Đọc báo Pháp – 16/11/2020
Ấn Độ-Thái Bình Dương, liên minh rộng lớn đối phó với Trung Quốc – Thụy My
Sự đối đầu Mỹ-Trung càng mạnh mẽ với sự tham gia của phe «không liên kết» trong đó có cả Pháp. Ấn Độ-Thái Bình Dương nay có dạng một liên minh «cỡ đại» XXL đối mặt với chủ nghĩa thực dân mới Trung Quốc. Trước liên minh ngày càng rộng lớn ấy, Bắc Kinh hoàn toàn cô độc.
Libération hôm nay đăng ảnh tổng thống Mỹ Donald Trump với lời phàn nàn « Còn hai tháng ! ». « Trump chặn việc chuyển giao cho Biden » là tựa chính của Le Monde. Nhật báo La Croix đặt câu hỏi « Tình hình dân số thế giới đi về đâu ? ». Về thời sự nước Pháp, Les Echos quan tâm đến « Kế hoạch tiêm chủng của chính phủ », còn Le Figaro báo động « Bạo lực chống lại cảnh sát tăng gấp đôi trong 15 năm qua ». Ở trang trong, các đề tài được chú ý nhiều nhất là sự nhập nhằng sau bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, thua thiệt của Armenia ở Thượng Karabakh và đại dịch corona.
« Bộ Tứ » (Quad) đi vào thực chất và mở rộng
Le Monde dành hai trang địa chính trị cho chủ đề « Ấn Độ-Thái Bình Dương, một liên minh XXL trước Trung Quốc ». Bắc Kinh gây lo ngại với các yêu sách lãnh thổ, bộ máy chiến tranh trên biển, chủ nghĩa thực dân mới…Để đối phó, các nhân tố khu vực điều chỉnh lại chiến lược với Đối thoại an ninh trong bộ tứ Mỹ-Ấn-Úc-Nhật.
Trong thời kỳ đại dịch, vào lúc các cuộc họp qua video thay thế nhiều hội nghị thượng đỉnh trên thế giới, việc các ngoại trưởng Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc đích thân đến gặp đồng nhiệm Nhật Bản ở Tokyo ngày 06/10 cho thấy Bộ Tứ (Quad) rõ ràng nhằm gây ấn tượng. Sau cuộc họp này, dù không đầy một tuần nữa là đến bầu cử tổng thống, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn làm một vòng công du châu Á. Trước hết là Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives rồi đến Indonesia và Việt Nam, với câu thần chú : bảo vệ một « Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở ».
PUBLICITÉ
Đọc thêm: Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ tiến triển nhờ…Trung Quốc
Khái niệm « Ấn Độ-Thái Bình Dương » bắt đầu trở thành hiện thực từ cuối những năm 2010, là chủ đề của nhiều cuộc hội thảo, chủ thuyết, hội nghị thượng đỉnh, và dựa vào một loạt những cuộc tập trận. Đầu tháng 11, các chiến hạm và trực thăng của Hải quân Mỹ, Úc, Nhật, Ấn đã tập trận Malabar ở vịnh Bengale, đánh dấu sự quay lại của nước Úc. Từ 17 đến 20/11, hàng không mẫu hạm Nimitz Mỹ và Vikramaditya của Ấn cũng sẽ đồng hành với các chiến hạm Úc, Nhật tại Ấn Độ Dương.
Vượt ra ngoài những sáng kiến của Quad, khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương nay còn bao gồm cả công nghệ, môi trường, nguồn lợi hải sản…và các quốc gia khác. Pháp, sở hữu vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng lớn thứ nhì thế giới, liên kết với tư cách láng giềng, còn Đức vào đầu tháng Chín công bố nghiên cứu coi đây là « chìa khóa của cơ cấu trật tự quốc tế thế kỷ 21 ».
Trong ASEAN, Việt Nam và Indonesia tất nhiên là ứng viên của liên minh không chính thức này. Còn đối với Hoa Kỳ, nếu Joe Biden lên làm tổng thống cũng sẽ không thay đổi chiến lược : phe Dân Chủ đã nhiều lần thông qua các đạo luật chống lại Bắc Kinh trên mọi phương diện.
Tham vọng bá quyền Trung Quốc khiến các nước liên kết lại
Theo chuyên gia Valérie Niquet, sự lo sợ trước chiến lược thống trị toàn cầu của đảng Cộng Sản Trung Quốc siêu độc tài, dân tộc chủ nghĩa và hung hăng đã giúp nhiều nước liên kết lại với nhau. Quan điểm chung : tự do hàng hải và bác bỏ việc dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng.
Tại Biển Đông, Trung Quốc yêu sách phần lớn lãnh thổ dựa trên cái gọi là « quyền lịch sử », muốn đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực và đóng vai ông anh cả châu Á túi rủng rỉnh tiền. Tại Ấn Độ Dương, Trung Quốc dấn lên bằng cách chiếm quyền kiểm soát các hải cảng, xây dựng cơ sở hạ tầng « Con đường tơ lụa ».
Đọc thêm: Úc sẽ tham gia tập trận của “Bộ tứ” nhằm đối phó Trung Quốc
Bắc Kinh lợi dụng hoạt động chống hải tặc để hải quân vốn thiếu kinh nghiệm được thao dượt ở vịnh Aden : từ 2008 đến 2018 có đến 100 tàu chiến và 26.000 lính thủy tham gia, viện cớ bảo vệ lợi ích ở nước ngoài để mở căn cứ quân sự tại Djibouti. Hải quân Trung Quốc nay sở hữu đến 350 chiến hạm trong khi Mỹ chỉ có 300, khiến phương Tây hết sức lo ngại và quyết định siết chặt mạng lưới đồng minh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Sự đối đầu Mỹ-Trung càng mạnh mẽ với sự tham gia của phe « không liên kết » trong đó có Pháp. Ấn Độ-Thái Bình Dương nay có dạng một liên minh « cỡ đại » XXL đối mặt với thực dân mới Trung Quốc tại châu Á và châu Phi. Sáng kiến này được đẩy nhanh cùng với đại dịch corona. Bị chỉ trích là nguyên nhân gây ra thảm họa, Trung Quốc chuyển sang thế tiến công : liên tục tập trận gần Đài Loan, eo biển Miyako, tấn công quân Ấn ở Himalaya. Trận đánh đẫm máu ở Ladakh làm thay đổi hẳn thái độ của Ấn Độ, còn nước Úc sau một thập niên cũng đã nhận ra bộ mặt bành trướng của Bắc Kinh.
Trung Quốc cô độc
Về phía Mỹ, sau chủ trương xoay trục của Obama, dưới thời Donald Trump Ấn Độ-Thái Bình Dương chính thức trở thành « trục chính của chiến lược quốc gia Mỹ ». Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương (US-Pacom) được đổi tên thành US-Indopacom, nhiều tỉ đô la ngân sách được tăng cường cho khu vực này. Các chiến hạm Mỹ thực hiện khoảng 20 hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của các đảo nhỏ bị Trung Quốc chiếm đóng ; Hải quân Mỹ 17 lần đi vào eo biển Đài Loan.
Đọc thêm: Chiến hạm Mỹ lại băng qua eo biển Đài Loan
Theo chuyên gia Úc Rory Medcalf, do ý tưởng Ấn Độ-Thái Bình Dương cạnh tranh với « Con đường tơ lụa », Bắc Kinh nhảy dựng lên tố cáo « chiến tranh lạnh », gọi cuộc tập trận Malabar và Quad tạo thành một « NATO châu Á phục vụ cho tham vọng đế quốc của Mỹ ». Ông Medcalf cũng ghi nhận rằng một sự phối hợp Nhật-Ấn-Úc-Indonesia sẽ đạt được tầm vóc kinh tế, dân số và quân sự đủ để làm đối trọng với Trung Quốc.
Trong mục tiêu ấy, Nhật Bản đưa ra nhiều sáng kiến với Úc, Ấn Độ và cả Việt Nam, Indonesia vì « Nếu Biển Đông trở thành ao nhà của Trung Quốc, thì Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan sẽ không còn lối vào » tuyến đường hàng hải này. Trước liên minh ngày càng rộng lớn ấy, Trung Quốc hoàn toàn cô độc.
Pháp muốn làm láng giềng với không gian Ấn Độ-Thái Bình Dương
Về phía nước Pháp có chủ trương « hội nhập » vào không gian Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trước thách thức bá quyền từ Bắc Kinh, tổng thống Pháp Emmanuel Macron năm 2018 khi thăm Úc đã kêu gọi « một trật tự địa chính trị thật sự mới mẻ ».
Trong không gian này, Pháp đóng vai hàng xóm thay vì người ngoài, là đìểm quan trọng để có thể đối thoại với các đối tác. Paris muốn có vị trí thăng bằng giữa Washington và Bắc Kinh, không muốn trực tiếp tham gia Quad và nhấn mạnh chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương không chỉ đơn giản là về quân sự.
Đọc thêm: Biển Đông : Trung Quốc bám sát chiến hạm Pháp ở Hoàng Sa
Sự phối hợp Pháp-Ấn-Úc trở nên dễ dàng với hai hợp đồng vũ khí lớn : Canberra cam kết hợp tác trong 50 năm, mua 12 tàu ngầm hiện đại của Pháp, tàu ngầm nguyên tử Pháp Emeraude đã thăm Úc, còn Ấn Độ mua 36 chiến đấu cơ Rafale.
Năm 2019 đánh dấu một bước ngoặt : hàng không mẫu hạm Pháp Charles de Gaulle tham gia cuộc tập trận Pháp-Ấn lớn nhất từ trước tới nay tại Ấn Độ Dương, trước khi tập trận chung lần đầu ở vịnh Bengale với khu trục hạm Izumo của Nhật và chiến hạm Úc, Mỹ. Một chiến hạm Pháp cũng đã đi qua Biển Đông, có ghé thăm thành phố Hồ Chí Minh. Thách thức lớn của Paris là thuyết phục cho được các nước châu Âu khác cùng tham gia hoạt động an ninh hàng hải.
Trung Quốc hưởng lợi với RCEP
Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos chú ý đến việc « Bắc Kinh ký kết một hiệp định thương mại quy mô nhất hành tinh ». Đó là RCEP, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và ASEAN, tạo thành một khu vực tự do mậu dịch chiếm 30% dân số thế giới, nhưng không có Hoa Kỳ. Được đưa ra tại Bali năm 2011, hiệp định được ký hôm qua tại Hà Nội. Quá trình đàm phán đôi khi rất vất vả do căng thẳng địa chính trị giữa các đối tác, thậm chí Ấn Độ còn đột ngột rời bàn hội nghị.
Theo nhà nghiên cứu Alex Capri ở Singapore, RCEP là biểu tượng mạnh mẽ vào lúc kinh tế thế giới suy sụp. Trung Quốc là một trong những nước được lợi nhiều nhất : trong bối cảnh xuất khẩu đang sụt giảm vì thương chiến với Mỹ, lại có thể đa dạng hóa thị trường.
Vui mừng vì Washington không tham gia, Bắc Kinh đã có một số nhượng bộ về thuế để đẩy nhanh việc ký kết, và thuyết phục được ASEAN không đưa vào các quy định mang tính « chính trị » về môi trường, tiêu chí xã hội, công ty nhà nước. Tuy RCEP là một hiệp định kiểu cũ, nhưng cũng sẽ thúc đẩy việc hội nhập kinh tế của châu Á, thu hút các doanh nghiệp Âu Mỹ đến làm ăn.
Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng về nhân quyền, Le Monde nói đến « Tân Cương, những vòng dây kẽm gai trên Con đường tơ lụa » : người Duy Ngô Nhĩ tại đây bị đô hộ, Hán hóa, đàn áp.
Bắc Kinh mừng rỡ vì mất đi kẻ thù nguy hiểm Donald Trump
Về quan hệ Mỹ-Trung, Les Echos có bài phân tích của tác giả Dominique Moisi, cho rằng Trung Quốc đã mất đi kẻ thù Donald Trump, nhưng là một kẻ thù hữu dụng.
Tác giả dẫn lời một nhà phân tích Trung Quốc cho biết các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã thở phào nhẹ nhõm trước thông tin ông Biden chiến thắng, tuy nhiên vẫn lo lắng về tình hình trước mắt và không ảo tưởng trong trung và dài hạn.
Tính cách khó đoán định của tổng thống Trump lâu nay gây rất nhiều khó khăn cho Bắc Kinh, và trong thời gian hơn 60 ngày trước khi tân tổng thống nhậm chức, liệu Donald Trump có thể làm những gì nữa để gây thiệt hại không thể hồi phục cho quan hệ Mỹ-Trung ? Những người thân cận của ông Trump toàn là « đại diều hâu » Cộng Hòa, có thể tạo ra những việc đã rồi để Biden không còn đường quay lại.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng hiểu rằng phạm vi hành động của Joe Biden rất hẹp. Đối với phe Cộng Hòa, Trung Quốc là mối đe dọa số 1, ngược lại với đảng Dân Chủ, Trung Quốc thậm chí không nằm trong bảy mối đe dọa hàng đầu. Tuy nhiên nước Mỹ đang chia rẽ và chiến thắng của Biden chỉ trong đường tơ kẽ tóc. Mọi cố gắng xích lại gần Bắc Kinh của phe Dân Chủ sẽ bị Cộng Hòa tố cáo là phản bội và đa số người dân Mỹ cũng có thể tin như thế.
Bầu cử Mỹ : Trump không dễ nhìn nhận thất bại
Liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thông tín viên của Les Echos tại New York nói về « Con đường dài dằng dặc của ông Trump hướng đến việc nhìn nhận thất bại ».
Hôm qua tổng thống Donald Trump viết trên Twitter « Ông ta thắng nhờ bầu cử gian lận ». Do bị các nhà báo coi đây là lần đầu tiên nhìn nhận thất bại, ông Trump sau đó đã phản công, cũng bằng một tweet : « Ông ta chỉ thắng dưới mắt truyền thông FAKE NEWS mà thôi. Tôi KHÔNG HỀ nhượng bộ ! Vẫn còn một đoạn đường dài phải vượt qua ».
Tương tự, Le Figaro nhận xét tổng thống Mỹ, cảm thấy ấm lòng với sự biểu dương lực lượng của cả trăm ngàn người hâm mộ hôm thứ Bảy 14/11, không ngừng tố cáo bầu cử gian lận. Tờ báo cũng có bài phóng sự về mạng lưới fan luôn trung thành với Donald Trump ở Pennsylvania.
Libération dành bốn trang báo cho cuộc biểu tình lớn của những người ủng hộ tổng thống Donald Trump, cuộc thanh trừng ở Washington…Trả lời phỏng vấn tờ báo cánh tả Pháp, giáo sư Lawrence Douglas, tác giả cuốn « Will He Go ? » (Ông ấy có ra đi không ?) dự đoán ông Trump rốt cuộc sẽ rời Nhà Trắng nhưng luôn nhấn mạnh ông đã bị cướp đoạt mất chiến thắng.
Tin tổng hợp
(AFP) – Tổng thống Pháp tiếp ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Trên đường đi g đi qua 7 nước châu Âu và Trung Đông, ngoại trưởng Mỹ đến Paris, chặng đầu tiên. Các cuộc tiếp kiến, theo đề nghị của ngoai trưởng Mỹ, tại điện Elysée cũng như tại Quai D’Orsay vào chiều nay sẽ không được tiết lộ trong bối cảnh Nhà Trắng chưa công nhận chiến thắng của Joe Biden trong khi Paris đã chúc mừng tổng thống đắc cử. Trong số các hồ sơ gây căng thẳng là Afghanistan, Irak. Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian cho biết trước là sẽ phản đối quyết định của Donald Trump tăng tốc triệt thoái ở Afghanistan, Irak trước ngày 20/01/2021.
(AFP) – Bắc Triều Tiên : Kim phê bình Trung Ương Đảng vô trách nhiệm.
Theo bản tin của KCNA được Yonhap trích dẫn, hôm chủ nhật, khi chủ trì cuộc họp của Bộ Chính Trị đảng Lao Động sau 25 ngày vắng mặt, lãnh đạo Kim Jong Un một mặt kêu gọi « khẩn cấp chống Covid-19 », phân công rõ ràng « vai trò của Đảng, của quân đội và kinh tế » tăng cường mặt trận y tế. Điểm đặc biệt là chủ tịch Kim Jong Un đã phê bình kịch liệt chi bộ đảng Lao Động trong đại học y khoa Kim Nhật Thành « phạm tội ác nghiêm trọng » cũng như nhiều cơ quan trong đó có Trung Ương Đảng « thiếu trách nhiệm và bổn phận nghiêm trọng ». Không rõ những đối tượng này phạm tội gì, KCNA không cho biết.
(AFP) – Mỹ – Nhật đưa người lên Trạm không gian không nhờ vào tên lửa Nga.
Hôm nay, 16/11/2020, ba phi hành gia Mỹ và một Nhật Bản trên đường phóng lên trạm không gian quốc tế ISS, với tên lửa đẩy của công ty SpaceX. Đây là lần đầu tiên Nasa sử dụng một phương tiện khác ngoài tên lửa Nga, từ 9 năm nay. Tầng 1 của tên lửa nhanh chóng tách khỏi hỏa tiễn để trở về Trái đất an toàn. Công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk đã thành công trong công nghệ điều khiển tầng 1 tên lửa đẩy trở về trước đó. Đây là lần đầu tiên tên lửa Falcon 9 chính thức được dùng để đưa người lên Trạm ISS.
(AFP) -Thế Vận Hội Tokyo-2021 : Chủ tịch Ủy CIO lạc quan.
Tiếp theo cuộc hội kiến với thủ tướng Yoshihide Suga vào hôm nay 16/11/2020, chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế Thomas Bach khen ngợi nỗ lực chống dịch Covid của Nhật Bản và tuyên bố « rất tin tưởng » giới hâm mộ sẽ tham dự đông đảo đại hội thế thao vào mùa hè tới đây. Chuyến viếng thăm Tokyo của Thomas Bach nhằm thuyết phục giới vận động viên quốc tế, dân chúng Nhật và các nhà tài trợ tin tưởng là Thế Vận Hội sẽ diễn ra vào tháng 7/2021 sau khi bị dời một năm vì đại dịch Covid.
(AFP) – Thủ tướng Anh Boris Johnson tự cách ly do tiếp xúc với một ca nhiễm Covid-19.
Thông cáo được đưa ra ngày 15/11/2020 không nói rõ ông Johnson sẽ phải cách ly bao lâu nhưng cho biết ông này « mạnh khỏe » và « không có triệu chứng » Covid-19. Với gần 52.000 bệnh nhân tử vong, Anh Quốc là nơi bị nặng nhất tại châu Âu. Bản thân thủ tướng Anh từng phải nhập viện vì nhiễm virus corona.
(AFP) – Thủ tướng Armenia kêu gọi đối lập ngừng « gieo rắc thêm bạo động ».
Sau khi tố cáo đối lập âm mưu ám sát ông, Nikol Pachinian ngày 16/11/2020 kêu gọi các thành phần chống đối « ngừng xúi giục bạo động ». Kể từ khi lệnh ngừng bắn tại Thượng Karabakh được thông báo, đối lập Armenia xem đây là một sự sỉ nhục và quy trách nhiệm cho thủ tướng Pachinian về thất bại ê chề này. Tại hiện trường, Armenia có thêm 10 ngày để rút khỏi Kalbajar sát cạnh Thượng Karabakh. Thể theo tinh thần hiệp định ngừng bắn được Nga hỗ trợ, trên nguyên tắc đến ngày 25/11/2020 quân đội Armenia phải rút khỏi toàn bộ khu vực thuộc quyền kiểm soát của Azerbaijan.
(AFP) – Paris bắt đầu mở phiên xét xử thủ phạm vụ khủng bố hụt hồi mùa hè 2015.
Phiên xử đầu tiên mở ra vào sáng nay 16/11/2020 xét xử nghi can trong vụ tấn công hụt hôm 21/08/2015 trên xe lửa Thalys đi từ Bruxelles đến Paris. Hung thủ mang đầy súng ông và chuẩn bị ra tay. May mắn thay ba hành khách người Mỹ đã kịp thời ngăn cản.
(AFP) – Thêm một hãng dược phẩm Mỹ thông báo có vac-xin chống Covid-19 hiệu quả hơn 90 %.
Sau Pfizer đến lược tập đoàn Moderna ngày 16/11/2020 thông báo thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm đợt cuối và có hiệu quả ở mức độ 94,5 %. Moderna dự trù sản xuất 20 triệu liều từ nay đến cuối năm 2020.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201116-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới 16/11:
Ông Trump sẽ giải quyết vụ bầu cử theo
cách chưa từng có;
‘Biden chỉ thắng trong mắt truyền thông giả’
Lục Du
DKN xin gửi tới quý độc giả mục Điểm tin thế giới ngày 16/11.
Thủ tướng Anh tiếp xúc người nhiễm Covid. Hiện ông Boris Johnson đang tự cách ly sau khi thảo luận trong khoảng 35 phút với một nhóm nghị sĩ, trong đó có nghị viên Lee Anderson, người có kết quả dương tính với viêm phổi Vũ Hán sau cuộc tiếp xúc này, Downing Street cho biết thông tin hôm Chủ nhật (15/11), nói rằng ông Boris vẫn đang ở trạng thái sức khỏe tốt, The Guardian đưa tin.
Người Belarus tiếp tục biểu tình. Hôm Chủ nhật (15/11) họ xuống đường phản đối Tổng thống Alexander Lukashenko, trong đó có nhiều người hô lớn “Tôi đang đi ra ngoài” để chống lại cáo buộc của chính quyền rằng họ tụ tập bất hợp pháp gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên vẫn có hàng trăm người bị bắt. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay, đạn cao su và lựu đạn gây choáng để giải tán đám đông yêu cầu ông Lukashenko phải từ chức sau khi gian lận bầu cử hồi tháng 8, theo Reuters.
ByteDance có thêm thời gian xử lý vụ TikTok. Theo đó, chính quyền Trump cho phép công ty công nghệ Trung Quốc có thêm 15 ngày, tính từ thứ Năm (12/11), để thu xếp việc bán ứng dụng video bị nghi ngờ thu thập thông tin tình báo cho Bắc Kinh. TikTok tiết lộ thông tin này trong một đơn gửi lên tòa, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã xác nhận việc gia hạn, theo Epoch Times.
Ông Trump sẽ giải quyết vụ bầu cử theo cách chưa từng có. Đó là dự đoán của giáo sư Luật Harvard Alan Dershowitz. Ông cho rằng, Tổng thống Trump sẽ không tìm cách để đạt được 270 phiếu mà sẽ khiến cuộc bầu cử được phân xử bởi Hạ viện vì số nghị viên đảng Cộng hòa ở đây chiếm ưu thế so với số nghị viên Dân chủ, theo Epoch Times.
Ivanka lên án truyền thông cánh tả. Con gái lớn của Tổng thống Trump hôm Chủ nhật (15/11) nói rằng nhiều hãng truyền thông ủng hộ phe Dân chủ đã sử dụng tiêu chuẩn kép trong cách đưa tin, trong khi lảng tránh việc phản ánh các hành vi bạo lực của các nhóm biểu tình thiên tả thì lại cố gắng khiến công chúng hiểu rằng người biểu tình ủng hộ cha cô là hung hăng, theo Fox News.
“Biden chỉ thắng trong mắt truyền thông giả“. Đó là điều Tổng thống Trump viết trên Twitter hôm Chủ nhật (15/11). Ông cho biết thêm rằng “Tôi không thừa nhận gì cả! Chúng ta còn một chặng đường dài phải đi. Đây là một cuộc bầu cử bị gian lận!” (Chi tiết).
Dominion dùng linh kiện Trung Quốc. Giám đốc của Dominion đã thừa nhận điều này trong phiên điều trần về an ninh bầu cử tại Nghị viện Hoa Kỳ. Domino là nhà cung cấp hệ thống kiểm phiếu cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, theo Twitter của Tổng thống Trump ngày 14/11. Đã có nhiều bằng chứng chỉ ra hệ thống Dominio chuyển phiếu bầu cho ứng viên Biden. Ông Trump nói rằng ông đã mất 2,7 triệu phiếu vì hệ thống của Dominio.
Bằng chứng gian lận bầu cử “bom tấn” sắp kích hoạt. Cựu công tố viên Sidney Powell, thành viên đội pháp lý của Tổng thống Trump, tiết lộ hôm thứ Sáu (13/11) rằng đội của bà đang có trong tay một núi bằng chứng gian lận bầu cử. Bà cho biết sẽ “tung át chủ bài” để vạch trần từng thực thể tham gia vào các hành vi gian lận phiếu bầu, bao gồm trong đó các công ty truyền thông và công nghệ cao (Chi tiết).
Biden là phiên bản 2.0 của Obama. Đây là phát biểu của chuyên gia Quách Dục Nhân. Ông Quách cho rằng nếu ông Biden thắng cử thì chính quyền của ông ta sẽ quay trở lại phong cách lãnh đạo của cựu Tổng thống Obama, và như vậy quan hệ Mỹ – Đài sẽ phát triển theo chiều hướng xấu đi, nên Đài Loan đừng vội lạc quan (Chi tiết).
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-16-11.html
Tạp chí Việt Nam
Việt Nam : Giảm tình trạng thiếu điện
quốc gia từ tiết kiệm trong dân
Thu Hằng
Từ 2021, mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hàng tỉ kWh điện. Cơ sở hạ tầng vừa thiếu vừa yếu, đặc biệt là tình trạng thiếu năng lượng, sẽ tác động đến sản xuất trong nước và có thể kìm hãm nguồn đầu tư nước ngoài trong khi Việt Nam được cho là một trong những điểm đến hấp dẫn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
QUẢNG CÁO
Tình trạng này đã được bộ Công Thương xác nhận với Reuters ngày 29/07/2019 và tiếp tục được các cơ quan truyền thông trong nước phản ánh trong những tháng cuối năm 2020. Việt Nam có nguy cơ thiếu 6,6 tỉ kWh vào năm 2021, 11,8 tỉ kWh vào năm 2022 và 15 tỉ kWh vào năm 2023.
Trước hết, Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt điện, chiếm đến đến 38,1% tổng sản lượng điện. Thế nhưng, ngoài vấn đề ô nhiễm môi trường, các nhà máy nhiệt điện không có đủ nguồn than, theo thẩm định phải nhập thêm 680 triệu tấn than từ 2016 đến 2030 để bổ sung cho 720 triệu tấn than trong nước được sử dụng hàng năm.
Nguyên nhân thứ hai là 47 trên tổng số 62 dự án điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (2011-2020) bị chậm tiến độ, ít nhất là hai năm, do nhiều lý do : kêu gọi vốn, quy hoạch cơ sở hạ tầng… Khoảng 260 doanh nghiệp đăng ký các dự án về năng lượng tái tạo chưa thể triển khai do những vướng mắc trong Luật Quy hoạch. Theo thẩm định năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần đầu tư đến 150 tỉ đô la cho đến năm 2030, tăng gần gấp đôi so với mức 80 tỉ đô la đầu tư vào lĩnh vực điện từ năm 2010.
Để tạm giải quyết tình trạng thiếu hụt trước mắt, Việt Nam dự kiến mua điện từ Trung Quốc và Lào : 3,6 tỉ kWh năm 2021 và 9 tỉ kWh năm 2023, theo cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phương Hoàng Kim, được trang VnExpress trích dẫn tháng 07/2019.
PUBLICITÉ
Về lâu dài, Việt Nam đưa ra Chiến lược Phát triển Năng lượng Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo nghị quyết N°55-NQ/TW được Bộ Chính Trị công bố ngày 11/02/2020. Chiến lược này tập trung vào năng lượng tái tạo, khí tự nhiên, tiết kiệm năng lượng và lưu trữ năng lượng có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư tư nhân.
Kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo đã cho những kết quả khả quan. Theo trang Nhân Dân điện tử ngày 31/10/2020, đến cuối tháng 08/2020, tổng sản lượng của năng lượng gió và mặt trời là khoảng 23.000 MW (điện mặt trời là khoảng 11.200 MW và điện gió khoảng 11.800 MW). Việt Nam đã tiến hành 102 dự án năng lượng mặt trời tính đến tháng 10/2020.
Ngoài ra, ngày 28/10, Việt Nam đã ký với ba tập đoàn Mỹ Delta Offshore Energy, Bechtel Corporation, General Electric và McDermott, một thỏa thuận phát triển dự án điện từ khí hóa lỏng Bạc Liêu với tổng trị giá hơn 3 tỉ đô la. Theo trang Vneconomy, dự án này sẽ cung cấp 3.200 MW điện cho tỉnh Bạc Liêu và Việt Nam, có thể tạo ra hơn 20 TWh điện hàng năm, giúp giải quyết nhu cầu năng lượng sạch, ổn định với giá cả cạnh tranh.
Cuối cùng, ngoài những giải pháp mang tính vĩ mô, một biện pháp thiết thực trước mắt giúp giải quyết tình trạng thiếu điện là toàn dân tiết kiệm điện. Ngoài kêu gọi, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ra Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07/05/2020 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025.
Để hiểu rõ hơn về giải pháp này, RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà, chuyên gia hệ thống điện, đang làm việc tại tập đoàn Schneider Electric, Grenoble (Pháp).
RFI : Thưa chị Thu Hà, trước tình trạng thiếu điện tại Việt Nam, ngoài những giải pháp mang tính vĩ mô, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi tiết kiệm điện để có nguồn bền vững, lâu dài. Xin chị giải thích là những hình thức nào được coi là sử dụng điện lãng phí ?
TS. Thu Hà : Với sự phát triển của Việt Nam hiện nay, phần lớn người dân sống ở độ thị rất hiếm khi bị cắt điện. Khi nhìn xung quanh, tất cả các thiết bị xung quanh đang được bật, TV, các thiết bị điện tử, đèn, điều hòa, quạt, bếp…, chúng ta có thực sự cần dùng đến chúng lúc này không ? Đã bao giờ chúng ta từng mở cửa sổ cho thoáng mà quên tắt điều hòa chưa ? Một máy điều hòa tiêu thụ 3 số điện/giờ. Nếu để mở cửa sổ thì mỗi giờ 2 số điện được dùng để thổi mát ra ngoài trời.
Những ví dụ như thế này hẳn là nhiều lắm. Có điều từ lúc chúng ta quên tắt điều hòa đến lúc phải trả hóa đơn điện là khá lâu. Nên đa phần cuối tháng chúng ta chỉ kêu « sao tháng này tiền điện nhiều thế ! » rồi sau đó lại quên tiếp. Cho nên, có thể nói hình thức lãng phí đầu tiên là ở cách sử dụng điện, khi chúng ta tiêu thụ điện năng để… không để làm gì ! Hình thức lãng phí điện đầu tiên là do ý thức của người sử dụng.
Một hình thức lãng phí thứ hai là sử dụng thiết bị có hiệu năng kém. Ở châu Âu, một trong những tiêu chí cơ bản khi người dân chọn thiết bị điện, đó là tiêu chí hiệu năng, thiết bị tiêu thụ điện chất lượng A, A+ A++. Đó là những tiêu chí xếp hạng về mức tiêu thụ điện năng ít cho công năng cao. Những thiết bị ghi hiệu năng B, C, D là hoàn toàn bị hạn chế lưu hành. Vì vậy, tổn thất trong thiết bị cũng là một vấn đề mà các nhà sản xuất đặc biệt lưu ý cho đến hiện nay. Ngoài các thiết bị tăng tiêu chí hiệu năng, người ta còn nghiên cứu tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đóng và tắt một cách dễ dàng.
Cuối cùng là tổn thất điện trong hệ thống lưới cũ. Ở Việt Nam, một bộ phận cáp điện đã được chôn ngầm, trong khi vẫn còn rất nhiều nơi có mạng lưới cột điện chằng chịt. Những tổn thất ở trên lưới là điều hoàn toàn có thể tránh nếu hệ thống đó được cải tạo. Hiện có thể thấy ở nhiều đô thị, đường điện hoàn toàn được chôn ngầm và chất lượng sử dụng của lưới được cải thiện.
RFI : Liệu lời kêu gọi tiết kiệm điện này có khả thi ở Việt Nam không ?
TS. Thu Hà : Theo tôi biết, những biện pháp tiết kiệm điện, rồi những chiến dịch tuyên truyền tiết kiệm điện, đa phần mọi người đều biết hết. Có điều là khi chuyển từ đèn sợi đốt sang đèn LED trong chiếu sáng thì dùng cả ngày không hết 1 số điện, nên việc tắt đèn hay không tắt đèn đối với người dân, khi sử dụng đèn LED, thì thấy là « cũng chẳng đáng bao nhiêu ». Nhưng khi tăng điều hòa từ 19° lên 22°, người dùng thậm chí sẽ không cảm nhận được sự thay đổi nhiệt độ, nhưng lại có thể giảm được đến 30% hóa đơn tiền điện.
Vì thế, chỉ riêng chuyện người sử dụng để ý hơn đến việc sử dụng một cách hợp lý và chỉ dùng khi cần, thì có thể hoàn toàn tiết kiệm đáng kể mức độ tiêu thụ điện trong dân, cũng như trong các cơ sở sản xuất kinh doanh.
RFI : Chị tham gia nhiều dự án sử dụng điện thông minh tại Pháp và một số nước khác. Sử dụng điện thông minh được hiểu và được thực hiện như thế nào ? Những biện pháp này có thể áp dụng được ở Việt Nam không ?
TS. Thu Hà : Muốn sử dụng điện hợp lý và hiệu quả, trước tiên chúng ta phải biết chúng ta phải biết chúng ta đang tiêu thụ như thế nào, phân tích xem chỗ nào chưa hợp lý và sau đó đưa ra điều chỉnh thích hợp.
Chỉ riêng việc chúng ta biết đang dùng như thế nào thì đã có thể tối ưu hóa được việc sử dụng. Nguyên tắc này có thể áp dụng ở bất cứ cho hệ thống nào : từ hộ tiêu thụ gia đình, đến cơ sở kinh doanh, tòa nhà, nhà máy, khu đô thị … cho đến hệ thống cung cấp điện thành phố hay của vùng.
Một hệ thống sử dụng điện thông minh chính là hệ thống có sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện nguyên tắc này một cách hoàn toàn tự động. Tất nhiên đối với hộ gia đình thì đây là vấn đề đơn giản. Ví dụ ở châu Âu, các nhà riêng được trang bị đồng hồ (compteur) điện thông minh. Mức độ tiêu thụ điện của mỗi gia đình được cập nhật và đưa thông tin lên những trang web mà người dân có thể kiểm tra mức độ tiêu thụ theo thời gian thực.
Đối với những hệ thống lớn như một tòa nhà, một nhà máy hay một đô thị, thành phố, thì không thể cử người theo dõi liên tục đồng hồ đó, cho nên họ sử dụng một hệ thống sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để theo dõi tự động. Đó chính là điện thông minh, bao gồm ba cơ sở chính. Thứ nhất là thu thập thông tin thông qua các cảm biến theo thời gian thực về mức độ tiêu thụ, nhiệt độ môi trường. Sau đó là tổng hợp phân tích dữ liệu nhờ những công nghệ hiện đại về phân tích, về thuật toán để đưa ra những quyết định điều khiển thiết bị một cách hợp lý nhất, hiệu quả nhất. Cuối cùng là điều khiển tự động.
Hiện nay, mô hình sử dụng điện thông minh mới xuất hiện rất nhiều trong các khu đô thị cao cấp ở Việt Nam. Mô hình này chưa thực sự phổ biến ở châu Âu hay nhiều nơi trên thế giới. Thực ra, mô hình này mới được phát triển một cách khá mạnh mẽ trong vòng 5 năm gần đây và người ta vẫn đang tìm những mô hình để số hóa hệ thống, điều khiển sao cho hợp lý. Bởi vì, chúng ta cần biết là với những điều kiện về môi trường, phát triển bền vừng hiện nay, rất khó để phát triển những đường dây mới, những nhà máy mới, cho nên phát triển điện thông minh là một trong những xu hướng rất cần thiết trong tương lai.
RFI : Ngoài tiết kiệm điện, còn có những biện pháp nào khác được cho là thực hiện khả quan trước mắt ?
TS. Thu Hà : Tiết kiệm điện đầu tiên là có lợi cho người tiêu dùng. Như tôi đã nói ở trên, tiết kiệm điện là chỉ cần sử dụng hợp lý mà vẫn không ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt. Nhưng quan trọng hơn, tiết kiệm điện nói riêng và năng lượng nói chung là nền tảng của sự phát triển bền vững.
Để sản xuất ra 1 đơn vị điện năng thì cần đến 4 đơn vị năng lượng đầu vào như than đá, dầu khí… Vậy mỗi đơn vị điện năng không tiêu thụ đúng cách đồng nghĩa với việc lãng phí 4 đơn vị năng lượng được dự trữ cho phát triển tương lai. Cho nên tiết kiệm điện là điều tiên quyết, cơ bản, cần thiết cho phát triển bền vững. Đây là xu hướng phát triển chung của toàn thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Ngoài tiết kiệm điện, cần phải nói đến xu thế chuyển dịch dần sang sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Xu thế này không còn ở mức nghiên cứu mà ở mức độ triển khai và ngày càng phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam cũng có rất nhiều dự phát năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên, xu thế hiện nay khác với xu thế thời kỳ đầu là phát triển những trang trại năng lượng mặt trời với quy mô lớn. Xu thế trong tương lai có lẽ sẽ hướng tới những quy mô nhỏ hơn và kết hợp với công nghệ lưới điện thông minh nhằm sử dụng hợp lý năng lượng sẵn có tại chỗ để giảm tải cho lưới điện quốc gia.
Cụ thể tại nhiều khu đô thị có những tòa nhà có thể lắp pin mặt trời tạo nên những nguồn năng lượng tại chỗ. Sử dụng những nguồn năng lượng tại chỗ đó, trực tiếp cho khu đô thị đó thông qua điện thông minh, kết hợp sử dụng điện hợp lý trong phạm vi khu vực đó, sẽ làm giảm nhu cầu lấy điện từ lưới, nhờ vậy sẽ giảm sức ép cho lưới điện quốc gia và sẽ làm giảm nguy cơ thiếu điện trên phạm vi cả nước. Đây là xu thế trong tương lai gần trong việc phát triển hệ thống điện.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà, chuyên gia hệ thống điện tại tập đoàn Schneider Electric, Grenoble (Pháp).
0 nhận xét