Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

THIẾU PHỤ QUẠT MỒ

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2018 21:11 // ,

Nguồn: tuongnhan 
23/12/2018


Truyện kể:

Một hôm, Trang Tử dạo chơi, lúc đi ngang qua nghĩa địa, thấy một người đàn bà đang ngồi quạt nấm mồ còn ướt. Ông lấy làm lạ hỏi ra thì được biết người đàn bà ấy chồng chết sớm chôn tại đây. Lúc còn sống hương lửa mặn nồng, khi gần chết, chồng có trăn trối nếu sau này muốn tái giá hãy đợi đến khi mộ xanh cỏ. Nay có người đến hỏi, nàng muốn tái giá nhưng trời đất gió mưa tơi tả nấm mộ ướt át nên phải quạt cho mau khô, để kịp thời gian lấy chồng. Trang Tử dùng phép thuật quạt giùm mấy cái, tự nhiên mộ khô ráo, cỏ mọc xanh um. Thiếu phụ mừng rỡ, lạy tạ, tặng Trang tử chiếc quạt rồi bỏ đi.

Về nhà, ông thuật cả sự việc cho vợ là Điền thị nghe. Bà xé chiếc quạt và nguyền rủa người đàn bà kia thậm tệ. Ông không nói gì.

Mấy hôm sau đột nhiên Trang tử lăn ra chết. Thây còn đang được quàn trong nhà. Vợ ông khóc lóc kể lể, lúc nào cũng đầm đìa nước mắt. Ðến ngày thứ hai, bỗng có một thanh niên xưng là học trò của Trang Tử ở xa đến thăm thầy, xin điếu tang và ở lại lo việc ma chay cho trọn tình sư đệ.

Điền thị thấy chàng thanh niên đẹp trai, đem lòng yêu mến. Đến nửa đêm, chàng rên rỉ quằn quại kêu đau bụng dữ dội. Điền thị lo sợ, hỏi cách chạy chữa và được biết chỉ cần lấy óc người sống hoặc mới chết chưa quá trăm ngày ngâm rượu uống sẽ khỏi ngay. Thị không ngần ngại lấy búa đập quan tài định bửa sọ chồng làm thuốc cho tình nhân. Nắp quan vừa mở, bỗng thấy Trang tử lồm cồm bò dậy, chàng thanh niên cũng biến đâu mất. Điền thị xấu hổ quá bèn tự tử chết.

Chỉ là một câu chuyện ghi lại trong sách cổ vậy nhưng khi đọc vào, theo thói quen, nhiều người lại cho là thật. Người thì cười mỉa mai cho cái bụng dạ đàn bà, kẻ lại ra vẻ anh hùng bênh vực phái yếu, cao giọng phê phán Trang tử lấy quyền gì mà thử vợ, thử hỏi nếu vợ chết trước, liệu ông ta có chung thủy hay không.

Nhưng dù đưa ra quan điểm nào đi nữa, chúng ta đều thấy đả kích hay bênh vực cũng chỉ là một cách nhìn ra, chỉ thấy cái dở, cái tốt của người, ít khi nhìn lại mình. Người chê trách ắt cũng phải dựa vào đạo lý này, quy tắc kia để luận tội, người bênh vực cũng không khác, mà tất cả những cái ta dùng làm căn cứ đều do con người đặt ra, không có gì là tuyệt đối. Cuối cùng chỉ vì chuyện vu vơ trong thiên hạ mà hơn thua với nhau, chuốc khổ vào thân. Cho nên người viết mượn danh Trang tử với mục đích gì đâu có quan trọng vì cả hai đều khuất bóng đã lâu.



Với một bậc thánh nhân như Trang tử những lời bôi nhọ, xuyên tạc chắc sẽ chẳng làm ông động lòng. Người đặt chuyện nếu có ý xấu cũng khó đạt được mục đích vì nhìn từ bên ngoài tính cách nhân vật quá khác biệt với Trang tử. Thế nên bận lòng phân tích hơn thua chuyện của người đâu bằng ôn cố tri tân, nhân chuyện người mà nhìn lại chính ta. Để thấy it nhất người thiếu phụ quạt mồ cũng rất can đảm. Không chỉ can đảm đương đầu với dư luận, vượt qua hàng rào lễ nghi cực kỳ khắt khe của xã hội mà còn can đảm đối diện với chính mình, dám làm dám chịu. Đồng thời cũng biết giữ chữ tín, trọng lời hứa, không để người thân phải bận lòng. Nếu không đằng nào cũng mang tiếng xấu, cứ lặng lẽ bỏ đi là xong, hơi đâu ngồi làm cái công việc quạt mồ vô vọng ấy. Đó là điều hầu hết chúng ta không dám làm, không làm được.

Thử nhìn lại chính mình, đã không ít lần chúng ta lén lút làm chuyện sai trái, biết sai vẫn làm, nhưng không bao giờ dám nhận, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị phát giác, luôn có sẵn mọi lý do để bào chữa, chạy tội, đổ vạ cho người khác. Như thế vừa dối người vừa không thành thật với chính mình. Đã không thành thật với bản thân thì khó lòng tiến bộ được nếu không nói là mỗi ngày một tệ hơn.

Cá nhân đã vậy, tổ chức cũng không khác. Không ít trường hợp những thành viên nào đó trong một tổ chức dám nêu lên cái sai trái, yếu kém trong nội bộ, ngay lập tức bị chụp ngay cho cái tội “vạch áo cho người xem lưng”. Cái xấu cần phải được giấu kỹ, càng kín càng tốt. Ngoài đời vì lý do này nọ đã đành, Phật giáo là một tôn giáo đề cao sự thật, xem ra việc tránh né còn kỹ càng hơn. Cho nên kẻ biết nhìn lại mình sẽ không bao giờ dám mạnh miệng đả kích thiên hạ.

Nếu dám tự phán xét, thấy bản thân đã từng vướng mắc vào những chuyện này, chuyện nọ, ắt phải hiểu mình còn thua xa thiếu phụ quạt mồ kia, không dám cười người nữa, cố gắng ngày ngày tu sửa, đó là đang đi trên con đường của Phật. Đến bà vợ họ Điền, mới vừa mạnh miệng phê bình thiên hạ, đến lượt mình còn hành xử xấu xa, tệ hại hơn, kể cũng đáng xấu hổ. Nhưng tiếc thay chúng ta ai cũng có chứa một Điền thị trong lòng. Nói đấy rồi cũng phớt lờ đấy. Tôi hứa với vợ hôm nay đi chơi cùng bạn bè nhất định sẽ không uống nữa, sẽ về sớm, nhưng khi vào cuộc chỉ vài lời khích bác đã quên mất hết, uống đến say cũng chưa muốn về. Một chút cám dỗ nhỏ cũng không thể vượt qua huống gì… Rồi khi chứng kiến việc làm của người khác dù ngoài đời hay trong phim ảnh, ta luôn ác cảm với kẻ xấu, với những nhân vật phản diện, luôn nhận ra chỗ sai trái, xấu xa của họ, lúc nào cũng mong họ bị quả báo, phải bị trừng trị đích đáng mới cam lòng. Vậy mà khi quay trở lại với cuộc sống thực của chính mình, ngay lập tức chúng ta vào vai kẻ ác ấy không hề do dự.

Có thể có người cho đây là lập luận bừa, vô căn cứ. Tất nhiên đó là tùy theo nhận định của mỗi người nhưng cuộc sống vẫn luôn hiện hữu, chẳng khó để kiểm chứng lại vấn đề. Không ai có thể chối cãi trước sự thật là rất hiếm để tìm ra một người khi xem phim ảnh lại đồng tình, ủng hộ những nhân vật phản diện, nhưng cũng rất khó để kiếm được người tốt trong cuộc sống. Hầu như ai cũng đã từng đóng vai kẻ xấu, chỉ khác nhau ở chỗ ít hay nhiều lần trong suốt cuộc đời. Tại sao lại có hiện tượng mâu thuẫn như vậy? Còn ghét kẻ xấu có nghĩa còn biết phân biệt, biết xác định vị trí nên đứng của mình. Nhưng hành động lại hoàn toàn trái ngược. Phải chăng chúng ta chỉ sáng suốt khi dòm ngó người khác và không bao giờ chịu nhìn nhận chính mình?

Cho nên con đường tìm về chân lý, tìm về lẽ phải cũng là con đường tìm lại chính mình. Lão tử bảo “PHẢN giả đạo chi động”. Quay về là cái động của Đạo, cũng là cái động của mỗi chúng ta.

***

Tags: ,

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.