Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Bản tin ngày 24-8-2020

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020 17:48 // ,

BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Facebooker Phạm Thắng Nam đưa tin: Khoảng 5h sáng nay, “tàu hải cảnh TQ Zhongguo Haijing 5204’ lại rời vùng biển phía nam Bãi Tư Chính, thâm nhập trái phép vào lô khai thác dầu khí 06.01 của VN. Trên đường đến lô 06.01, tàu luôn thay đổi tốc độ di chuyển 2, 6, 9 knots”. Theo ông Nam, đây đã là lần thứ 3 tàu này thâm nhập vào lô khai thác dầu khí 06.01 của VN
Vị trí của tàu hải cảnh TQ Zhongguo Haijing 5204 vào thời điểm 11h38’ hôm nay 24/8/2020, giờ VN. Ảnh: FB Phạm Thắng Nam
Vụ TQ sắp tập trận ở Biển Đông mà trước đó nhà báo Đặng Sơn Duân đưa tin, báo Thanh Niên cập nhật: Trung Quốc tập trận dồn dập ở Biển Đông. Tin cho biết, TQ sắp tiến hành không chỉ một mà đến hai cuộc tập trận ở Biển Đông ngay trong tuần cuối tháng 8.
Cuộc tập trận mà trước đó ông Đặng Sơn Duân và ông Phạm Thắng Nam đã đưa tin là cuộc tập trận do Cục Hải sự Hải Nam thông báo, địa điểm là khu vực ở góc Đông Nam của đảo Hải Nam có dính đến quần đảo Hoàng Sa, thời gian dự kiến từ nửa đêm nay tới ngày 28/8
Còn cuộc tập trận thứ hai mới được Cục Hải sự Quảng Đông thông báo, dự kiến diễn ra từ nửa đêm nay đến 24h ngày 29/8. “Thông báo nêu 4 tọa độ giới hạn khu vực tập trận và cấm tàu bè vào đó. Các tọa độ cho thấy khu vực tập trận nằm ở phía bắc Biển Đông gần tỉnh Quảng Đông”.
Trước tình hình TQ tổ chức 2 cuộc tập trận ở Biển Đông chỉ trong tuần cuối tháng 8, báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Liên tiếp tập trận trên biển, Trung Quốc đang muốn gì? ThS Nguyễn Thế Phương, từ Trung tâm Nghiên cứu quốc tế SCIS, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP HCM nhận định:
“Nếu đặt trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ở Biển Đông gia tăng nhanh chóng trong thời gian vừa qua, tần suất tổ chức tập trận liên tục của Trung Quốc như chúng ta thấy rất đáng lo ngại”Ông Phương nhận định, “trong bối cảnh căng thẳng và đại dịch hiện nay, Trung Quốc có đủ sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu cần thiết để chống lại bất kỳ sức ép hay hành động gây hấn nào”.
Quan hệ Việt – Trung
Sáng hôm qua 23/8, tại khu vực cầu Bắc Luân II ở cửa khẩu quốc tế Móng Cái – Đông Hưng, Bộ trưởng ngoại giao VN Phạm Bình Minh và người đồng cấp TQ Vương Nghị cùng chủ trì lễ kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp ước biên giới đất liền và 10 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền VN – TQ. Các quan chức Việt Nam, Trung Quốc nhấn mạnh việc đưa quan hệ đối tác chiến lược đi vào chiều sâu, báo Tuổi Trẻ đưa tin. 
Trong buổi lễ, Bộ trưởng Minh phát biểu: “Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một hết sức coi trọng việc duy trì quan hệ láng giềng hữu nghị, sẵn sàng cùng Trung Quốc đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc đi vào chiều sâu”. Một lần nữa, ông Phạm Bình Minh và các đồng đảng của ông ta lại nhét chữ vào mồm dân, đặt chế độ của ông ta cao hơn quyền lợi của dân tộc, trong tình hình chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông bị Trung Quốc lăm le.
Báo Thế Giới và VN có bài tổng hợp ảnh ghi lại các hoạt động Kỷ niệm 20 năm Việt Nam-Trung Quốc ký Hiệp ước Biên giới trên đất liền qua ảnh. Trong các ảnh có tấm hình khá “tình tứ” giữa Vương Nghị và Phạm Bình Minh, hai người làm động tác gập tay và để cùi chỏ tay trái người này chạm cùi chỏ tay phải người kia, ông Minh cười tươi. Không lẽ Phạm Bình Minh không biết gì về các hành động thách thức chủ quyền VN mà TQ thường xuyên thực hiện ở Biển Đông, gồm hai cuộc tập trận cuối tháng 8/2020?
Bộ trưởng VN Ngoại giao Phạm Bình Minh làm động tác “tình tứ” với Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị tại lễ kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước Biên giới và 10 năm triển khai văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền VN – TQ. Ảnh: TG&VN
Facebooker Phạm Minh Vũ viết: Vui trên nỗi đau của Dân tộc! Cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch từng thể hiện thái độ chống TQ, nhưng “con Trai Nguyễn Cơ Thạch lại vui mừng, niềm nở tỏ ra rất thân mật với kẻ thù của Việt Nam. Không những chiếm đất của ta, TQ cướp luôn 2 Quần đảo Hoàng Trường Sa, hàng ngày bắn giết ngư dân của ta, cướp ngư cụ, tài sản những ngư dân được mệnh danh là ‘những cột mốc sống chủ quyền trên biển’. Minh vui mừng gì trên máu đồng bào chết dưới tay bọn Bắc Kinh trong trận Biên giới 1979? Minh vui mừng gì với kẻ đã lấy máu các chiến sĩ Gạc Ma 1988?” 
Về vấn đề tại sao TQ sắp tập trận ở Biển Đông mà Bộ trưởng Minh vẫn có thể “tình tứ” với Nghị, trang Sputnik có bài giải thích kết hợp tuyên truyền về sự kiện quân PLA dồn dập tập trận ở Biển Đông: Trung Quốc muốn đe dọa Việt Nam?
Bài viết dẫn lời GS Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, ĐH New South Wales, cho rằng “cuộc tập trận của Trung Quốc chủ yếu là lời đáp trả dành cho các cuộc tập trận của hải quân Mỹ ở biển Philippines và Biển Đông” và “cuộc gặp giữa Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ được Trung Quốc sử dụng như màn đáp trả Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo”.
Nghĩa là, lãnh đạo CSVN chấp nhận để TQ tập trận mà không phản đối chỉ vì cuộc tập trận đó nhắm vào Mỹ! Cho dù chuyện tập trận đe dọa chủ quyền lãnh hải VN, nhưng không đe dọa chế độ cầm quyền đảng trị, nên lãnh đạo CSVN cho qua! Thậm chí hạng quan chức như Phạm Bình Minh còn ủng hộ và tay bắt mặt mừng với Vương Nghị, để TQ có thể ngầm nói với Mỹ, nếu Washington có Manila thì Bắc Kinh có Hà Nội?!
Tin giáo dục
Diễn biến mới vụ bê bối đổi tiền lấy “thành tích” nghiên cứu khoa học ở ĐH Tôn Đức Thắng: Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng bị tạm đình chỉ công tác 3 tháng, VTC đưa tin. Quyết định đình chỉ nói trên được ký từ ngày 21/8 và dự kiến ngày mai 25/8 sẽ công bố.
Hiệu trưởng Lê Vinh Danh của ĐH Tôn Đức Thắng bị đình chỉ công tác để kiểm điểm, xem xét kỷ luật trách nhiệm do có các khuyết điểm, vi phạm theo kết luận của Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP HCM, thời hạn đình chỉ công tác đối với ông Danh là 90 ngày, kể từ ngày ký. Trước đó, Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cũng đã quyết định giao TS Trần Trọng Đạo, Phó hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng nhiệm kỳ 2014-2019 tạm quản lý, điều hành các hoạt động của trường này trong thời gian tạm đình chỉ đối với ông Lê Vinh Danh.
Ông Lê Vinh Danh, hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng đã bị đình chỉ. Ảnh: VNN
Báo Thanh Niên là một trong các tờ báo đầu tiên vạch trần thủ đoạn của ĐH Tôn Đức Thắng với bài: Chiêu trò để trường đại học được xếp hạng quốc tế. Sáng nay, Thanh Niên có thêm bài: Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Dán nhãn mác giả trong công bố khoa học. Bài báo chỉ ra, “việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng trả tiền cho các cán bộ không phải của trường để họ ghi vào trong công bố khoa học của họ địa chỉ tác giả ở trường này chẳng khác gì mua hàng ở Trung Quốc về rồi gắn mác Việt Nam”.
Theo báo Thanh Niên, ĐH Tôn Đức Thắng không chỉ mua nghiên cứu của các tác giả trong nước, mà trả tiền để thu nhặt các công bố có tác giả ở nước ngoài rồi… ghi địa chỉ ở trường này. “Hầu hết các tác giả nước ngoài đều đang làm việc ở các nước Bắc Phi, Ả Rập, Trung cận Đông, Nam Á và Đông Nam Á, thậm chí ở cả những đất nước còn đang bất ổn như Iraq hay Iran nên khó lòng đến Việt Nam được”.
Một diễn biến truyền thông đáng lưu ý xung quanh vụ bê bối này là… cuộc bút chiến ngay trong nội bộ các báo “lề đảng”! Trong khi báo Thanh Niên liên tục có bài phê phán ĐH Tôn Đức Thắng, thì báo Giáo Dục VN lại liên tục viết bài nói đỡ cho trường này. Sau khi báo Thanh Niên có bài: Chiêu trò để trường đại học được xếp hạng quốc tế, thì báo Giáo Dục VN viết: Người không hiểu hoặc có ác ý mới gọi hợp tác nghiên cứu là chiêu trò, mua bán.
Khi báo Thanh Niên tiếp tục vạch trần chiêu trò của ĐH Tôn Đức Thắng, báo Giáo Dục VN hôm nay có bài: So sánh trên Báo Thanh Niên hé lộ những bất ngờ thú vị về Đại học Tôn Đức Thắng. Bài này tung một loạt số liệu nhằm “đánh trống lảng”, đưa người đọc ra khỏi vấn đề chính do báo Thanh Niên đặt ra, đồng thời đặt câu hỏi dính lỗi logic trong lập luận:
“Xin hỏi Báo Thanh Niên là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ chỉ tập trung nhiệm vụ làm nghiên cứu trong khi Trường Đại học Tôn Đức Thắng vừa phải nghiên cứu vừa phải giảng dạy nhưng công bố lại tốt hơn hẳn thì ‘chiêu trò’ ở chỗ nào?” Chiêu trò chính là thủ đoạn dùng tiền mua nghiên cứu mà báo Thanh Niên đã chỉ ra, với thủ đoạn như vậy thì một trường ĐH trong khi lo giảng dạy vẫn có thể “công bố” nhiều nghiên cứu.
Báo Tiền Phong đặt câu hỏi về vụ lãnh đạo trường THPT Chu Văn An ở TP Buôn Ma Thuột bị kỷ luật vì tự ý cắt chương trình, thu tiền tăng tiết: Lãnh đạo trường nói gì? Hiệu trưởng Huỳnh Thị Kim Huệ chỉ trả lời, “vừa bị sở kỷ luật bằng hình thức khiển trách và yêu cầu phải chấn chỉnh lại chuyên môn, đoàn kết dân chủ trong nội bộ nhà trường. Bà không có ý kiến gì về mức kỷ luật này và coi đây là sự nhắc nhở của lãnh đạo để thực hiện tốt công việc chuyên môn”.
***

Tags: ,

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.