, có trẻ nhỏ, ai nấy nhiệt tình chào mời khách đi đường. Không gian nơi đây không những tạo ra không khí mua, bán nhộn nhịp cho ngày Tết cận kề, mà màu sắc từ hoa mai còn làm tăng thêm vẻ đẹp của một góc đường, trở nên thơ mộng dưới góc máy của những người thích chụp ảnh.
Sau khi trang trí xong nhà cửa, tôi thảnh thơi dạo quanh ngắm các cành mai 5 cánh đang nở rộ trên tay người bán. Chị Nguyễn Thị Xuyên (44 tuổi, ngụ xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) có trên 10 năm mua, bán cành mai dạo, kể: “Năm nào cũng vậy, gần giáp Tết, vợ, chồng tôi tìm đến các vườn mai ở phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên), thị trấn Phú Hòa (Thoại Sơn)… đặt mua, rồi mang ra đây bán để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Thường, chúng tôi bán khoảng 100 cành vào dịp này. Mỗi cành có giá khác nhau, dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng”.
Kinh nghiệm 10 năm bán mai dạo giúp chị Xuyên “tổng kết” rằng, mọi người rất thích mua mai cành về chưng vì tiện lợi. Trong năm, họ không cần mất thời gian chăm sóc cây mai để hoa nở kịp Tết. Nhiều gia đình thiếu không gian trồng mai chậu, dù rất thích mai. Vì vậy, phương án chưng mai cành là phù hợp nhất, mà người bán đã “tuyển” nên chắc chắn nhiều nụ, hoa nở đẹp trong Tết, mang điềm lành đến nhà họ. Nắm được tâm lý của khách mua hoa, người bán mai dạo khá yên tâm về đầu ra. Họ chiết được bao nhiêu cành mai trong vườn thì đem ra bán đến khi không còn khách mua nữa.
Cũng là người bán mai dạo cả chục năm, nhưng khác với chị Xuyến, chị Nguyễn Thị Ngọc Hương (44 tuổi, ngụ xã Mỹ Hòa Hưng) lại là chủ của vườn mai với hơn trăm gốc. Vườn mai là nguồn thu nhập chính, giúp chị lo cho con ăn học, trưởng thành. Chị Hương hào hứng: “Giáp Tết, mẹ con tôi qua đây bán mai cành, chồng tôi ở nhà cắt cành, gần hết thì gửi theo phà đem qua bán tiếp. Nhờ vườn mai này, chúng tôi có thể nuôi 2 đứa con vào đại học. Thu nhập từ bán mai khá ổn định, chỉ sợ thời tiết thất thường ảnh hưởng thôi. Có năm, cùng chăm sóc như nhau, nhưng cây mai này trổ bông sớm, cây kia lại nín thinh”.
Một góc “chợ mai cành”
Từ trước đến nay, người ta nghe nhiều về sự “chịu chơi”, đầu tư tiền khủng vào những gốc mai của một số người. Với họ, cây mai đẹp, độc đáo càng tượng trưng cho phú quý. Một số khác lại bằng lòng với nhánh mai đơn sơ, nhỏ nhắn, cắm vào bình và đặt trang trọng ở bàn tiếp khách. Cành mai giúp họ lưu giữ nét truyền thống xưa, nhớ những năm tháng tuổi thơ bên cha mẹ, hoặc đơn giản chỉ là thể hiện tính tiết kiệm trong chuỗi ngày mua sắm tốn kém cuối năm.
Vợ, chồng anh Trần Tước (55 tuổi, ngụ TP. Châu Đốc) chia sẻ: “Mặc dù có trồng mai chậu chưng Tết, nhưng trước đêm giao thừa, chúng tôi vẫn thường đi chợ hoa, tìm mua thêm một số cành mai về chưng thêm trong nhà. Hồi xưa, ông bà tôi cũng thích chưng cành mai như vậy, nên tôi muốn giữ lại thói quen cho mình và tụi nhỏ sau này”. Theo chị Nguyễn Phương (48 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên), mai cành đôi khi có nhiều hoa hơn cả cây mai, được người bán cắt tỉa gọn gàng, dễ chưng trong nhà. Trong khi đó, mai cây có giá cao, nhưng nếu không biết cách chăm sóc sẽ không sử dụng được vào mùa Tết sau.
Hoa mai khiến những ngày xuân thêm rực rỡ, mang đến không khí Tết cổ truyền. Mỗi lần nhìn nụ hoa chớm nở, người ta lại nao nao trong lòng, nhẩm tính đến ngày trở về quê sum họp gia đình. Đến khi cánh hoa vàng rụng nhiều, họ lại bùi ngùi chia xa, trở về nhịp sống thường ngày. Xong mùa Tết, cành mai dạo hoàn thành “sứ mệnh”, hẹn trở lại vào năm sau!
NGUYỄN HƯNG
0 nhận xét