Cải cách kiểu Việt Nam có thể đem tới thay đổi lớn cho Triều Tiên
Nép mình trong một công viên xanh ngát giữa một máy bay chiến đấu rỉ sét thời Soviet và đại sứ quán Đông Đức cũ, một bức tượng Lenin đứng lẻ loi ở trung tâm Hà Nội như một biểu tượng cho cảm hứng của cách mạng Nga đối với nước Việt Nam theo chủ nghĩa cộng sản.
Năm 1986, một năm sau khi bức tượng được dựng lên, Việt Nam tiến hành chương trình cải cách toàn diện “Đổi mới” biến nước này từ một nước nông nghiệp lạc hậu bị chiến tranh tàn phá thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Châu Á.
Ngày nay, Công viên Lenin ở Hà Nội là nơi nhiều người biết tới, không phải vì người Việt Nam tỏ lòng tôn kính đối với nguồn gốc cộng sản, mà vì nơi này là không gian cho một nhóm thanh niên chơi trò trượt ván bắt chước giới trẻ phương Tây.
Vào lúc Việt Nam chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng định của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tháng này, mô hình cải cách của Việt Nam đang được khen ngợi là con đường kinh tế để nước Triều Tiên nghèo túng và bị cô lập đi theo.
Những cải cách của Việt Nam đưa GDP bình quân đầu người tăng gần gấp năm lần kể từ năm 1986 và giữ cho Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam, vốn không mấy dung chấp quan điểm bất đồng chính kiến, vững vàng tại vị.
Nhưng điều cần phải có là sự thay đổi chính trị và các quyền tự do cá nhân vốn sẽ đòi hỏi những cải cách lớn ở Triều Tiên, nơi Kim Jong Un nắm gần như toàn quyền kiểm soát và được tôn thờ như một vị thánh sống.
“Khi tất cả quyền lực tập trung vào tay một người duy nhất thì dễ đưa ra những quyết định sai lầm,” Cao Sĩ Kiêm, cựu thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam, người đã ban hành những cải cách chính sách tiền tệ sâu rộng của Hà Nội từ năm 1989-1997, nói.
“Chúng tôi phải chấp nhận phân tán quyền lực,” ông Kiêm nói với Reuters, nhắc đến thời Việt Nam bắt đầu mở cửa.
Khi sức khỏe của nhà cách mạng Việt Nam và chủ tịch nước Hồ Chí Minh sa sút trong chiến tranh Việt Nam, cánh tay phải của ông trong Đảng, Lê Duẩn, lên nắm quyền và cai trị như một nhà độc tài cho đến khi ông qua đời vào năm 1986.
Sự ra đi của Lê Duẩn chấm dứt “thời kì chuyên chính” của Việt Nam và giúp tạo điều kiện cho những cải cách về kinh tế rồi đến chính trị, theo lời Lê Hồng Hiệp, một thành viên của Viện nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak ở Singapore
“Lê Duẩn là người theo chủ nghĩa cộng sản chuyên chính, trung thành với hệ tư tưởng chính trị và kinh tế của Lenin,” ông Hiệp nói
“Sau khi ông ấy qua đời, không một chính trị gia nào có thể nắm quyền kiểm soát ở mức độ như vậy được nữa. Thay vào đó, Bộ Chính trị tiếp quản và trở thành cơ quan ra quyết định quan trọng nhất, dù trên cơ sở đồng thuận.”
So sánh với Việt Nam, Triều Tiên trước giờ chỉ biết có thời kì chuyên chính cộng sản. Kim Jong Un chính thức nắm quyền cai trị chính danh từ cha cũng là cựu lãnh tụ Kim Jong Il, và từ ông nội cũng là lãnh tụ lập quốc, Kim Il Sung.S
Cùng nhau, họ tạo thành “huyết thống Núi Paektu,” ngọn núi lửa huyền thoại ở biên giới Trung Quốc và Triều Tiên, nơi ông Kim Il Sung được cho là đã điều phối chiến tranh du kích chống lại Nhật Bản, nước chiếm bán đảo Triều Tiên làm thuộc địa.
Hệ tư tưởng “Juche” của Triều Tiên đề cao sự tự lực tự cường chính thức thay thế chủ nghĩa Marx-Lenin vào năm 1972. Dù Juche có nguồn gốc từ hệ tư tưởng Soviet, song những tham chiếu đến chủ nghĩa Marx-Lenin và chủ nghĩa cộng sản dần dần bị loại bỏ.
Gia tộc Kim cầm quyền được tôn thờ như thần thánh ở trong nước. Ngay cả tỉ giá hối đoái chính thức cho đồng Won Triều Tiên, từ năm 2001, đã được chốt ở mức 2,16 Won đổi một đồng đôla Mỹ, vì sinh nhật của ông Kim Jong Il là ngày 16 tháng 2.
Nhưng dưới thời Kim Jong Un, người mà các nhà hoạt động nói là cầm đầu một cuộc đàn áp tàn bạo nhắm vào những người bất đồng chính kiến và những người đào tị, một số tiến bộ về cải cách kinh tế đã được thực hiện.
Ông Kim đã cho phép một số thị trường ở Triều Tiên phát triển, giới thiệu thêm các Đặc khu Kinh tế và kêu gọi các nhà máy mở rộng phạm vi sản phẩm của họ để phục vụ thị hiếu tiêu dùng đa dạng.
“Trong bối cảnh của Triều Tiên, điều này hết sức quan trọng – tiến xa hơn nhiều so với các lãnh tụ trước đó,” Andray Abrahamian, một chuyên gia về Hàn Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương.của Đại học Stanford, nhận định.
Đến năm 2016, bốn năm sau khi ông Kim lên nắm quyền, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Triều Tiên đạt mức cao nhất trong 17 năm, theo ngân hàng trung ương Hàn Quốc. Mức tăng trưởng đó sụt giảm vào năm ngoái dưới áp lực từ các chế tài quốc tế đối với các chương trình vũ khí của Triều Tiên, ngân hàng cho biết.
“Triều Tiên đang chấp nhận các thị trường ở một mức độ chưa từng có, nhưng vẫn còn một số hạn chế quan trọng,” ông Abraham nói, nêu ra nhu cầu phải có những hệ thống chính thức xác định quyền sở hữu tài sản và sử dụng đất và nới lỏng giám sát đối với người nước ngoài đến thăm để khuyến khích đầu tư nước ngoài.
Những thay đổi kinh tế được thông tin chính thức trong những tuyên truyền của nhà nước là các chương trình do ông Kim lãnh đạo để cải thiện mức sống, song tự do hóa chính trị vẫn chưa thấy xuất hiện.
Triều Tiên chính thức là quốc gia không thuế và mặc dù trên thực tế nhiều người dân Triều Tiên dựa vào thị trường thay vì nhà nước để mua thực phẩm, Bình Nhưỡng vẫn tuyên bố có một hệ thống phân phối công cộng hoạt động tốt.
Ở Việt Nam, việc phân phối như vậy đã bị bãi bỏ khi cải cách được ban hành.
Ngày nay, nền kinh tế Việt Nam đã trở nên cởi mở tới mức “thời kì bao cấp” chỉ còn được nhớ tới trong những món đồ trưng bày trong những quán cà phê và nhà hàng “hoài cổ.”
Ở Triều Tiên, những hình ảnh như vậy được coi là thiêng liêng.
“Cảm thấy hoài cổ hơn là những cà phê hiện đại,” sinh viên Nguyễn Hoàng Phương Ngân nói khi cô nhâm nhi li cà phê latte dừa tại Cộng Cà Phê, một chuỗi quán cà phê nổi tiếng với việc sử dụng những sản phẩm tuyên truyền thời cộng sản làm thương hiệu của mình.
Tuy nhiên, con đường hướng tới thay đổi ở Việt Nam không phải quá dễ dãi.
Năm 1996, sau 10 năm tiến hành cải cách, các quan chức chính phủ tiến hành một đợt tiêu hủy công khai các băng video nước ngoài và hình ảnh khiêu dâm tại Công viên Lenin để bài trừ “tệ nạn xã hội” ở Việt Nam.
Giờ, trong khi tượng Lenin đổ bóng xuống quảng trường, những người chơi trượt ván ở đó đa phần tỏ ra buồn cười hoặc không mấy quan tâm đến sự hiện diện của nó.
“Em chơi một môn thể thao nghệ thuật đường phố của bên phương Tây, trượt ở Việt Nam và trượt ở dưới tượng đài Lenin này thì thấy rất là vui,” Lê Nhật Huy, nghệ sĩ jazz 27 tuổi, chia sẻ.
0 nhận xét