Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Thời Sự Hàng Tuần Ngày 29 tháng 12, 2018

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018 19:20 // , ,

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Hoa Kỳ chuẩn bị rút quân khỏi Syria – Phe Dân Chủ quyết chống xây tường biên giới – Một thái độ rất hỗn xược của dân biểu Dân Chủ – CNN, lại tin dổm – Fake news: Tổng Thống Trump trục xuất người Việt tị nạn Cộng Sản –


Kính thưa quý độc giả của Tạp chí Thế Giới và www.baotgm.com

Xin trân trọng thông báo đến quý bạn đọc:

Dưới đây là bản tin hàng tuần cuối cùng của nhà văn, nhà báo Đỗ Văn Phúc, một biên tập viên nòng cốt đã viết cho chúng tôi ròng rả hơn 20 năm qua. Ông là một cựu tù nhân chính trị, sinh hoạt và đóng góp rất nhiều công sức cho tập thể NVQGHN qua nhiều lãnh vực chính trị, văn hóa, xã hội v.v… từ ngày đặt chân tới Hoa Kỳ. Trong lời tạm biệt ngắn gọn với độc giả, khán giả hải ngoại, ông viết:

“Lý do phải ngưng viết rất đơn giản vì tôi còn vài công việc phải hoàn tất trước khi không còn sức khoẻ và minh mẫn để làm, Các việc này thật ra đã dự tính từ rất lâu mà chần chừ mãi chưa bắt đầu. Lẽ ra khi về hưu, không nên làm một việc gì thường lệ, để bị gò bó. Viết bài TSHT rất mất thì giờ và phải để tâm trí vào. Nên có nhiều stress. Hiện tôi chỉ thích làm những việc khi vuì thì làm, khi buồn thì nghỉ.”

Chúng tôi tin rằng nhiều độc giả của Thế Giới Mới và www.baotgm.com sẽ nhớ tới ông với những bài bình luận thời cuộc rất sắc sảo trong suốt nhiều năm qua.

Thay mặt độc giả, thân chúc ông một năm mới 2019 vui mạnh, nhất là từ đây ông sẽ có đủ thời gian để hoàn tất những cộng việc còn dang dở.

Trương Sĩ Lương/Tạp chi Thế Giới Mới

Xin được gởi tới quý độc giả vài dòng tiều sử của ông, trich từ trang nhà www.michaelpdo.com


Phuc2008LB

Tốt nghiệp khoá 1, Đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt; Thủ khoa Cử nhân Chính trị học, Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn; Kỹ sư Điện Tử, Đại học Texas, Austin, Cao Học Quản Trị Công nghiệp, Đại học Kỹ Thuật Quốc Gia Hoa Kỳ (Colorado). Hiện cư trú tại Texas. Thời chiến tranh Việt Nam: Phục vụ tại Sư đoàn 5 Bộ Binh và Sư Đoàn 2 Không Quân.

Bị Cộng sản giam giữ 10 năm từ 1975 đến 1985.

Hoạt Động Báo Chí & Cộng Đồng

  • Chủ bút Nguyệt San Gió Cát, Căn cứ 20 Chiến Thuật Không Quân (Phan Rang) 1971-1974. Chủ nhiệm nguyệt san Lửa Việt (Austin), Trách Nhiệm (Austin) từ 1992. Chủ bút Tạp chí Thạch Hãn (USA)
  • Có bài đăng thường xuyên trên các nhật báo Tiền Tuyến, Chính Luận (Sài Gòn, trước 1975)
  • Cộng tác thường xuyên với hàng chục nhật báo, tuần san, nguyệt san, và đặc san trên toàn quốc Hoa Kỳ; và các báo điện tử, và các đài phát thanh tại Hoa Kỳ, Úc…
  • Được giới thiệu và phỏng vấn trên các đài Truyền hình Mỹ và Việt: ACTV, PBS, Fox, News 8 Austin, SBTN.
  • Được báo Người Việt giới thiệu trong loạt bài “Chân Dung Một H.O.” (14/2/2005)
  • Hai lần được báo Austin American Statesman giới thiệu trên trang 1, section B về hoạt động chính trị xã hội tại địa phương (1993 và 1999).
  • Tham dự với tư cách diễn giả chính trong bữa tiệc trưa tại Hội nghị Quốc tế về Việt Nam tại Đại học Texas Tech, Lubbock. (tháng 4, 2001) và Tham luận viên trong ba chương trình Hội Luận Quốc tế về Việt Nam tại Đại học Texas Tech, Lubbock, tháng 5, 2002; tháng 3, 2008, và tháng 4, 2017.
  • Tham dự các buổi hội luận do các đài Truyền Hình Mỹ PBS, KLRU (Austin, TX), WCTV (Richmond, Virginia).
  • Hoạt động cộng đồng từ 1992, Hiện là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại Hoa Kỳ.
  • Hiện phụ trách mục Thời Sự Hàng Tuần trên Đài Phát Thanh Việt Nam.

Tác Phẩm đã xuất bản:

  • Vườn Địa Đàng (1992) gồm 12 truyện dịch từ tác phẩm Children’s Fairy Tales của Hans Christian Andersen.
  • Cuối Tầng Địa Ngục (2008) Hồi ký những năm tù qua các trại Long Khánh, Suối Máu, Hàm Tân, Xuân Phước.
  • The Depths of Hell (bản Anh ngữ của Cuối Tầng Địa Ngục)
  • Một Thời Áo Trận (2010), Hồi ký những ngày chiến đấu
  • Quê Mẹ Mùa Xuân Chưa Về (2012) Những bài viết để ca ngợi Quê hương, vinh danh các bà Mẹ.
  • Nanh Hùm Nọc Rắn: Viết về những thủ đoạn gian ác của Cộng Sản.
  • 52 Tuần Vòng Quanh Thế Giới (6 tập) Những bài Thời Sự Hàng Tuần trên Đài Phát Thanh Việt Nam)
  • Chuyện Mình Chuyện Người (2 tập): các bài viết về những vấn đề xã hội, chính trị Hoa Kỳ và Việt Nam).

♦♦♦

Hoa Kỳ chuẩn bị rút quân khỏi Syria

Hôm thứ Tư, Tổng Thống Trump, sau khi tuyên bố chiến thắng bọn “Nhà nước Hồi Giáo ISIS”, đã ra lệnh chuẩn bị rút hết khoảng 2700 quân lính Hoa Kỳ tham chiến ở Syria về nước. Tổng Thống nói rằng vai trò làm cảnh sát quốc tế ở vùng Trung Đông không đáng giá cho những hy sinh mất mát.

Image result for us withdrawal from syria

Quân nhân Hoa Kỳ hồi hương…

Hoa Kỳ đã tham chiến ở Syria từ ngày 22 tháng 9, 2014, nhưng chỉ gửi quân bộ chiến vào năm sau, 2015. Đến nay đã hơn 4 năm ba tháng.  Phiá liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo có 11 nước nhưng chỉ yểm trợ không lực; Chỉ có nhóm kháng chiến người Kurd, kháng chiến Syria, nhóm Iraq gốc Kurd là có quân bộ chiến với do Hoa Kỳ yểm trợ. Đổi lấy cái chết của hơn 9200 tên chiến binh Hồi cực đoan thuộc nhóm ISIS và al Qaeda, liên quân Mỹ, Anh và Jordan chỉ mất 17 quân nhân thiệt mạng; quân chính phủ Syria mất 169 binh sĩ. Cuộc chiến tại Syria đã làm cho gần 6000 thường dân thiệt mạng trong đó 3470 là do bom đạn liên quân đồng minh và 2200 bị giết bởi bọn ISIS. Con số thường dân chết có lẽ còn cao hơn nhiều vì thường bị bưng bít bởi cả hai phía. Ngoài ra có 420 ngàn dân phải chạy loạn; nhiều người lánh nạn qua các nước khác.

Ngay khi có tin Hoa Kỳ rút quân, Turkey đã ồ ạt đưa quân lính và quân dụng vào Syria. Tổng Thống Trump cho hay đã có cuộc điện đàm với Tổng Thống Turkey Ergogan rất lâu về tình hình tương lai của Syria mà như chúng ta biết đã do Nga, Iran, Turkey đứng ra thu xếp.

Nhiều vị cố vấn quân sự và dân sự đã tỏ ra bất bình về lệnh rút quân này. Theo họ, bọn ISIS vẫn còn hoạt động nhiều nơi chứ chưa hoàn toàn bị tiêu diệt hẳn. Vả lại, việc Hoa Kỳ rút khỏi Syria sẽ là một sự thoái bộ, nhường mảnh đất này cho Nga và Iran thao túng. Đáng kể nhất là những người Kurd. Họ bày tỏ sự phẫn nộ và xem Hoa Kỳ như người phản bội. Nhóm người Kurd ở Bắc Iraq, Syria và Turkey từ lâu chiến đấu để lập một nước độc lập hay ít nhất một vùng lãnh thổ tự trị. Hoa Kỳ đã tích cực yểm trợ họ nhiều năm nay.

Người đầu tiên phản ứng là cựu Đại tướng James Mattis, Bộ Trưởng Quốc Phòng. Ông đã đệ đơn từ chức và nói có thể làm việc tiếp cho đến hết tháng 2 của năm 2019. Trong đơn, ông viết một cách cay đắng rằng Tổng Thống có quyền chọn một bộ trưởng mà quan điểm trùng hợp. Sau ông Mattis là ông Brett McGurk, Phái viên đặc biệt của Hoa Kỳ về vấn đề ISIS, cũng từ chức nốt.

Tổng Thống Trump đã công bố việc ông James Mattis sẽ rời chức vụ vào đúng ngày đầu năm 1 tháng 1, 2019 tức là sớm hơn dự tính nhiều tuần. Ông cũng đã bổ nhiệm ông Patrick Shanahan là quyền Bộ Trưởng. Sau ngày Christmas, TT và phu nhân đã bất ngờ đi thăm binh sĩ ở Iraq. Ông cho biết không có ý định rút quân ở đây. Hiện có khoảng 7000 quân Mỹ tại Iraq và theo TT dư sức để đánh tàn quân ISIS.

Nhận xét

Image result for us withdrawal from syria

Cuộc chiến tại Syria khởi đầu là một cuộc nội chiến khi Tổng Thống Assad độc tài và tàn ác đã đàn áp dân chúng. Một phần quân đội Syria chống lại và ly khai. Sau đó thêm nhiều nhóm quân kháng chiến nổi lên. Do những tin cho hay Assad dùng vũ khí hoá học bắn vào các trung tâm dân cư giết hại thường dân, Hoa Kỳ đã đứng ra vận động liên minh để giúp cho kháng chiến Syria. Nhưng ngay trong các nhóm kháng chiến cũng có nhiều nhóm thuộc phe khủng bố Hồi Giáo cực đoan như ISIS al-Qaeda… Vùng đất Syria còn là nơi tranh giành ảnh hưởng của Turkey, Iran và Nga.

Vì thế, thử hỏi xem Tổng Thống Syria Assad có phải là kẻ thù hay Ià mối nguy của Mỹ không? Khi Mỹ tham gia vào chiến sự Syria, có phải vì trách nhiệm đi đánh các chế dộ độc tài không? Và trong hoàn cảnh thế giới còn nhiều điểm nóng khác, liệu Mỹ có đủ quân lực, nhân lực, tài lực để có mặt hết mọi nơi không?

Khi yểm trợ vũ khí, không yểm cho các nhóm kháng chiến chống chính phủ Assad, Hoa Kỳ đang giúp ai? Như đã nói, thành phần kháng chiến chống Assad rất phức tại. Nhưng tất cả đều là nhóm Hối Giáo, trong đó có cả các tổ chức khủng bố, có nhóm còn là thành viên của tổ chức ISIS. Vậy khi Hoa Kỳ bỏ ra mỗi năm 500 triệu đô la cho các nhóm này, bao nhiêu phần trăm rơi vào tay khủng bố là kẻ thù của Mỹ và của cả nhân loại! Họ sẽ dùng vũ khí này để có ngày đánh lại Mỹ.

Sau Syria, một nửa quân số Mỹ chiến đấu tại Afghanistan (khoảng 7000 người) cũng sẽ được rút về nước. Đây là việc làm nguy hiểm vì nhóm phiến quân Hồi Giáo Taliban hiện có chiều hướng phát triển mạnh và chính phủ Afghanistan thì lệ thuộc vào hoả lực không quân của Mỹ để chống lại cả Taliban lẫn ISIS. Hoa Kỳ đã hy sinh hết 2400 binh sĩ kể từ khi bắt đầu cuộc chiến năm 2001 đến nay. Nhưng có lẽ học bài học của Nga tại Afghanistan và của Hoa Kỳ tại Việt Nam trước đây, những cuộc chiến dai dẳng đã làm các cường quốc sa lầy, hao binh tổn tướng và chi phí mất hàng trăm tỷ đô la mà không bình định được những nước xa xôi có quá nhiều khác biệt về thể chế chính trị, văn hoá truyền thống xã hội. Nhưng như kiểu gân gà, nhai không được thì phải bỏ đi. Từ lâu, Hoa Kỳ đã tìm mọi cách để đàm phán với Taliban; trả lại việc nội bộ cho chính người Afghanistan tự lo lấy.

Phe Dân Chủ quyết liệt chống xây tường biên giới

Image result for Dem party anti money for border wall

Cho đến tối thứ Sáu tuần trước, Thượng viện đã phải ra về sau khi không thể bỏ phiếu thông qua ngân sách trong đó có 5.7 tỷ dùng để xây bức tường biên giới Mỹ-Mexico do Tổng Thống Trump yêu cầu. Dự luật này đã thông qua tại Hạ Viện với tỷ số 217 vs 185.  Có 8 dân biểu Cộng Hoà đã bỏ phiếu chống dự luật này ở Hạ Viện. Đó là các ông bà Justin Amash (Michigan), Ken Buck (Colorado), Carlos Curbelo (Florida), Will Hurd (Texas), Eric Paulsen (Minnesotta), Ileana Ros-Lehtinen (Florida), Fred Upton (Michigan), và David Valadao (California).

Muốn thông qua tại Thượng Viện, phải có đủ phiếu thuận của 60 Thượng Nghị Sĩ. Ngay cả một đa số thường để đưa dự luật ra sàn Thượng Viện cũng khó đạt được. Vì phe Cộng Hoà tuy chiếm đa số, cũng chỉ có 51 phiếu chưa kể việc có thể vài ông Thượng Nghị Sĩ Cộng Hoà phản thùng. Trong lần họp tại toà Bạch Cung giữa Tổng Thống Trump và Phó Tổng Thống Pence cùng hai thủ lãnh phe Dân Chủ là Chuck Schumer và Nancy Pelosi, Tổng Thống Trump dọa sẽ đóng cửa chính phủ nếu không đạt được yêu cầu. Bà Pelosi thì đòi họp kím để thương lượng, nhưng ông Schumer thì quả quyết rằng sẽ không có 5 tỷ cho bức tường.

Do vậy, việc tạm thời đóng cửa chính phủ xảy ra bắt đầu từ thứ Bảy và có thể kéo dài qua sau ngày lễ Giáng Sinh. Qua thứ Năm này, Thượng Viện sẽ trở lại phòng họp nhưng hy vọng phe Dân Chủ nhượng bộ rất mong manh.

Việc đóng cửa chính phủ có ảnh hưởng đến 9 bộ và nhiều cơ quan cấp liên bang. Sẽ có khoảng 380 ngàn nhân viên nghỉ việc không được trả lương và 420 ngàn nhân viên quan yếu khác phải làm việc nhưng cũng không lương hoặc sẽ được bồi hoàn sau khi chính phủ mở cửa trở lại. Việc phe Dân Chủ quyết liệt chống đối 5 tỷ cho bức tường hoàn toàn mang màu sắc chính trị nhằm phá hoại dự án của Tổng Thống Trump. Vì trong quá khứ, chính phe Dân Chủ rất nhiều lần cũng cổ vũ cho việc xây tường biên giới. Trong khi mỗi năm hao tốn 200 tỷ đô la để đối phó với nạn di dân bất hợp pháp, gần đây còn muốn 10 tỷ để giúp các nước Trung Mỹ để ngăn dân các nước này tìm cách đến Mỹ; thì 5 tỷ đô la có đáng là bao?

Nóng lòng vì việc này, một cựu chiến binh Hoa Kỳ là Brian Kolfage đã mở ra cuộc gây quỹ trên trang gofundme.com. Anh bị trọng thương trên chiến trường và bị cưa mất hai chân và một cánh tay. Anh nêu ra con số 63 triệu người dân từng bỏ phiếu cho Tổng Thống Trump chỉ đóng góp 83 đô la mỗi người, thì sẽ đủ 5 tỷ để xây tường. Nhưng anh cũng chỉ đề ra mục tiêu 1 tỷ thôi. Cuộc gây quỹ bắt đầu hôm 16 tháng 12, chỉ trong vòng hơn một tuần đã quyên được hơn 16 triệu. Tuy khó lòng đạt đến con số 1 tỷ, việc làm của anh là một thông điệp rõ ràng cho những ai còn quan tâm đến quyền lợi và an sinh của nước Mỹ. Trong thư mở đầu, anh nói rằng ông bà của anh đến Mỹ với tư cách những di dân hợp pháp. Anh nhận định: “Có quá nhiều người Mỹ bị giết chết bởi bọn bất hợp pháp; cũng bọn di dân bất hợp pháp đã lợi dụng tiền thuế của công dân Hoa Kỳ mà không hề có sự đóng góp nào cho xã hội (Too many Americans have been murdered by illegal aliêns and too many illegals are taking advantage of  the United States taxpayers with no means of ever contributing to our society.)

Trong khi đó, tại một vùng không có tường biên giới ở phía nam Tiểu bang Arizona, hàng trăm người xâm nhập bất hợp pháp đã bị cảnh sát tuần biên phát giác và bắt giữ. Cũng tin trong tuần qua, có một tên di dân bất hợp pháp từng bị trục xuất 2 lần và được thành phố San Diego bao che trong các khu Santuary. Tên này đã vi phạm pháp luật, lái xe chạy trốn cảnh sát và đã gây ra một loạt tai nạn làm chết 4, 5 người vô tội.

Một thái độ rất hỗn xược, thiếu văn minh

Image result for Luis Gutierrez

Trong một buổi điều trần của bà Bộ Trưởng Nội An Kirstjen Nielsen tại Hạ Viện hôm thứ Năm tuần trước, Dân biểu Luis Gutierrez (Dân Chủ, Illinois) đã biểu lộ một hành vi rất bất xứng. Có thể coi là thiếu lịch sự, khi ông ta dùng nhiều lời lẽ nặng nề quát mắng bà Bộ Trưởng trong gần 6 phút, và sau khi nói xong ông dân biểu gốc Latino này bật đứng dậy mở cửa bỏ ra khỏi phòng trong khi bà Nielsen bắt đầu lên tiếng trả lời.

Hành vi của ông này bị báo chí coi là thiếu văn minh và là một thí dụ điển hình để đề nghị nên cấm đưa máy quay phim vào các phòng khi có cuộc điều trần.

Bà Nielsen đã tỏ ra kiên nhẫn nghe ông dân biểu to tiếng mạt sát cơ quan của bà và tố cáo bà là nói láo. Ông ta còn huyên thiên nói về Thánh Kinh, Giáng Sinh, lịch sử Egypt và về vua Herod của Do Thái… như là thuyết giảng đạo đức và lòng thương người khi ông đem việc hàng ngàn người đang bơ vơ bên kia bức tường biên giới giữa muà Giáng Sinh khi mọi người êm ấm hạnh phúc, blah, blah, blah. Ông ta gọi bà Nielsen là “bộ trưởng vô cảm giữa muà lễ hội” (The remorseless secretary during the holidays)

Tôi cảm thấy xúc phạm và ngỡ ngàng trong mùa Giáng Sinh này… là lúc chúng ta đón mừng ngày Chúa giáng trần. Chúa Jesus Christ đã cùng cha Joseph và mẹ Mary phải chạy trốn để tìm cái sống. Tạ ơn Chúa, thời đó không có bức tường ngăn cản và cũng tạ ơn Chúa, không có một hành pháp như hành pháp này. Nếu không Ngài đã không còn hiện hữu.” (It is repugnant to me and astonishing to me that during Christmas … a time in which we celebrate the birth of Jesus Christ, a Jesus Christ who had to flee for his life with Mary and Joseph,.. Thank God there wasn’t a wall that stopped him from seeking refuge in Egypt. Thank God that wall wasn’t there, and thank God there wasn’t an administration like this or he would, too, have perished.)

Rồi ông ta bày tỏ sự cảm thương cho các em bé bị xa lìa cha mẹ: “Tôi có thể ít đi dự các lớp Thánh Kinh, nhưng tôi biết điều này. Tạ ơn Chúa. Thật đáng xấu hỗ khi các em bé bị tách lìa cha mẹ và bị bỏ bên kia bức tường biên giới lo sợ đến cái chết hay bệnh hoạn. Thật xấu hỗ cho chúng ta mang trên người cây thánh giá trong mùa Giáng Sinh này mà lại cho phép bà Bộ trưởng vào đây nói những điều láo khoét.” (Maybe I haven’t gone a lot to Bible school, but I know that part,… Thank God. Shame on everybody that separates children and allows thêm to stay on the other side of the border fearing death, fearing sickness. Shame on us for wearing our badge of Christianity during Christmas, and allowing the secretary to come here and lie.)

Bà Nielsen đã bác bỏ lời ông Gutierrez. Bà nói: “Tôi không phải là kẻ nói dối. Chúng ta chưa hề có chính sách nào mà chia rẽ gia đình người ta. Tôi sẽ sung sướng để lập lại với quý vị những điều này.”

Ông Gutierrez khi đó vội vả bỏ ra khỏi phòng. Bà Nielsen cứ tiếp tục lý giải rằng: “Một chính sách phân tán gia đình là khi nào tôi đối dầu họ trong nước hay bắt gặp họ ở cửa ải và chia rẽ họ. Bộ Nội An không hề làm những điều đó, mà chỉ thi hành đúng đắn những luật lệ do Quốc Hội đã thông qua và ban hành là xét xử những người xâm nhập vào Hoa Kỳ một cách bất hợp pháp.

Sau cùng bà bình tĩnh nói rằng bà nhận những lời mạt sát cá nhân của ông Gutierrez thay mặt cho 240 ngàn nhân viên nam nữ đang phục vụ trong Bộ Nội An.

Sau vụ này, nhiều người than thở rằng: Chúng ta chỉ nhìn thấy các hành vi thô bạo này từ phe Dân Chủ. Và qua năm mới 2019, khi họ chiếm đa số tại Hạ Viện, chắc những vụ như thế này sẽ diễn ra thường xuyên hơn! Chính chúng tôi từng chứng kiến những hành vi thô lỗ của nhiều Dân biểu, Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ trong các cuộc họp hay điều trần ở Quốc Hội. Không rõ tại sao họ có cái quyền mạt sát người khác, kể cả những viên chức cao cấp trong hành pháp, tư pháp?

Luis Gutierrez làm Dân biểu từ 3 tháng 1, 1993, đến nay liền tù tì 13 nhiệm kỳ, 26 năm. Cha mẹ ông ta gốc gác từ Puerto Rico. Ông từng là thành viên của đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Puerto Rico. Ông nói về những trẻ em lạnh lẽo ở bên kia biên giới để đổ lỗi cho hành pháp Trump. Người Mỹ có ngon ngọt khuyến dụ hay dí súng ép buộc những người Trung Mỹ này bỏ nước ra đi đâu nhỉ? Họ đã tự chọn, thì việc họ chịu đựng, chúng ta có thể cảm thông giúp đỡ nếu cần, chứ chúng ta đâu gánh trách nhiệm về họ?

Fake news: Tổng Thống Trump trục xuất người Việt tị nạn Cộng Sản

Image result for Deportation of Vietnam War Refugees?

Trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, bổng dưng nổi lên nhiều tin giật gân rằng Tổng Thống Trump đang trục xuất người Mỹ gốc Việt tị nạn Cộng Sản. Những báo liberal Mỹ đưa ra những tiêu đề rất kêu nhằm gây nỗi kinh hoàng trong cộng đồng Việt tị nạn. Nào là: “Vietnamese Refugees Fear Deportation”; hoặc “Trump Moves to Deport Vietnam War Refugees”. Chúng tôi không rõ quý thính giả có lo sợ cho tương lai mình và gia đình hay không? Nhưng chúng tôi thì chỉ ngồi rung đùi phán một câu: “chuyện ruồi bu”

Năm ngoái, tại California đã có vài tổ chức gồm nhiều luật sự gốc Việt đứng ra hô hào tranh đấu. Họ tình nguyện vận động và giúp các thủ tục pháp lý cho những người có tên trong danh sách bị trục xuất. Năm nay, lại nghe đến vài tổ chức Cộng Đồng vài thành phố cũng nhào vô, tổ chức biểu tình phản đối. Nhìn qua danh sách những tổ chức hay địa phương ủng hộ việc này thì thấy đa phần là từ những nhóm thân Dân Chủ, liberal mà không có việc nào của Tổng Thống Trump họ không chống đối.

Thật ra, hầu như hiện nay bất cứ vấn đề gì cũng nhiễm màu sắc chính trị: tranh chấp giữa Cộng Hoà bảo thủ và Dân Chủ tả khuynh hay gọn hơn giữa người ủng hộ và phe chống Tổng Thống Trump. Người ta không chịu rạch ròi phân biệt giữa việc không ưa cá nhân vị Tổng Thống và chính sách của ông. Tổng Thống Trump có cá tính khác người, phải nói là khó ưa. Ông này lại có tính ăn nói bừa bãi, mất lòng quá nhiều người vừa bạn vừa người cộng sự thân tính. Nhưng việc làm của ông cho nước Mỹ thì rõ ràng là đáng phục. Chỉ có những người quá ghét ông mới làm lơ không nhắc đến hay thậm chì còn chê bai. Họ vặn vẹo từng câu tuyên bố của ông, cắt xén ra một đoạn để xuyên tạc.

Lần ông ra lệnh cấm cửa những người từ 7 nước Hồi Giáo mà bọn khủng bố hoành hành, nhóm tả khuynh phóng đại lên, rêu rao rằng ông kỳ thị Hồi Giáo. Sao không nhìn ra rằng trong danh sách không có những nước mà 90% dân theo đạo Hồi như Indonesia và các nước Trung Đông khác? Rồi khi ông chửi bọn MS-13 là súc vật, người ta bèn phóng lên rằng ông chửi cả những người Mexico hay Trung Mỹ.

Thực chất của vấn đề

Lần này cũng thế, chính sách di dân và lệnh trục xuất nhắm vào những di dân bất hợp pháp phạm tội chứ có chỉ đích danh là người gốc Việt tị nạn đâu. Thế mà các truyền thông thiên tả bên California cùng vài anh dân cử Dân Chủ gốc Việt cũng hùa theo. Họ còn đi đến kết luận rằng bà Janet Nguyễn thất cử cũng vì ông Trump làm cho cử tri Cộng Hoà gốc Việt chuyển sang bỏ cho Dân Chủ.

Việc trục xuất di dân bất hợp pháp có từ nhiều đời Tổng Thống trước đây, mà cao nhất là dười thời hành pháp Obama. Trong 8 năm từ đầu năm 2001 đến cuối 2008, hành pháp của Tổng Thống George Bush trục xuất tổng cộng 2 triệu 10 ngàn người trong đó có 719 ngàn người phạm pháp và 1.291 triệu người không phạm pháp. Thời hành pháp Obama được coi là trục xuất nhiều nhất. Theo thống kê 5 năm đầu tiên từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2013, tổng số bị trục xuất là 2 triệu 18 ngàn (bằng 8 năm của Tổng Thống Bush), trong đó có 889 ngàn người phạm pháp và 1.129 người không pham pháp.  Tổng số di dân bất hợp pháp bị trục xuất trong 8 năm sau của của Obama là hơn 2.5 triệu.  Người ta đã gọi Obama là Deprtation in Chief (Tổng Tư Lệnh Trục Xuất). Tất cả các con số trên lấy từ tài liệu của Bộ Nội An Hoa Kỳ.

Đối tượng hàng đầu trong việc trục xuất là những người nguy hiểm cho nền an ninh quốc gia, an ninh biên giới và an ninh công cộng. Năm 2015, trong số những người bị trục xuất có đến 91% là những kẻ từng phạm tội!

Lúc đó, không nghe thấy ai trong phe Dân Chủ và liberal lên tiếng! Vì đây cũng chính là chủ trương của họ. Nhưng bây giờ, khi Tổng Thống Trump tiếp tục công việc trục xuất thì họ quay 180 độ để kết án?

Luật pháp là luật pháp. Khi ban hành các luật lệ và tiêu chuẩn bị trục xuất, luật chỉ đề ra những người (1) sống bất hợp pháp trên đất Mỹ (2) ưu tiên trục xuất là những người đã bất hợp pháp mà còn phạm tội hình sự. Luật này áp dụng chung không phân biệt dân Mexican, dân Việt, Hoa, Ấn, Bắc Phi… Vì vậy, không thể lấy đó mà vội vàng kết luận Tổng Thống Trump trục xuất người Việt. Vả lại, con số 8000 người Việt nằm trong danh sách hàng triệu người dự tính bị trục xuất là một con số rất nhỏ. Cũng thế, con số 8000 trong khoảng 1.4 triệu người gốc Việt đang sống ở Mỹ cũng là một con số rất khiêm tốn. Chỉ có 8000 kẻ phạm pháp trong hai triệu dân là điều đáng mừng nếu so với tỷ lệ phạm pháp trong các sắc dân khác như dân Hispanic hay dân gốc Phi Châu!

Có phải Tổng Thống Trump nhắm vào người Mỹ gốc Việt tị nạn không?

Image result for Deportation of Vietnam War Refugees?

Xin đọc một bản tin của đài SBTN nhan đề Cộng Đồng Việt Nam ở Massachussetts phản đối chính sách trục xuất của chính phủ Trump.

Thông tin từ văn phòng Tư Pháp Người Mỹ gốc Á (AAAJ-Atlanta) cho biết Bộ An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ đã có một buổi gặp mặt giữa đại diện của chính quyền Tổng Thống Donald Trump và đại diện của chính quyền Việt Nam vào ngày mùng 9 tháng 12 vừa qua để bàn thảo về việc trục xuất hàng ngàn người Việt tị nạn cộng sản hợp phápnhưng bị phạm pháp và chưa có quốc tịch đang định cư tại Hoa Kỳ. Đây là những người đến Hoa Kỳ theo diện H.O, thuyền nhân và con lai. Họ đến Hoa Kỳ trước ngày 12 tháng 7 năm 1995. Nhưng căn cứ theo một hiệp ước đã được thoả thuận và ký giữa chính quyền Việt Nam và chính quyền Tổng Thống George W. Bush vào ngày 22 tháng 1 năm 2008 tại Hà Nội, những người này sẽ không bị trục xuất về Việt Nam.”

Trước hết, trong khoảng 8000 người có tên bị trục xuất, có bao nhiêu phần trăm là thuyền nhân, là tị nạn chính trị? Nhưng người trong hai thành phần này đến Hoa Kỳ từ 30, 40 năm qua. Trừ các cụ quá già, thì coi như hầu hết đã có đủ khả năng và điều kiện vào quốc tịch? Con số chưa có quốc tịch và phạm pháp thì chắc không nhiều. Và phải phạm các tội hình sự mới bị đưa vào danh sách trục xuất. Những di dân trước khi nộp đơn xin nhập tịch, phải qua một thời gian 5 năm là “thường trú nhân” và phải giữ mình không vi phạm pháp luật. Dù là di dân bình thường hay di dân tị nạn chính trị, không ai thoát ra khỏi điều kiện này. Còn nếu có vi phạm pháp trong thời gian thường trú, thì việc trục xuất là do Toà Án Di Trú quyết định chứ không phải do lệnh ông Trump nào cả.

Còn lại, những người Việt trong danh sách bị trục xuất này sống tại Mỹ hoặc bất hợp pháp, hoặc tạm bợ dưới nhiều danh nghĩa khác nhau như du sinh, tạm trú; không thể gán cho họ danh xưng người Mỹ gốc Việt, vì họ chưa phải là công dân Hoa Kỳ. Cũng không thể gom họ vào thành phần tị nạn Cộng Sản vì chúng ta không biết có bao nhiêu phần trăm là đến Mỹ trong chương trình tị nạn. Những năm về sau này, dòng người đến Mỹ rất phức tạp. Có hàng trăm ngàn người theo chương trình đoàn tụ, chương trình hôn nhân, du học, làm việc…

Lệnh trục xuất của hành pháp Trump không ảnh hưởng gì đến người Việt tị nạn hợp pháp lương thiện, và công dân Mỹ gốc Việt trong cộng đồng Việt tại Hoa Kỳ. Vì đa số người tỵ nạn đã có quốc tịch và là công dân Mỹ. Những người tỵ nạn ở Mỹ hàng chục năm vẫn không có quốc tịch thì khó giải thích. Đã vậy, không là công dân Mỹ, mà còn phạm tội hình sự, thì việc trục xuất những thành phần này, không thể gọi là “thiếu nhân đạo”!

Lệnh trục xuất là do tất cả các Tổng Thống gần đây

Còn khi họ kết án Tổng Thống Trump muốn trục xuất cả những người Việt đến Hoa Kỳ trước năm 1995 thì rõ ràng họ đã che giấu những chi tiết rất quan trọng.

Không phải ông Trump, mà hơn 10 năm trước, chính ông Tổng Thống Dân Chủ Bill Clinton đã muốn đuổi những người Việt phạm pháp về nước. Ông ta đã điều đình với phía Việt Cộng, nhưng Việt Cộng chỉ chịu nhận những người đến Mỹ sau ngày 12 tháng 7, 1995 tức là sau ngày hai nước mở bang giao chính thức. Việt Cộng từ chối nhận người đến Mỹ trước ngày đó vì họ nại cớ lúc đó chưa có bang giao!

Cả mấy đời Tổng Thống vừa Dân Chủ vừa Cộng Hoà là Clinton, Bush, Obama đều muốn trục xuất dân phạm pháp. Họ nhiều lần, cố gắng điều đình và ‘thuyết phục’ Việt Cộng nhận lại nhưng vô hiệu. Nay chỉ có Tổng Thống Trump tỏ ra cứng rắn mà thôi. Không hề có sự thoả thuận hay cam kết nào rằng những người đến trước 1995 là không bị trục xuất cả.

Image result for Deportation of Vietnam War Refugees?

Cho nên, khi nêu ra những tựa đề “Tổng Thống Trump trục xuất người Mỹ gốc Việt tị nạn Cộng Sản”, họ đã mập mờ đánh lận con đen, trảo chữ thay nghĩa để lôi cuốn những người Mỹ gốc Việt bình thường vào cuộc chiến chống Tổng Thống Trump theo chủ trương của đảng Dân Chủ và bọn thiên tả, liberal.

Thử rút lại trong phạm vi gia đình. Cha mẹ sinh con ra có đứa lỡ dại phạm pháp thì đành cắn răng chịu. Chứ không ai đi rước vào nhà những đứa trẻ hư, ác. Thử đặt trường hợp quý ông làm Thủ Tướng nước Việt Nam, ông có chịu chứa chấp những kẻ từ bên Lào, Căm Bốt xâm nhập bất hợp pháp vào nước ông mà gây tội ác không? Chúng tôi không dám tin các ông bà sẽ trả lời thuận cho những việc này.

Chúng ta đang sống trên đất Mỹ, nhận đây là quê hương thứ hai. Con cháu chúng ta rồi sẽ là người Mỹ. Chúng ta phải đặt quyền lợi của Mỹ lên hàng đầu. Dù gốc gác chúng ta là người Việt Nam, chúng ta không thể vì tinh thần cục bộ mù quáng mà bao che, bào chữa cho những kẻ phạm pháp. Vì nếu chúng ta làm chức năng chính phủ, chúng ta cũng phải công bằng xét xử họ chiếu theo luật pháp mà không thể du di tăng giảm vì họ là đồng bào được.

Các tổ chức cộng đồng nói riêng, người Việt nói chung đã luôn biểu hiện tinh thần đùm bọc, tương trợ; nhất là sau các thiên tại hay trong nhiều trường hợp khác. Chúng ta biết có nhiều người Việt Nam đến Mỹ, do ngôn ngữ bất đồng, do cách nhìn về văn hoá, lối sống khác nhau, có thể đã gây ra vài tội nhẹ. Nhưng trong quá trình ra toà, chắc các luật sư của họ đã cố gằng giải thích để họ thoát khỏi án phại. Tuần qua, một đạo luật về công lý hình sự đã được ban hành để giảm nhẹ hình phạt đối với các tội không bạo lực. Không biết những người Việt Nam vi phạm nhẹ này có nằm trong danh sách bị trục xuất hay không. Nếu có, thì đó là những trường hợp cá biệt mà chúng ta cần tận tâm giúp đỡ. Nhưng tổng quát, thì không thể can thiệp vào các trường hợp phạm pháp khác mà đã từng có nhiều lần, người Việt Nam là nạn nhân của chính bọn cướp của giết người gốc Việt. Băng đảng Việt hung ác và dữ tợn hơn các băng đảng Hoa bọn Latino hay bọn Mỹ gốc Phi Châu nhiều.

Có một điều mỉa mai là trong khi những người chưa có quốc tịch thì sợ bị trục xuất, lại có rất nhiều người tị nạn đúng nghĩa, sau khi lấy đưọc quốc tịch lại kéo nhau mò về nơi mình từng bỏ chạy để mua nhà, làm ăn, lấy vợ trẻ, hưởng già.

CNN lại tẽn tò vì vinh danh kẻ làm fake news

Image result for CNN with Fake news

Một ký giả Đức, người được đài truyền hình CNN tặng giải thưởng “Ký giả nổi bật trong năm 2014” (Journalist of the Year) vừa rồi đã tự thú nhận rằng anh ta bịa đặt các câu chuyện trên một tầm vóc rộng lớn. Anh đã bị đuổi việc sau khi bị phát giác sự gian trá qua một cuộc điều tra nội bộ.

Đó là anh ký giả thuộc loại minh tinh tên là Claas Relotius của hệ thống phát hành có tên Der Spiegel của nước Đức. Nhà phát hành cho hay người ký giả nổi tiếng này đã bịa nhiều chuyện trong nhiều năm dài.

Vào đầu tháng 12 này, một phụ nữ Mỹ, bà Jan Foley, đã gửi một điện thư cho anh ký giả này chất vấn anh ta về một bản tin anh ta viết nhan đề tiếng Đức “Jaeger’s Grenze” (Hunter’s Border), liên quan đến Arizona Border Recon (tạm dịch là Tuần thám Biên giới ở Arizona)

Trong bài, anh ta viết về một nhóm người đang làm nhiệm vụ tuần thám dọc biên giới tây nam Mexico. Lời thắc mắc của bà Foley là anh ký giả này làm sao có thể viết ra một bài phóng sự dài mà không hề liên lạc, phỏng vấn những người trong nhóm này. Bà cho hay chính bà là người chịu trách nhiệm về truyền thông của nhóm.

Trong nhiều tuần trước đó, người đồng tác giả bài phóng sự “Hunter’s Border,” Juan Morena, đã đánh tiếng báo động lên các giới chức cao cấp rằng Relotius, người ký giả đồng nghiệp đã bịa đặt ra tất cả các chi tiết.

Cơ quan Der Spiegel mở cuộc điều tra nội bộ và khám phá ra ngoài bài phóng sự nói trên, anh Relotius còn bịa chuyện trong nhiều bài phóng sự khác. Khi bằng chứng đưa ra đã rành rành, Relotius không còn cách nào ngoài việc thú nhận sự gian dối của mình.

Sau khi đuổi việc anh ký giả này, Der Spiegel cho hay họ đã điều tra thêm hết 55 bài phóng sự khác của anh ta và kết luận tất cả chỉ là fake news.

Ngoài việc được CNN vinh danh, anh Relotius còn được Tạp chí Forbe liệt kê vào danh sách “30 Under 30″ (30 người dưới 30 tuổi nổi tiếng). Anh còn 4 lần đoạt giải German Reporter Prize ; giải “the Catholic and Coburger media award”, “the Peter Scholl Latour Prize”, “the European Press Prize”, “the Reemtsma Liberty Award” và hàng chục giải vinh danh khác.

Chưa hết,

Theo tin the Washington Post, trong tuần qua, ba ký giả của đài CNN đặc trách về những vấn đề của Tổng Thống Trump và ngân khoản đầu tư của Nga cũng đã bị ép thôi việc.

Hôm thứ Hai, CNN loan báo tên của ba người này là (1) Frank, nhà báo phụ trách bản tin; (2) Eric Lichtblau, người tu chỉnh bản văn và (3) Lex Haris, chủ nhiệm chương trình CNN Investigates.

Theo lời của các giới chức CNN cuối tuần qua, một cuộc điều tra cho thấy việc phát hành các bản tin đã không theo đúng diễn trình đã có từ lâu. Có nghĩa những công việc này đã vi phạm những nguyên tắc “kiểm soát và quân bình” trong phạm vi nội bộ của CNN.

Vào thứ Năm hai tuần trước đây, CNN đã cho phát hành một bản tin liên quan trong đó Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện đang điều tra cuộc gặp gỡ giữa những nhân vật trong nhóm chuyển nhận bàn giao quyền Tổng Thống của ông Trump và người cầm đầu tài khoản đầu tư của Nga.

Bản tin đã dựa vào một nguồn độc nhất, ẩn danh. Qua hôm sau, thứ Sáu, CNN đã lấy bản tin xuống vì những người làm tin đã tỏ ra sai phạm. CNN do đó đã soạn lại một diễn trình mới để thực hành khi viết những bản tin trong tương lai có dính líu đến nước Nga. Và cũng từ rày trở về sau, tất cả những bản tin loại này phải được sự chấp thuận trước của biên tập viên cao cấp hoặc của ông Phó Chủ Tịch. Theo lời ký giả Erik Wemple của báo Washington Post, thì vụ này không phải là vi phạm đầu tiên của CNN.

Trước ngày có vụ điều trần của ông cựu Giám Đốc FBI James Comey, CNN đã dùng lời ghi của 4 ký giả Gloria Borger, Eric Lichtblau, Jake Tapper và Brian Rokus báo cáo rằng ông Comey có thể sẽ phản bác những lời của ông Trump. Ông Trump trước đó cho hay ông Comey nói với ông rằng ông không phải là đối tượng của cuộc điều tra.  Mà sự thật, thì rốt cuộc, ông Comey xác nhận lời ông Trump là đúng!

Bản tin của CNN đã cho thấy những biên tập của họ đã phán đoán sai bét dựa trên những tin không chính xác. Dù rằng CNN cho rằng sự sai trái mới đây không liên qua gì đến sự lầm lẫn trước, nhưng cả hai vụ đều thấy cái tên của ký giả Eric Lichtblau.

Image result for Anthony Scaramucci

Cũng vì những sai lầm trong việc loan tin liên quan đến Nga nói trên, CNN đang phải đối phó một vụ thưa kiện đòi bồi thường đến 100 triệu đô la.

Ông Anthony Scaramucci, người trước đây ở trong ban tham mưu của Tổng Thống Trump và cũng là đối tượng trong vài bài tường thuật của CNN, đã kiện công ty truyền hình này về tội bôi nhọ. CNN đã lên tiếng công khai xin lỗi, nhưng Scaramucci vẫn mướn một luật sư giỏi ở Manhattan đe dọa vụ kiện đòi đến 100 triệu đô la bồi thường. Trong vụ vừa nói, bản tin sai lạc đã cho rằng Bộ Ngân Khố đang điều tra ông Scaramucci về cuộc gặp của ông này với Tổng giám Đốc Nga ngày 16 tháng 1 mà ông Brian Stelter xác nhận là không có.

Thời gian qua, CNN đã cho thôi việc Reza Aslan, người chủ show nhiều tập mang tên Believer vì ông này đã gọi Tổng Thống Trump là một “cục c..” (a piece of s…t)

CNN cũng đuổi việc cô chuyên chọc cười Kathy Griffin vì cô này trình ra chiếc đầu lâu bi chặt đẫm máu của ông Trump.

Vào thời điểm này, cơ quan liên bang cũng đang điều tra việc công ty Điện thoại AT&T mua lại công ty mẹ của CNN là Time Warner với giá 85.4 tỷ đô la. Việc mua bán đang tạm đình hoãn.

Những sự việc xảy ra liên tiếp làm Giám đốc CNN Jeff Zucker điên đầu. Ông càng lo hơn khi hai công ty gộp lại, chức giám đốc của ông e không còn. Các giám đốc khác của Time Warner cũng có mối lo tương tự.

Vài lời giã biệt


Kính thưa quý vị,

Sau bài Thời Sự Hàng Tuần cuối năm, ngày 29 tháng 12, 2018, tôi chấm dứt thực hiện chương trình này. Xem đây như là lời từ giã với quý thính giả, độc giả đã từng ưa chuộng các bài viết về thời sự của tôi.

Lý do phải ngưng rất đơn giản:

Tôi còn vài công việc phải hoàn tất trước khi không còn sức khoẻ và minh mẫn để làm, Các việc này thật ra đã dự tính từ rất lâu mà chần chừ mãi chưa bắt đầu. Lẽ ra khi về hưu, không nên làm một việc gì thường lệ, để bị gò bó. Viết bài TSHT rất mất thì giờ và phải để tâm trí vào. Nên có nhiều stress. Hiên tôi chỉ thích làm những việc khi vuì thì làm, khi buồn thì nghỉ.

Cuối cùng, xin cám ơn cô Mai Lý, Đài  Phát Thanh Việt Nam đã cho tôi một thời lượng tối thứ Bảy (prime time) để trò chuyện cùng thính giả ba năm qua. Quả thật, làm chương trình TSHT rất thú vị, vừa có thêm dịp học hỏi về chính trị thế giới và Hoa Kỳ.

Cuối cùng, kính chúc tất cả quý vị một năm mới 2019 an khang, hạnh phúc.

Tạm biệt.

Đỗ Văn Phúc, 29/12/2018

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.