Nghĩa khí Venezuela, đạo lý từ bữa cơm độn
Có lẽ chúng ta đã quen phó mặc cho đảng và nhà nước lo mọi việc lớn nhỏ về đối ngoại. Trong khi đó lại không nhắc nhở đảng bài học từ sự ngạo mạn chính trị của bên thắng cuộc ở VN. Đó là sự ngạo mạn phá bỏ các quan hệ sản xuất của chế độ chính trị cũ, khăng khăng tiến lên CNXH theo đức tin của những người lãnh đạo, bất chấp thực tiễn khách quan. CNXH theo cách thức ấy ưu việt đâu không thấy, chỉ hiện thân bằng khủng hoảng kinh tế xã hội trầm kha, bằng nền kinh tế nghèo nàn của cải, không giải quyết nổi cái ăn, cái mặc.
Những gì đang diễn ra ở Venezuela hao hao tình cảnh Việt Nam sau 1975. Không có những biển người xuống đường như được thấy ở Caracas. Nhưng đã có không biết bao nhiêu “cái đêm hôm ấy đêm gì” ở không ít nông thôn. Và có cả biển buồn đau, thậm chí căm hận mà hàng triệu người Việt Nam bất chấp cả mạng sống rời bỏ đất nước của họ. Tổn thương sâu sắc ấy buộc chúng ta phải cất tiếng nói. Tiếng nói ấy là lương tri. Tiếng nói ấy như cất lên từ nồi cơm độn hằng ngày, từ chế độ thương mại tem phiếu phi nhân tính… mà nhân dân ta còn trải qua chỉ từ cách đây vài thập niên.
Đừng suy nghĩ rắm rối theo lối chính trị quyền mưu kiểu Tàu. Không có lợi ích quốc gia, dân tộc nào trong việc núm níu tình cảm cùng một chế độ chính trị ngạo mạn với số phận dân tộc và đồng bào của họ. Đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng biết ơn đối với tình nghĩa của nhân dân Venezuela càng phải thôi thúc Việt Nam tỏ rõ lập trường ấy. Bởi thâm tình của hai nước không phải từ thâm giao của thể chế, mà từ cội nguồn yêu chuộng tự do, trọng nghĩa khí của nhân dân hai nước.
Đã là nghĩa khí thì không thể cư xử láu cá, chờ thế cuộc đại định phụ họa kẻ mạnh. Sự núm níu tình cảm với hệ thống cầm quyền của Hugo Chavez có lẽ là một biến thể của quan điểm đấu tranh giai cấp, tư duy ai thắng ai một thời. Đó không phải là tình nghĩa đúng mực. Đó là không học bài đổi mới tư duy “tuân thủ qui luật vận động khách quan”, một di sản thuộc hàng toát yếu lý luận của đảng.
Một thái độ đúng mực, tiếng nói từ chính tài sản tri thức và kinh nghiệm của dân tộc mình, có thể là một đóng góp thuyết phục. Sự thuyết phục đó truyền một cảm hứng chính trị mới mẻ về khả năng một quốc gia còn nghèo, chủ động tham gia vào công việc chung của thế giới. Không phải trỗi dậy, mà là sự trưởng thành của một dân tộc.
Hãy nghĩ đến điều đó khi mỗi người dân không để một mình đảng nhà nước lo quyết sách đối ngoại.
0 nhận xét