Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 20/06/2017

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017 21:04 // , ,

Tin khắp nơi – 20/06/2017

Vì sao chuyến đi Bắc Hàn

dẫn tới cái chết của Otto Warmbier?

Kevin Ponniah & Tom SpenderBBC News
Đây là trò chơi ngây thơ mà chúng ta vẫn thường thấy ở một nhóm du khách trẻ tuổi. Otto quay sang phải, miệng mở to, cười lớn.
“Đó chính là Otto mà tôi biết và yêu quý. Đó là anh trai tôi,” Austin Warmbier, người tải đoạn video được quay trong chuyến du lịch ba đêm ở Bắc Triều Tiên vào cuối năm 2015.
Hai tháng sau đó, Otto lại xuất hiện trên video, nhưng với hoàn cảnh hoàn toàn khác. Đầu cúi gằm và tay khư khư đoạn giấy “thú tội” đã viết sẵn, sinh viên 21 tuổi bước ra trước máy quay truyền hình Bắc Triều Tiên, giải thích vì sao bị bắt vào cuối chuyến du lịch đó, khi tất cả mọi người đều đã được phép rời đi.
Từ trên tường nhòm xuống là chân dung quá khổ của hai cựu lãnh tụ Bắc Hàn, Kim Il-sung và Kim Jong-il.
Warmbier mặc chiếc áo vest màu kem, đeo cà vạt. Trước khi bắt đầu nói, anh đứng dậy và cúi gập người xuống chào.
Otto cảm ơn chính quyền Bắc Triều Tiên đã cho “cơ hội xin lỗi về tội ác của tôi, để cầu xin được tha thứ và cầu khẩn được hỗ trợ để cứu lấy mạng sống của tôi”.
Anh nói đã định lấy trộm một tấm biển tuyên truyền từ khách sạn làm “chiến lợi phẩm” cho một nhà thờ ở Hoa Kỳ với sự “đồng lõa của chính quyền Mỹ” để “làm tổn hại đạo đức và động lực của người dân Triều Tiên”.
Sau đó anh ta bật khóc: “Tôi đã có quyết định tồi tệ nhất trong đời mình, nhưng tôi cũng chỉ là con người mà thôi.”
Ngày 13/06, Otto Warmbier được trả về Hoa Kỳ sau 17 tháng bị giam cầm ở Bắc Hàn. Nhưng anh trở về trong tình trạng hôn mê, không còn khả năng giao tiếp và não bị tổn thương nặng.
Một tuần sau, Warmbier qua đời. Gia đình lên án “cách đối xử tra tấn tàn nhẫn khủng khiếp” mà họ nói anh phải chịu trong thời gian ở Bắc Triều Tiên.
‘Vua vũ hội’
Vẫn còn nhiều điều bí ẩn xung quanh việc vì sao sức khỏe của Otto suy kiệt đến như vậy. Bác sỹ ở Trung tâm Y tế Cincinnati nói họ thấy không có dấu hiệu nào về việc hành hạ thân thể nhưng họ và gia đình anh cũng không tin vào phiên bản câu chuyện mà Bắc Hàn đưa ra, là anh bị ngộ độc và hôn mê sau khi dùng thuốc ngủ.
Nhưng làm thế nào mà một sinh viên xuất sắc từ vùng ngoại ô Ohio tràn đầy hy vọng sẽ làm trong mảng ngân hàng đầu tư lại bị tù đày ở một đất nước cô lập?
Gia đình Warmbier đến từ vùng ngoại ô Wyoming ở Cincinnati, Ohio, nơi cha anh, Fred là chủ một công ty nhỏ.
Otto học ở trường trung học tốt nhất bang, và từng được bầu là nam sinh được yêu chuộng nhất tại vũ hội của trường, cũng như tại vũ hội cho cựu học sinh của trường.
Anh ta không chỉ được nhiều người biết đến và yêu mến mà còn rất chăm học – anh tốt nghiệp ở bậc Salutatorian (sinh viên có điểm cao thứ hai trong toàn khóa) – và còn rất giỏi thể thao. Huấn luyện viên bóng đá nói anh là cầu thủ tài năng và có tư chất lãnh đạo.
Otto theo học ngành kinh tế và thương mại với môn phụ là phát triển bền vững toàn cầu ở Đại học Virginia và rất thành công, theo báo Washington Post.
Bài báo phỏng vấn bạn cùng lớp với Otto trong lễ tốt nghiệp của họ hồi tháng Năm, nơi nhãn dán in chữ #FreeOtto được phân phát. Sinh viên 22 tuổi đang học năm thứ ba đại học thì bị bắt giữ ở Bắc Triều Tiên. Đây đáng ra cũng là lễ tốt nghiệp của anh.
Bạn bè gọi anh là “fan thể thao có khả năng nói không ngừng về bất kỳ đội nào, một người miền trung tây nhưng cắt nghĩa được lời các bài hát rap không chính thống (và thậm chí còn tự sáng tác thêm), một người suy nghĩ sâu sắc, tự chất vấn mình và những khác về vai trò của họ trong thế giới này, một chàng trai từ gia đình kinh doanh, thích ăn sushi giảm giá, người có trí tò mò một cách tự nhiên với đạo đức làm việc mạnh mẽ và thích thú những gì gây cười,” bài báo viết.
Otto được cho là đã muốn theo đuổi ngành ngân hàng đầu tư từ rất sớm.
Trang LinkedIn của Warmbier viết, anh từng trong hội đồng quỹ đầu tư sinh viên và tới London năm 2015 để hoàn thành khóa học kinh tế lượng cao cấp ở trường London School of Economics (Trường Kinh tế London).
Tinh thần chăm chỉ học tập của anh – và yêu thích du lịch – là l‎ý do đưa anh tới châu Á. Otto đã có kế hoạch theo học ở đại học Hong Kong trong một chương trình du học vào tháng Một năm 2016, và quyết định ghé thăm Bắc Triều Tiên.
Anh tới Trung Quốc qua Young Pioneer Tours (Thanh niên Tiền phong), công ty lữ hành tự quảng cáo là cung cấp dịch vụ “du lịch giá rẻ tới những điểm đến mà mẹ bạn sẽ cấm đi”.
Họ muốn bắt người Mỹ’
Danny Gratton, từ Staffordshire, Anh Quốc, từng ở cùng phòng với Otto trong chuyến đi ba đêm ở Bắc Triều Tiên – là hai thành viên duy nhất trong đoàn tách ra riêng.
“Ngay từ lần đầu tiên gặp cậu ấy chúng tôi đã hợp nhau. Cậu ấy thông minh, sáng sủa và rất dễ mến,” Gratton nói với BBC.
Đêm mà Otto bị cho là định lấy biển tuyên truyền từ khu vực chỉ giành riêng cho nhân viên ở khách sạn 1.000 phòng, Yanggakdo International Hotel, là đêm mừng năm mới 2015, đêm thứ hai của chuyến du lịch.
Trước đó, nhóm đã đi tới biên giới với Hàn Quốc trước khi quay trở về, ăn một bữa nhẹ và đi xe buýt tới quảng trường chính ở Bình Nhưỡng, nơi có trình diễn pháo hoa. Họ ăn tối và uống bia, Gratton kể.
Nhưng không có hoạt động ồn ào nào – “Đây là đi du lịch kiểu khác,” Gratton nói. “Chúng tôi tuân theo quy tắc.” Anh kể “không có bất kỳ dấu hiệu nào” cho thấy Otto đã lấy biển hiệu tuyên truyền và Otto cũng không hề nhắc gì tới điều đó.
Chính quyền Bắc Hàn cho đăng đoạn video mờ mịt cho thấy hình một người không nhìn rõ mặt lấy một tấm biển trong hành lang.
Otto bị bảo vệ đưa đi khi hai người tới khu vực kiểm tra giấy tờ ở sân bay Quốc tế Bình Nhưỡng vào hôm 02/01/2016.
“Chúng tôi là hai người cuối cùng đi qua cửa kiểm tra hộ chiếu. Chúng tôi đưa hộ chiếu cho họ và một người chỉ vào Otto rồi chỉ ra cửa. Hai bảo vệ tới và đẩy cậu ấy đi.”
“Tôi còn nói đùa với cậu ấy. Tôi nói ‘Thôi thế chắc là sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau nhỉ’. Cậu ấy cười với tôi và đó là lần cuối chúng tôi nhìn thấy nhau.”
“Họ quyết định bắt một người Mỹ. Giờ của cậu ấy đã điểm, cậu ấy xuất hiện không đúng nơi, không đúng lúc.”
‘Khủng bố’
Những người còn lại trong nhóm tới Bắc Kinh, một trong những hướng dẫn viên được cho là đã nói chuyện với Otto trên điện thoại, cho biết anh “bị đau đầu nặng và muốn được chở đi bệnh viện,” Washington Post dẫn lời một du khách khác trong đoàn.
Troy Collings từ công ty lữ hành Young Pioneer Tours nói với BBC rằng không một nhân viên nào của công ty liên lạc với Otto sau khi anh bị đưa đi. Một hướng dẫn viên du lịch ở lại Bình Nhưỡng đã cố gắng liên hệ và đề nghị được giúp đỡ nhưng không thành, ông Collings nói.
Vụ bắt giữ Otto là lần duy nhất chính quyền Bắc Triều Tiên thấy có vấn đề với một du khách, ông Collings bổ sung thêm.
Trong một thông cáo sau khi Otto qua đời, Young Pioneer Tours nói không còn muốn đưa du khách Mỹ tới Bắc Hàn.
“Cách họ đối xử khi giam giữ cậu ấy thật tồi tệ và thảm kịch như thế này không bao giờ nên bị lặp lại.”
“Tuy liên tục gửi yêu cầu được gặp mặt, chúng tôi bị từ chối cơ hội được gặp cậu ấy hay bất kỳ ai khác từng tiếp xúc với cậu ấy ở Bình Nhưỡng, dù chỉ để biết được xem cậu có ổn không.”
Bắc Triều Tiên chỉ xác nhận rằng Otto bị bắt giữ vài tuần sau đó, vào ngày 22/01. Anh xuất hiện trên truyền hình vào cuối tháng Hai và đến tháng Ba thì bị tuyên án 15 năm lao động cải tạo đối với tội chống chính quyền.
Các nhà quan sát nói mức án cao bất thường đối với một người nước ngoài và có thể liên quan tới căng thẳng ngày lớn giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ đối với chương trình hạt nhân trước đó.
Không rõ điều gì đã xảy ra với Otto giữa giai đoạn bị kết án và ngày chính quyền Hoa Kỳ thông báo anh được thả hôm 14/06.
Nhưng cha anh, ông Fred cho rằng cậu đã bị hôn mê “vào ngay hôm sau ngày bị kết án” – tức hơn một năm trước.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, mặc chiếc áo vest mà con trai ông đã mang trong ngày “nhận tội” ở Bình Nhưỡng, ông nói chính quyền Bắc Hàn đã “tàn bạo và khủng bố” Otto.
Bắc Triều Tiên thì tuyên bố đã thả anh vì lý do “nhân đạo”.
Cơ quan tình báo Bắc Hàn có thể đã gắng giữ bí mật về tình trạng sức khỏe của anh, từ các quan chức cấp cao nhất, vì sợ hãi, Stephan Haggard, giám đốc Chương trình Triều Tiên – Thái Bình Dương từ Đại học California, San Diego nói.
Có lẽ một ai đó bỗng nhận ra rằng, “điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, là có người chết trong khi bị giam giữ,” nên họ bắt đầu điên cuồng tìm cách đưa cậu ấy ra ngoài bằng con đường ngoại giao, ông nói với hãng tin AFPBác sỹ Daniel Kanter, một trong những người chăm sóc Otto ở Cincinnati, nói hồi tuần trước rằng anh “trong tình trạng tỉnh nhưng vô thức”. Anh không nói gì nhưng “đôi mắt vẫn mở và chớp mắt”, bác sỹ cho biết.
Chứng ngừng thở được cho là do tổn thương não gây ra, nhưng không rõ đâu là nguyên nhân gây tổn thương. Không hề có dấu hiệu cho thấy Otto bị đánh đập.
Khi máy bay chở Otto hạ cánh hồi tuần trước, nhiều người chờ đón ở sân bay đã reo mừng.
“Cậu ấy ở đó đã quá lâu nên nghe tin cậu ấy được về nhà thật tuyệt vời,” Emmett Saulnier, bạn cùng phòng ở trung học nói với CNN trước khi Otto máy bay hạ cánh.
Otto xuất hiện, mũi cắm ống thở và được xe cứu thương đưa thẳng tới bệnh viện.
Đại học Virginia chào đón anh về nhà nhưng Chủ tịch Teresa Sullivan nói cộng đồng “lo lắng và buồn sâu sắc” khi được biết về tình trạng sức khỏe của anh.
“Tôi quỳ xuống bên con, ôm con và tôi nói với con rằng tôi đã nhớ nó bao nhiêu, tôi hạnh phúc khi thấy con về nhà,” cha anh, Fred Warmbier nói.
“Những gì đã xảy ra thật khó có thể lý giải nhưng con đã về với chúng tôi và chúng tôi cố hết sức để con được thoải mái nhất có thể, và trở thành một phần trong cuộc sống của con.”
Nhưng vào ngày 19/06, gia đình Warmbier thông báo Otto đã “đi trọn con đường của mình” tại đất mẹ và qua đời ở bệnh viện với người thân xung quanh.
Họ nhắc đi nhắc lại rằng chính Bắc Triều Tiên đã giết chết con mình.
“Cách đối xử vô cùng tàn tệ mà con trai tôi phải chịu dưới tay Bắc Triều Tiên khiến không còn kết cục nào ngoài kết cục đau thương chúng tôi phải trải qua hôm nay.”

Trump lên án Bắc Hàn vụ sinh viên Mỹ chết

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gọi Bắc Hàn là “chế độ tàn bạo” sau cái chết của sinh viên Mỹ bị ngồi tù hơn 15 tháng.
Nam sinh viên người Mỹ bị giam gữ hơn 15 tháng tại Bắc Hàn vừa qua đời sau một tuần trở về nhà.
Otto Warmbier, 22, từng chịu hình phạt lao động khổ sai vì chủ đích ăn cắp một biểu ngữ tuyên truyền ở một khách sạn.
Anh được đưa về Mỹ hôm 13/6 vì lí do nhân đạo – nhưng được biết anh đã ở trong tình trạng hôn mê khoảng một năm qua.
Bắc Hàn nói ông Warmbier đã bị nhiễm độc nhưng gia đình nói anh đã bị Bắc Hàn “đối xử một cách tàn nhẫn” tại trại giam.
Một nhóm bác sĩ Hoa Kỳ cũng không đồng tình với lời giải thích của Bắc Hàn.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói với CBS News hôm thứ Ba rằng Bắc Hàn “có trách nhiệm nặng nề trong tiến trình dẫn tới cái chết của ông Warmbier”.
Warmbier bị chấn thương não bộ nghiêm trọng, và đã được giải cứu từ Bắc Hàn từ 13/6 đến một bệnh viện tại quê hương ở Cincinnati, Ohio. Hiện không rõ anh bị đổ bệnh như thế nào.
Một thông cáo từ gia đình hôm 21/6 nói: “Chúng tôi buộc lòng phải đau đớn thông báo rằng, con trai chúng tôi, Otto Warmbier, đã hoàn tất chuyến trở về nhà của mình. Bên cạnh những người thương yêu và gia đình, Otto đã qua đời hôm nay lúc 2:20 chiều.”
Họ nói rằng anh ta đã “không thể nói, không thể nhìn và không thể phản ứng yêu cầu bằng miệng.”
“Sự đối xử vô cùng tàn nhẫn của Bắc Hàn đối với con trai chúng tôi dẫn đến kết cục không thể tệ hơn cho cái kết cục đau đớn chúng tôi đang trải qua ngày hôm nay.”
Công ty lữ hành
Công ty lữ hành Thanh niên Tiền phong đóng ở Trung Quốc tuyên bố ngưng đón khách người Mỹ vào các tour thăm Bắc Hàn sau cái chết của Otto Warmbier.
Theo BBC Tiếng Trung từ London, công ty này ra thông báo ngắn gọn như vậy sau khi một khách của họ, Otto Warmbier, đi từ Bắc Kinh vào Bình Nhưỡng cuối năm 2015, bị án tù giam 15 năm rồi trả về nhà ở Cincinnati, Hoa Kỳ ‘trước hạn’ khi đã bị hôn mê.
Sinh viên 22 tuổi này đã qua đời hôm 20/06, gây ra khủng hoảng quan hệ Mỹ với Bắc Hàn.
Tổng thống Donald Trump đã lên mạng Twitter trực tiếp gọi chế độ ở Bình Nhưỡng là “tàn bạo”.
Công ty phụ trách tour này cũng trả lời báo Mỹ, US Today xác nhận rằng sau “cái chết bi kịch” của Otto Warmbier, họ không nhận khách là công dân Hoa Kỳ nữa.
Vẫn theo trang báo Mỹ, công ty này do Gareth Johnson, một nhà lữ hành yêu quý văn hóa và con người Bắc Triều Tiên lập ra năm 2008. Các chức quản lý khác trong công ty do công dân Hà Lan, Úc, New Zealand và Hoa Kỳ nắm giữ.
Có trụ sở chính tại Tây An, Trung Quốc, công ty mà tên tiếng Anh là ‘Young Pioneer Tours’ có văn phòng tại Kazachstan và Senegal.
Riêng một văn phòng của họ tại Yangshuo, Trung Quốc chuyên tổ chức tour đi Bắc Hàn.
Chuyến đi thường bằng xe lửa từ Bắc Kinh sang Bình Nhưỡng và khách đi tour có thể đến thăm và đi xe đạp dọc đường Phi quân sự (DMZ) nằm ở phía Bắc vĩ tuyến 3, theo trang web của công ty này.

Thế giới lên án Bắc Hàn sau cái chết của sinh viên Mỹ

Cái chết bi thảm của sinh viên Mỹ Otto Warmbier hôm thứ Hai 19/6, chỉ vài ngày sau khi anh được phóng thích khỏi nhà tù Bắc Triều Tiên trong tình trạng hôn mê, một lần nữa gây sự chú ý của thế giới về những hành động vi phạm nhân quyền phổ biến của chính quyền Kim Jong Un.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, nói:
“Nói thẳng thừng thì đây là một chính quyền đáng ghê tởm về mặt nhân quyền. Đây là một hố đen về nhân quyền.”
Otto Warmbier bị bắt ở Bình Nhưỡng hồi tháng 1/2016 về cáo buộc đã trộm một tấm áp phích tuyên truyền ở một khách sạn. Anh bị kết án 15 năm lao động khổ sai, và rơi vào tình trạng hôn mê cách đây 15 tháng cho đến khi qua đời.
Các giới chức Bắc Triều Tiên lý giải rằng anh sinh viên người Mỹ 22 tuổi đã bị ngộ độc trong thời gian bị giam giữ và được cho uống một viên thuốc ngủ khiến anh rơi vào trạng thái hôn mê.
Các bác sĩ tại bệnh viện thành phố Cincinnati, nơi anh Otto được điều trị sau khi được phóng thích, bác bỏ lý do mà Bắc Triều Tiên viện ra, nhưng không xác định nguyên nhân dẫn đến chấn thương hệ thần kinh nghiêm trọng như vậy.
Gia đình nạn nhân nói trong một tuyên bố:
“Thật đau lòng, hành vi ngược đãi thậm tệ theo kiểu tra tấn dưới tay của người Bắc Triều Tiên mà con trai chúng tôi phải chịu đựng đã dẫn tới hậu quả không thể tránh khỏi, không thể khác hơn hậu quả bi thảm mà chúng tôi trải nghiệm ngày hôm nay.”
Chia buồn và phẫn nộ
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gửi lời chia buồn cùng gia đình nạn nhân trong một tuyên bố hôm thứ Hai nói rằng “Đối với cha mẹ, không có gì bi thảm hơn là mất đi một đứa con đang ở độ tuổi tươi đẹp nhất của cuộc đời.”
Tổng thống Trump nói cái chết của anh sinh viên càng khiến ông thêm quyết tâm muốn ngăn chặn những bi kịch tương lai dưới “bàn tay của các chế độ không thượng tôn luật pháp, không tôn trọng nhân phẩm cơ bản của con người.”
Các giới chức Mỹ khác cũng ngỏ lời chia buồn với gia đình Warmbier. Họ bày tỏ phẫn nộ về cách đối xử tàn bạo, vô nhân đạo của chính quyền Bắc Triều Tiên đối với anh Warmbier.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ra tuyên bố “chia buồn và an ủi” gia đình anh Warmbier, đồng thời lên án Bắc Triều Tiên về việc giam giữ người nước ngoài mà không tôn trọng các quyền làm người được luật pháp quốc tế bảo đảm.
Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Park Soo-hyun nói:
“Bắc Triều Tiên vẫn đang giam giữ công dân miền Nam chúng tôi và các công dân Mỹ, họ cần lập tức trả lại những người này về lại cho gia đình họ, và chính phủ của chúng tôi sẽ dồn mọi nỗ lực để thực hiện điều này.”
Hiện có sáu người Hàn Quốc đang bị giam cầm ở miền Bắc. Một số là các nhà truyền giáo bị buộc tội gián điệp, và những người khác được cho là bị gián điệp Bắc Triều Tiên bắt cóc trong khi đang giúp đỡ những người đào tị chạy sang bên kia biên giới vào Trung Quốc.
Các giới chức Mỹ nói họ quan ngại về ba người Mỹ gốc Triều Tiên vẫn bị cầm giữ ở miền Bắc. Chính phủ Mỹ tố cáo Bắc Triều Tiên là dùng dụng những người bị họ cầm giữ như những con bài chính trị. Bắc Triều Tiên tố cáo Washington và Hàn Quốc đã đưa gián điệp vào nước này nhằm lật đổ chính phủ của họ.
Những hành động tàn bạo trong nước
Ông Marion Smith, giám đốc Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân Chủ Nghĩa Cộng Sản nói trong một thông báo hôm thứ Hai:
“Chế độ Bắc Triều Tiên còn phát động một cuộc chiến chống lại cả những công dân của nước họ.”
Phúc trình của Ủy ban Truy vấn LHQ năm 2014 (COI) thu thập các dữ liệu về những hành động tàn bạo đang diễn ra ở Bắc Triều Tiên, mà họ nói có thể mang ra so sánh với những tội ác của Đức quốc xã.

Mỹ muốn TQ nỗ lực hơn vào việc chống khủng bố

Hoa kỳ muốn Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố và các nỗ lực đánh bại Nhà nước Hồi giáo cả ở Iraq. Giới chức Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết tin này hôm 19 tháng 6.
Bà Susan Thornton, quyền trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á của Hoa Kỳ, nói với báo giới rằng Trung Quốc cho đến giờ chỉ mới có một vai trò rất giới hạn trong nỗ lực chống khủng bố và Hoa Kỳ muốn Trung Quốc nhận lãnh thêm trách nhiệm. Bà Thornton cũng nói Trung Quốc có nhiều quyền lợi ví dụ như ở Iraq chẳng hạn và Hoa Kỳ muốn Trung Quốc đóng góp hơn nữa cho nỗ lực của liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi Giáo.
Theo bà Thornton, Trung Quốc hiện đang phải chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa khủng bố ngày một tăng, ví dụ như vụ hai công dân Trung quốc bị giết hại gần đây ở Pakistan. Bà cho biết Bắc Kinh gần đây cũng đã gửi ra các tín hiệu muốn can dự sâu thêm vào nỗ lực chống khủng bố.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng nói tại buổi họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm 20 tháng 6 rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố và việc hợp tác giữa hai bên là vì lợi ích của cả hai nước.

Tỷ lệ ủng hộ ông Trump thấp kỷ lục

Một cuộc thăm dò ý kiến do kênh CBS News tiến hành cho thấy rằng việc xử lý của Tổng thống Donald Trump về vụ điều tra Nga can thiệp vào bầu cử Hoa Kỳ đã khiến tỷ lệ ủng hộ ông sụt giảm.
Theo tờ The Hill, tỷ lệ ủng hộ 36% trong cuộc thăm dò của CBS News là mức thấp nhất kể từ khi tỷ phú bất động sản trở thành “ông chủ” Nhà Trắng.
Một phần ba số người Mỹ được hỏi nói rằng cách tiếp cận của ông Trump đối với cuộc điều tra đã khiến họ nghĩ về ông tệ hơn so với trước.
Trong các vấn đề như khủng bố, xả súng và kinh tế, những người tham gia cuộc thăm dò cho biết họ có ý kiến tiêu cực nhất đối với đương kim tổng thống về vụ điều tra Nga.
​Cuộc thăm dò cũng thấy rằng 40% đảng viên Cộng hòa giờ nghĩ rằng chiến dịch tranh cử của ông Trump nhiều khả năng có liên hệ không phù hợp với Nga. Con số này tăng từ mức 25% trong tháng Ba.
Trong khi đó, chỉ một trong năm đảng viên Cộng hòa nghĩ rằng cuộc điều tra vào sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ là một vấn đề an ninh sống còn và hơn một nửa tin rằng cuộc điều tra “gây xáo trộn trên chính trường và cần phải đặt sang một bên”.
Theo tờ The Hill, cuộc thăm dò này được CBS News tiến hành trên toàn quốc trong khoảng thời gian từ ngày 15 tới 18/6, với sự tham gia của 1.117 người với tỷ lệ sai số là 4%.

Moscow xem máy bay Mỹ ở phía tây sông Euphrates

là mục tiêu

Toà Bạch Ốc hôm thứ Hai 19/6 tuyên bố duy trì quyền được tự phòng vệ trong khi theo đuổi cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc Sean Spicer tuyên bố như vừa kể sau khi Nga cảnh cáo sẽ coi những máy bay trong khu vực hoạt động của họ là những mục tiêu có thể bị nhắm tấn công.
Trong khi đó, tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, bày tỏ hy vọng rằng những đường dây liên lạc với các đối tác quân sự Nga sẽ được duy trì, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình an ninh đang ngày càng thêm phức tạp ở hiện trường tại Syria.
Nga cho biết là họ đang dỡ bỏ một thỏa thuận về an phi với Mỹ sau khi một máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ bắn rơi một máy bay ném bom của Syria hôm Chủ nhật mà theo Ngũ Giác Đài, lúc đó đang thả bom gần các lực lượng nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn.
Moscow, đồng minh của Syria, tuyên bố sẽ coi các máy bay của liên quân do Mỹ lãnh đạo bay ở phía tây sông Euphrates, như những mục tiêu có thể bị tới, và sẽ cho máy bay và tên lửa truy theo những máy bay này. Nga không nói liệu họ có sẽ bắn hạ những máy bay bay trong vùng không phận đó hay không.
Ông James Jeffrey, một cựu đại sứ và là nhà nghiên cứu có uy tín thuộc Viện Washington Nghiên cứu các vấn đề Cận Đông, nói với biên tập viên Victor Beattie của VOA rằng vụ bắn rơi chiếc máy bay Syria là một bước leo thang của một vấn đề đã lớn dần trong một thời gian khá lâu.
Ông Jeffrey vụ việc xảy ra hôm Chủ Nhật, đã khiến cho các quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga tuột dốc xuống một mức thấp mới, nhưng ông nói Moscow không có khả năng đe doạ Mỹ ở một khu vực mà Washington đã thống trị trong suốt 40 năm qua.

Một lực lượng vũ trang chung cho EU hậu Brexit?

Các cuộc đàm phán bắt đầu trong tuần này để nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, bỏ lại một khối EU với một cường quốc quân sự nặng ký duy nhất– nước Pháp. Thông tín viên Henry Ridgwell của VOA tường thuật rằng động thái của EU hướng tới một chính sách quốc phòng chung đã làm tăng nỗi lo sợ ở Anh rằng nước này có thể bị gạt sang một bên, không cho tham gia những giàn xếp về an ninh trong tương lai.
Nền an ninh của châu Âu đang đứng trước một bước ngoặt. Bị đe doạ bởi hành động hung hăng của Nga ở Ukraine và phong trào chủ chiến Hồi giáo ở biên giới phía nam và đông, khối EU sắp mất đi một cường quốc quân sự quan trọng. Ông Edward Lucas, Chủ biên của tạp chí The Economist, nhận định.
“Sau Brexit, nước Pháp trở thành cường quốc quân sự quan trọng nhất trên lục địa châu Âu, tôi nghĩ rằng những sự giàn xếp về an ninh của châu Âu sẽ phải phản ánh thực tế đó”.
Hiện có 4000 binh sĩ Pháp đang chiến đấu chống chủ nghĩa Hồi giáo ở Bắc Phi. Tổng thống Emmanuel Macron muốn các đồng minh trong EU đóng góp nhiều hơn.
Phát biểu trong chuyến đi thăm các lực lượng Pháp ở Mali tháng trước, ông Macron nói:
“Tôi muốn củng cố các liên hệ đối tác châu Âu, đặc biệt với nước Đức, và đảm bảo Đức sẽ tăng mức độ dấn thân của mình”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel không muốn nền an ninh của châu Âu gắn liền với liên minh quân sự Pháp-Đức, theo chủ biên của tạp chí Economist Edward Lucas.
“Lý do là vì bà Merkel muốn giữ chân Hoa Kỳ để nước này tiếp tục tham gia đầy đủ vào việc phòng thủ châu Âu.”
Liên minh châu Âu đang thiết lập một Bộ chỉ huy và một quỹ quốc phòng lên tới 560 triệu đô la, trong khuôn khổ một chính sách quốc phòng bắt đầu thành hình.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại giao của EU, bà Federica Mogherini:
“Chúng tôi không đề nghị dưới bất cứ hình thức nào là sẽ thay thế, sao chép nhiệm vụ, hoặc cạnh tranh với liên minh NATO. Điều này phải thật rõ ràng.”
NATO đã triển khai hàng ngàn binh sĩ tại Đông Âu để răn đe Nga. Trong cuộc trao đổi với VOA qua Skype, Giáo sư Michael Wolffsohn thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự Đức ở Munich nói Liên minh Châu Âu không phải là một lực lượng thay thế NATO.
“Phần lớn các lực lượng quân đội trên lục địa Châu Âu đơn giản là không được chuẩn bị để có thể tham gia bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào, có thể trừ một ngoại lệ, là lực lượng vũ trang Pháp. Nhưng lực lượng vũ trang Đức – gọi là Bundeswehr, thì hoàn toàn bị quá tải, thiếu thốn tài chính và thiếu trang bị.”
Nước Anh từ lâu đã chống đối việc hình thành một lực lượng quân đội EU. Nhưng giữa lúc các cuộc đàm phán Brexit khởi sự, khả năng hội nhập quân sự trong khối EU đã được xúc tiến, với nước Pháp trong vai trò lãnh đạo.

Mỹ: Bầu cử Hạ Viện bổ sung tại bang Georgia

Một cuộc bầu cử Hạ Viện bổ sung được tổ chức tại bang Georgia Hoa Kỳ vào ngày hôm nay 20/06/2017. Trong kỳ bầu cử lần này, ứng viên đảng Cộng Hòa Karen Hendel phải cạnh tranh với ứng cử viên trẻ của đảng Dân Chủ, Jon Ossoff, 30 tuổi. Đối với đảng Dân Chủ, kỳ bầu cử này là một trắc nghiệm quan trọng nhất cho kỳ bầu cử Hạ Viện 2018. Từ năm 1979 đến nay, phe Cộng Hòa luôn luôn giành thắng lợi tại Georgia.
Đảng Dân Chủ tin rằng sẽ có được ghế dân biểu ở bang Georgia. Nếu đảng Dân Chủ chiến thắng ở bang Georgia, đó sẽ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy đảng Dân Chủ có cơ hội chinh phục lại Hạ Viện Mỹ.
Thông tín viên RFI Anne Marie Capomaccio từ Washington, dẫn lời Dick Williams, trưởng ban biên tập báo The Crier, cho biết ứng cử viên trẻ Jon Ossoff của đảng Dân Chủ đã có một chiến dịch tranh cử đáng ngạc nhiên. Khẩu hiệu « Hãy làm cho Trump nổi giận » đã thu hút được cánh cực tả và cánh tả nói chung vốn rất thất vọng về thắng lợi của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Ý thức được nguy cơ thất bại trước ứng viên trẻ Jon Ossoff, ứng viên Cộng Hòa Karen Hendel cũng dốc toàn lực cho trận đấu, mời nhiều bộ trưởng tới mít tinh tại Georgia. Những nhân vật này thuyết phục cử tri « bỏ qua Donald Trump » và giữ lòng tin vào đảng Cộng Hòa.
Phải đợi đến đêm hôm nay, rạng sáng ngày mai, công chúng mới biết kết quả cuộc bầu cử Hạ Viện bổ sung ở Georgia, một kết quả vô cùng có ý nghĩa đối với lịch sử nước Mỹ.

Khủng bố ở Champs Elysées:

Pháp phát hiện một kho vũ khí tại nhà hung thủ

Chiều hôm qua 19/06/2017, một người đàn ông lái chiếc xe hơi chở một bình ga và nhiều vũ khí lao vào xe của cảnh sát trên đại lộ Champs-Elysées Paris, nhưng vụ tấn công bất thành. Không có ai bị thương.
Tác giả vụ tấn công là Adam Dzaziri, 31 tuổi, bị thương nặng và chết ngay sau vụ tấn công bất thành. Cảnh sát thấy nhiều vết bỏng nên người Adam Dzaziri, nhưng hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về nguyên nhân cái chết của người này.
Adam Dzaziri có tên trong hồ sơ theo dõi của lực lượng chống khủng bố tại Pháp từ năm 2015, nhưng không có tiền án tiền sự. Viện công tố chống khủng bố Paris đã mở điều tra, khám xét nhà hung thủ tại thành phố Plessis-Pâté, vùng Essonne, ngoại ô Paris, thẩm vấn vợ cũ, anh trai, chị dâu của người này. Bố của Adam Dzaziri cũng đã bị cảnh sát tạm giữ để phục vụ điều tra.
Theo tin mới nhất, các nhà điều tra đã tìm thấy « một kho vũ khí » trong nhà của hung thủ.

Pháp :

Hai bộ trưởng từ chức vì tai tiếng, nội các thay đổi quan trọng

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chuẩn bị danh sách chính phủ mới sau chiến thắng bầu cử lập pháp và trong bối cảnh hai bộ trưởng quan trọng phải từ chức do những vụ tai tiếng liên quan đến luật pháp. Danh sách nội các cải tổ sẽ được thông báo ngày thứ Tư 21/06/2017.
Sáng nay 20/06/2017, vào lúc các sĩ quan cao cấp của Không Quân Pháp chuẩn bị đón tiếp nữ bộ trưởng Quốc Phòng tại hội chợ triển lãm hàng không không gian Le Bourget thì nhận được tin bà Sylvie Goulard xin không tham gia nội các mới. Quyết định bất ngờ này đã được tổng thống Emmanuel Macron chấp nhận.
Bộ trưởng Sylvie Goulard cho biết là cần phải làm như vậy để « có thể chứng tỏ không có ý gian » trong vụ tai tiếng sử dụng trợ lý được Nghị Viện Châu Âu trả lương để làm công tác đảng.
Theo tiết lộ của báo chí, hàng chục dân biểu Pháp tại Nghị Viện Châu Âu đã « bố trí » trợ lý, lãnh lương toàn thời của Nghị Viện, nhưng làm thêm công tác cho đảng của mình.
Cuộc điều tra sơ khởi đã bắt đầu từ ngày 09/06.
Trước bà Sylvie Goulard, một bộ trưởng khác là Richard Ferrand, cũng phải rời bộ Liên Kết Lãnh Thổ, cho dù mới tái đắc cử dân biểu. Lý do chính thức là đi nhận trách nhiệm mới, làm chủ tịch nhóm dân biểu Cộng Hoà Tiến Bước ở Quốc Hội.
Trên thực tế, nhân vật thân tín của tổng thống Macron đang bị tư pháp điều tra về vụ tai tiếng có hay không lợi dụng địa vị để mưu cầu lợi ích cho người thân trong một dịch vụ địa ốc cách nay 10 năm.
Trong bối cảnh chính giới Pháp bị chấn động vì một loạt tai tiếng nhũng lạm quyền thế, tân tổng thống Macron quyết định lấy đạo đức hóa sinh hoạt chính trị là một ưu tiên trong nhiệm kỳ.
Ngoài hai nhân vật đã từ chức, trong chính phủ, còn có hai bộ trưởng nặng ký bị tai tiếng. Bộ trưởng Tư Pháp François Bayrou và bộ trưởng đặc trách châu Âu Marielle de Sarnez, cũng bị tai tiếng như nữ bộ trưởng Quốc Phòng Sylvie Goulard.
Theo thông báo của thủ tướng Edouard Philippe, danh sách nội các mới, được cải tổ sâu rộng, sẽ được công bố trước 18 giờ ngày thứ Tư 21/06.

Syria : Mỹ muốn tái lập liên lạc với quân đội Nga tại Syria

Đứng đầu liên minh quốc tế chống thánh chiến, Hoa Kỳ tuyên bố muốn nối lại liên lạc với Nga qua kênh quân sự trên chiến trường Syria. 24 giờ trước, Matxcơva đình chỉ thỏa thuận hợp tác này sau khi một oanh tạc cơ Sukhoi của Syria bị không quân Mỹ bắn hạ.
Theo AFP, tướng Joe Dunford, tổng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, hôm nay, 20/06/2017, tuyên bố rằng « kênh liên lạc giữa bộ tư lệnh Mỹ và Nga ở Trung Đông hoạt động rất tốt đẹp trong 8 tháng qua. Phía Mỹ sẽ nỗ lực trên hai mặt ngoại giao và quân sự để nối lại đường dây này ».
Là đồng minh của chế độ Damas, Matxcơva quyết định cắt đứt kênh liên lạc quân sự với Mỹ để phản đối vụ không quân Mỹ bắn hạ một oanh tạc cơ của Syria hôm Chủ Nhật. Bộ Quốc Phòng Nga còn dọa xem máy bay của liên quân xâm nhập vùng trời « phía tây sông Euphrate » là mục tiêu của phòng không Nga.
Quân đội Syria cho rằng liên quân quốc tế đã bắn hạ một trong những máy bay của Syria đang oanh kích Daech ở Raqqa. Mỹ khẳng định đó là hành động nhằm trả đũa Syria oanh kích lực lượng Kurdistan-Syria, đang được Hoa Kỳ yểm trợ tái chiếm Raqqa, thủ phủ tự xưng của Daech.
Sau vụ việc này, quân đội Mỹ cho biết đã điều chỉnh hoạt động không quân tại Syria cho thích nghi với tình hình căng thẳng mới : vừa tiếp tục oanh kích Daech vừa bảo vệ an toàn cho các phi vụ.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Úc, một thành viên của liên quân quốc tế, thông báo tạm ngưng các phi vụ trên không phận Syria. Phát ngôn viên quân đội Úc chỉ thông báo vắn tắt đây là « biện pháp phòng ngừa ».

Xu hướng cải tiến công nghệ của máy bay dân dụng tương lai

Giảm ô nhiễm, đỡ ồn, bớt nặng nề, nhưng vẫn phải an toàn hơn, tiện nghi hơn cho hành khách…. Đó là những tiêu chí mà các nhà chế tạo đặt ra cho những chiếc máy bay của tương lai. Các kỹ sư, các nhà nghiên cứu đang làm việc không ngừng nghỉ, không bỏ qua một chi tiết giải pháp công nghệ nào.
Nhân triển lãm hàng không và không gian quốc tế lần thứ 52 – Salon du Bourget vừa khai mạc ngày 19/06 và kéo dài đến 25/06 ở ngoại ô Paris, báo Libération điểm qua những xu hướng cải tiến công nghệ mà ngành công nghiệp hàng không đang hướng tới trong tương lai.
Vẫn phải cần đến phi công trong máy bay
Với những tiến bộ khoa học công nghệ nhanh như hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực tự động hóa, người ta đã biết đến không ít các thiết bị điều khiển từ xa, không người lái. Một câu hỏi đặt ra là liệu với ngành hàng không dân dụng tương lai, người ta có thể bay trên máy bay không cần đến phi công hay không ? Không có gì bảo đảm điều đó sẽ thành hiện thực, cho dù trên phương diện công nghệ thì hoàn toàn có thể.
Vấn đề chính là một chiếc máy bay không phi công liệu có bảo đảm được các chuẩn mực quốc tế về an toàn hàng không ? Trong những năm 1970, người ta đã rút từ 3 xuống còn 2 phi công trên một chuyến bay. Sắp tới có thể sẽ còn giảm xuống chỉ cần 1 người. Theo chuyên gia hàng không Sébastien Maire thuộc công ty tư vấn chiến lược Olivier Wyman tại Pháp, tổ lái chỉ có một cơ trưởng duy nhất có thể lại giúp cho việc lưu thông hàng không được an toàn và linh hoạt hơn.
Một chiếc máy bay hoạt động tự chủ và thông minh sẽ bảo đảm được khoảng cách an toàn, định vị trong không gian và thông tin liên lạc với các máy bay khác. « Ta càng hướng tới khái niệm lái tự chủ ( chứ không phải tự động) thì việc lưu thông sẽ càng an toàn », chuyên gia Sébastien Maire nhấn mạnh. Nhưng vì vấn đề thói quen tâm lý và quy định, sự hiện diện của con người trên máy bay vẫn cần phải có.
Giáo sư tin học, thuộc Đại học Paul-Sabatier , Toulouse, ông Philippes Palanque cũng có chung quan điểm không thể phó mặc toàn bộ phần điều khiển cho máy móc. « Ta giữ nguyên con người. Con người hiểu được hệ thống giúp họ hành động và duy trì được hiệu quả », ông nhấn mạnh. Không thể có cái này loại trừ cái kia, cặp con người- máy móc bảo đảm cho sự an toàn vận hành.
Một máy bay đỡ ồn hơn
Dù ở ngưỡng nghe thấy hay không, dù là ở bên trong hay ngoài, khi đi máy bay thì chỗ nào cũng có tiếng ồn. Thành phần khó chịu này của hàng không dường như không thể tránh được. Theo giám đốc nghiên cứu Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Pháp và là tiến sĩ Phòng thí nghiệm âm thanh của Đại học Mans, Yves Aurégan, « vấn đề tiếng ồn ngày càng trở nên quan trọng » ở các phi trường và khu vực lân cận.
Trong báo cáo gần đây nhất, cơ quan kiểm soát tiếng ồn các cảng hàng không của Pháp nhấn mạnh có khoảng từ 6,5 đến 7 triệu người mỗi ngày bay trên độ cao 2000 mét. Rất đông trong số họ, tiếng ồn trở thành vấn đề sức khỏe. Với xã hội, tiếng ồn còn liên quan đến cuộc sống của cộng đồng cũng như kinh tế.
Trong quá trình vận hành của máy bay, có rất nhiều nguồn phát tiếng ồn, từ khi cất cánh đến khi bay và cho tới lúc hạ cánh. Trong hai trường hợp đầu, trọng tâm của tiếng ồn là từ động cơ. Vấn đề âm học đã được tính đến ngay từ đầu thiết kế máy bay dân dụng. Ông Yves Aurégan cho biết các nhà chế tạo máy bay đã chú ý nhiều đến các nghiên cứu giảm tiếng ồn, đặc biệt là của động cơ.
Nhưng là làm như thế nào để giảm được tiếng gầm rú của những động cơ công suất cực lớn của máy bay? Các nhà thiết kế đã tính đến các khả năng như thay đổi hình dạng ống bơm khí vào động cơ phản lực. Để triệt tiêu âm thanh tốt hơn ở máy máy bay, các vật liệu âm học cũng là một giải pháp cần tìm kiếm. Mặt khác người ta cũng tìm cách tăng đường kính động cơ để máy bay được êm hơn.
Máy bay nhẹ hơn để tiết kiệm năng lượng
Máy bay tương lai phải giảm trọng lượng xuống mức tối thiểu. Theo tiến sĩ Viện công nghệ quốc gia Toulouse, Xavier Roboam thì phải tìm mọi cách để giảm bớt trọng lượng cất cánh của máy bay. Bớt đi một tấn trên một chuyến bay Paris- Toulouse tương đương với việc tiết kiệm được từ 1,5% đến 2% lượng nhiên liệu tiêu thụ. Để làm được điều đó, giải pháp là thay đổi vật liệu, chuyển từ vật liệu thép sang vật liệu tổng hợp composite.
Được khai thác kể từ khi có cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong những năm 1970, các vật liệu composit là hỗn hợp của hai thành phần có đặc tính giống nhau. Như sợi các-bon, nay được sử dụng tới 60% trong ngành hàng không. Nhẹ, chắc và không bị ăn mòn, các vật liệu composite chịu lực tốt.
Hãng Boeing đã hiểu được điều đó rất rõ. Năm 2011, hãng cho cất cánh loại Boeing 787 Dreamliner. Sử dụng hàng loạt các vật liệu composits, loại máy bay đường dài này đã có được thành công là giảm 20% tiêu thụ năng lượng so với Airbus 330. Tất nhiên, Airbus cũng đã phải lao vào cạnh tranh trên giải pháp năng lượng. Năm nay, tại triển lãm Salon du Bourget, nhà chế tạo châu Âu giới thiệu chiếc A320 Neo với mức tiêu thụ năng lượng giảm 20%.
Tiết kiệm nhiên liệu để bay sạch hơn…
Cơ quan châu Âu về hợp tác quản lý năng lượng (Acer) đặt trọng tâm là giảm tiêu thụ năng lượng. Một trong những mục tiêu là giảm 75% phát thải khí CO2 từ nay đến năm 2050. Theo một thống kê công bố nhân Hội nghị khí hậu toàn cầu tại Paris COP 21, ngành hàng không dân dụng với lượng chuyên chở hành khách tăng mỗi năm 5%, hiện chiếm hơn 2,5% tổng phát thải CO2 trên toàn cầu. Với hơn 700 triệu tấn CO2, ngành hàng không nói chung phát thải tương đương với nước Đức, quốc gia phát thải CO2 thứ 6 thế giới.
Để giảm bớt lượng khí phát thải gây hiện tượng khí hậu ấm lên, máy bay tương lai sẽ phải nhờ cậy đến năng lượng điện. Theo chuyên gia Xavier Roboam, vấn đề động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu hỗn hợp và điện là một thách thức công nghệ cũng như thiết kế cho các máy bay của năm 2040- 2050. Đó là loại máy bay như trong các phim khoa học giả tưởng, nhưng đó là một giấc mơ hoàn toàn nghiêm túc của các nhà chế tạo.
Chuyến bay vòng quanh thế giới thử nghiệm thành công của chiếc máy bay sử dụng năng lượng mặt trời Solar Impulse, hay mẫu máy bay chạy điện E-fan của Airbus đã được giới thiệu ở triển lãm Le Bourget 2013, mới chỉ là những gợi ý cho các nhà thiết kế máy bay tương lai. Có một điều chắc chắn, chiếc máy bay đường dài 100% chạy điện không thể có ngay được trong nay mai, nếu ta cứ nhìn vào năng lượng cần thiết để cho nó cất cánh lớn như thế nào.
Máy bay luôn kết nối
Trong khoang máy bay tương lai, sẽ phải được bổ sung nhiều dịch vụ tiện nghi theo mong đợi của hành khách như không gian sinh hoạt, ăn uống, giải trí. Trong kỷ nguyên của internet như hiện nay, hầu như mọi thứ đều có thể kết nối với điện thoại thông minh thì nhu cầu nối mạng trên các chuyến bay sẽ phải trở thành một dịch vụ thông thường.
Theo chuyên gia hàng không Jérome Bouchart, khoang máy bay tương lai sẽ phải được két nối với thế giới bên ngoài, với nơi mà người ta có thể đặt một chiếc taxi khi tới. Việc trên khoang máy bay có mạng wifi giờ đây không có gì là viễn tưởng.
Hiện tại, một số hãng hàng không như Air France đã có thể cho phép hành khách lướt web khi đang bay trên trời. Đó là trên các chuyến bay đường dài với loại A380 các tuyến Paris- Hồng Kông, Paris- Johannesbourg hay Paris- Mêhico. Các nhà chế tạo máy bay cũng như nhiều hãng hàng không khác đã tính đến việc triển khai dịch vụ kết nối internet, vấn đề là làm sao dịch vụ này trở nên phổ biến thông dụng trong một vài năm tới.

Trung Quốc và Nga sẽ tập trận chung trên biển Baltic

Hải quân Trung Quốc và Nga sẽ tập trận chung trong vùng biển Baltic vào cuối tháng 07/2017. Tân Hoa Xã hôm Chủ Nhật 18/06 đưa tin như trên.
Một tàu khu trục của Trung Quốc cùng với hai tàu hộ tống hiện đang hướng tới vùng biển Baltic. Tân Hoa Xã cho biết cuộc tập trung năm nay nhằm « củng cố và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu giữa Trung Quốc và Nga, tăng cường quan hệ bạn bè và hợp tác cụ thể của quân đội hai nước ».
Đợt tập trận dự kiến diễn ra sau chuyến thăm của tổng thống Mỹ Donald Trump tới Ba Lan, một nước nằm sát biển Baltic và là thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.
Từ năm 2012, Trung Quốc và Nga vẫn luân phiên tổ chức các cuộc tập trận chung thường niên, thậm chí ngay tại khu vực Biển Đông đang có tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực.
Thông tin về cuộc tập trận chung Nga – Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh các nước thành viên NATO đã tổ chức đợt tập trận chung đầu tiên tại « Hành lang Suwalki », tại vùng Baltic nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Cuộc tập trận ở Suwalki nằm trong khuôn khổ các cuộc tập trận thường niên Saber Strike do Mỹ dẫn đầu tại Ba lan và các nước vùng baltic. AGP cho biết năm nay, 11.300 binh sĩ của 20 nước thành viên NATO tham gia cuộc tập trận mang tên Sói Sắt (Iron Wolf) từ ngày 28/05 đến ngày 24/06.
Bộ trưởng Quốc Phòng Litva mới đây cảnh báo các cuộc tập trận của NATO có thể sẽ là cái cớ để Nga điều thêm quân tới sườn phía Đông của NATO. Theo các chuyên gia, « Hành lang Suwalki » kéo dài 60-100 km, là một địa bàn hiểm yếu nằm giữa Ba Lan và Litva mà Nga lợi dụng để tách khối các nước Baltic khỏi phần còn lại của NATO.

Mỹ điều động oanh tạc cơ B1 răn đe Bắc Triều Tiên

Cho dù tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In chủ trương xuống thang hòa dịu với Bắc Triều Tiên, quân đội Mỹ-Hàn Quốc vẫn biểu dương lực lượng. Hai oanh tạc cơ chiến lược B1 thực hiện một phi vụ trên không phận bán đảo Triều Tiên trong ngày 20/06/2017.
Hãng Yonhap, trích dẫn một nguồn tin quân sự ở Seoul cho biết hai máy bay B1-B cùng các chiến đấu cơ Hàn Quốc F-15K tham gia một cuộc thao dượt trong ngày hôm nay trên bầu trời bán đảo Triều Tiên. Sự kiện này chứng tỏ « quyết tâm của Hoa Kỳ khuyến cáo những đe dọa quân sự của Bình Nhưỡng ».
Theo một kế hoạch tập trận chung, hai chiếc B1-B của Mỹ từ căn cứ Anderson ở đảo Guam bay đến Hàn Quốc, oanh kích giả định ở trường bắn Pilsung, tỉnh Gangwon, giáp ranh với Bắc Triều Tiên.
Hoa Kỳ vẫn thường điều động oanh tạc cơ chiến lược như một biện pháp trấn an Hàn Quốc và răn đe Bắc Triều Tiên sau những vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Từ khi đắc cử hồi tháng Tư năm nay, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhiều lần tuyên bố muốn giảm căng thẳng với Bắc Triều Tiên.
Cố vấn đặc biệt của tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Chung In, đang có mặt tại Washington, kêu gọi chính quyền Donald Trump rút bớt vũ khí chiến lược tại Hàn Quốc, như hệ thống lá chắn THAAD, và giảm thiểu các cuộc tập trận chung, nếu Bắc Triều Tiên chấp thuận ngưng chương trình hạt nhân quân sự và thử tên lửa.
Fin publicité dans 92 s
Tuy nhiên, theo Yonhap, dường như Hoa Kỳ không thay đổi chính sách. Sự kiện phi vụ B1-B tập trận chung với không quân Hàn Quốc ngày hôm nay chứng tỏ Hoa Kỳ quyết tâm duy trì các phương tiện chiến lược răn đe tại Hàn Quốc.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.