Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 10/06/2017

Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017 21:50 // , ,

Tin khắp nơi – 10/06/2017

Mỹ đồng thuận với các nước kêu gọi cứu lấy các đại dương

Mỹ đã cùng các nước thành viên khác của Liên Hiệp Quốc kêu gọi hành động để cứu lấy các đại dương của thế giới, ngay cả khi nước này từ bỏ thỏa thuận Paris chống lại biến đổi đổi khí hậu.
Văn kiện cuối cùng được tất cả 193 quốc gia thành viên chấp thuận vào ngày thứ Sáu sau khi kết thúc hội nghị đầu tiên của Liên Hiệp Quốc về đại dương.
Văn kiện được các nước tán đồng hôm thứ Sáu nói: “Chúng tôi đặc biệt lo ngại về những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu lên đại dương.” Nó cũng ghi nhận “tầm quan trọng đặc biệt” của thỏa thuận Paris năm 2015 nhằm chống lại sự tăng nhiệt toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh về đại dương thúc đẩy sự hợp tác giữa các chính phủ và doanh nghiệp để làm giảm ô nhiễm biển và sự axít hóa đại dương và thúc đẩy nghiên cứu về đại dương.
Nó cũng bao gồm cam kết tự nguyện của các chính phủ thế giới giảm thiểu sử dụng nhựa, chống lại tình trạng nước biển dâng cao và sự tăng nhiệt đại dương, và chấm dứt hoạt động đánh bắt trái quy định.
Hội nghị khai mạc vào ngày thứ Hai ngay sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định Paris.

Sau khi gieo hoài nghi,

Trump cam kết ủng hộ Điều 5 hiến chương NATO

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu nói rằng ông hậu thuẫn một đòi hỏi của hiến chương NATO rằng tất cả các thành viên của liên minh quân sự này phải sẵn sàng phòng vệ lẫn nhau, vài tuần sau khi khiến các nước đồng minh khó chịu vì không nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với thỏa thuận này.
Tại một cuộc họp báo chung với Tổng thống Romania Klaus Iohannis, ông Trump nói ông ủng hộ Điều 5 của hiến chương NATO, yêu cầu mỗi thành viên của liên minh phải bảo vệ nhau nếu họ bị tấn công.
Trong chuyến thăm trụ sở NATO hồi tháng trước tại Brussels, ông Trump đã cố tình không nhắc đến sự hỗ trợ của Mỹ đối với một phần hệ trọng của hiến chương NATO. Ông sử dụng bài diễn văn của mình ở đó để đòi các nước thành viên phải chi trả nhiều hơn cho sự phòng thủ của liên minh.
Một quan chức cao cấp của Nhà Trắng sau đó nói rằng Mỹ ủng hộ Điều 5 đơn giản là qua việc đồng ý với những điều khoản của hiến chương.
Nhưng vì không tự mình nhắc tới điều này, ông Trump đã gieo hoài nghi nơi các đồng minh và tranh cãi theo sau đã khiến Phó Tổng thống Mike Pence sau đó phải thể hiện một cách rõ ràng sự ủng hộ của Mỹ đối với hiến chương
Các trợ lý cao cấp của ông Trump đã cố gắng đưa tuyên bố ủng hộ Điều 5 vào bài diễn văn ở NATO của Tổng thống nhưng bị Tổng thống loại ra, một quan chức cao cấp của chính quyền cho biết.
“Tôi cam kết Hoa Kỳ với Điều 5 và chắc chắn chúng tôi sẽ hiện diện để phòng vệ và đó là một trong những lý do tôi muốn mọi người bảo đảm rằng chúng ta có một lực lượng rất hùng mạnh bằng cách chi trả khoản tiền cần thiết để có được lực lượng đó,” ông Trump nói.
“Nhưng có, tôi hoàn toàn cam kết với Điều 5,” ông nói.

Luật sư của Trump đòi công bố ghi chép của Comey

Luật sư riêng của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định sẽ đệ đơn khiếu nại vào đầu tuần sau về việc cựu Giám đốc FBI James Comey tiết lộ các cuộc trò chuyện với Tổng thống, một người thân cận nhóm luật sư cho biết hôm thứ Sáu.
Luật sư Marc Kasowitz sẽ đệ đơn khiếu nại lên Tổng thanh tra của Bộ Tư pháp và cũng sẽ đệ nạp yêu cầu lên Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Tình báo Thượng viện về lời khai của ông Comey, theo nguồn tin này. Nguồn tin này từ chối xác định danh tính vì vấn đề này không được công khai.
Ông Comey, trong lời khai chứng trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Năm, cáo buộc ông Trump sa thải ông để tìm cách làm suy yếu cuộc điều tra của Cục điều tra Liên bang về việc Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử Tổng thống vào năm 2016.
Ông Comey nói ông Trump đã gây áp lực buộc ông phải chấm dứt cuộc điều tra nhắm vào cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và nói với ông Comey rằng ông cần sự trung thành của ông, mặc dù các giám đốc FBI trên nguyên tắc làm việc độc lập với Tòa Bạch Ốc.
Ông Kasowitz bác bỏ những điểm này và đã công kích ông Comey vì rò rỉ “những trao đổi bí mật” ra cho giới truyền thông.
Các chuyên gia pháp lý đã đặt nghi vấn về lập luận của ông Kasowitz rằng những trao đổi riêng của ông Trump với ông Comey nên được coi là trao đổi bí mật.

Phản pháo Comey,

Trump tuyên bố sẵn sàng khai chứng hữu thệ

Tổng thống Donald Trump ngày 9/6 khẳng định không hề tìm cách ngăn trở cuộc điều tra của FBI đối với cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, tố cáo cựu Giám đốc FBI James Comey khai gian phản lại lời thề trước Quốc hội.
Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm 8/6, ông Comey khai rằng Tổng thống Trump đã yêu cầu ông ngưng điều tra ông Flynn và mối liên hệ giữa ông này với Nga.
Tổng thống Trump nói những lời khai chứng của ông Comey cũng giúp làm rõ là không hề có sự thông đồng nào giữa ông với Nga trong cáo giác Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016.
“Ông James Comey đã xác nhận phần lớn những gì tôi đã nói. Và có một vài điều ông ấy nói không đúng sự thật,” Tổng thống Trump tuyên bố tại Vườn Hồng Tòa Bạch Ốc.
Khi một phóng viên hỏi ông Trump rằng ông ấy có yêu cầu ông Comey ngưng điều tra ông Flynn hay không, ông Trump khẳng định “Tôi không hề nói chuyện đó.”
Tuy nhiên, khi ký giả này tiếp tục hỏi “Vậy ông Comey đã khai gian chuyện này phải không?”, Tổng thống Trump đáp “Cái đó không phải tôi nói. Ý tôi là tôi không hề nói chuyện đó.”
Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng dù không có gì sai nếu như ông mở lời như thế, nhưng ông không hề phát ngôn như vậy.
Tại buổi điều trần hôm qua, cựu Giám đốc FBI nói Tổng thống Trump hồi tháng Giêng có yêu cầu ông cam kết trung thành với Tổng thống, một đề nghị bất thường khiến gây nghi ngại về tính độc lập của cơ quan FBI.
“Tôi sẽ không bảo tôi muốn anh thề trung thành. Ai mà làm thế?” Tổng thống Trump tuyên bố tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Romani hôm 9/6.
Khi được hỏi liệu ông có sẵn lòng có phản hồi hữu thệ với những gì ông Comey đã trình bày trước Quốc hội hay không, Tổng thống Trump nói ông sẵn sàng “100%.”
Ông Trump đồng ý ra khai chứng hữu thệ, như vậy những phát ngôn của ông lẫn của ông Comey sẽ trở thành cơ sở làm việc của các nhà điều tra liên bang.
Nếu điều tra cho thấy lời khai chứng của ông Trump hoặc những ghi chú của ông Comey về những gì đôi bên trao đổi không đúng sự thật thì một trong hai người có thể bị buộc tội khai gian với các nhà điều tra liên bang.
Hiến pháp Mỹ không nêu thẳng liệu một Tổng thống có thể bị truy tố hình sự hay không và đây cũng là đề tài gây tranh cãi pháp lý. Tổng thống có thể bị truy tố sau khi hết nhiệm kỳ.

Tòa Bạch Ốc được yêu cầu

giao băng ghi âm cuộc trao đổi Trump-Comey

Lãnh đạo cuộc điều tra của ủy ban tình báo Hạ viện về việc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ 2016 ngày 9/6 loan báo đã gửi thư cho cựu Giám đốc FBI, James Comey, yêu cầu giao nộp bấy kỳ ghi chú nào liên quan đến các cuộc trao đổi giữa ông Comey với Tổng thống Donald Trump.
Dân biểu Cộng hòa Mike Conaway và dân biểu Dân chủ Adam Schiff cho biết cũng đã gửi thư đến cố vấn Tòa Bạch Ốc, Don McGahn, yêu cầu xác nhận xem có băng ghi âm hoặc ghi chú nào về các cuộc trao đổi giữa ông Comey với ông Trump hay không. Nếu có, họ đề nghị Tòa Bạch Ốc phải cung cấp bản sao cho ủy ban trước ngày 23/6 năm nay.

Những kẻ tấn công ở Cầu London muốn thuê xe tải lớn hơn

Cảnh sát London cho biết ba người đàn ông lái chiếc xe van tông vào người đi bộ trên Cầu London lúc đầu đã cố gắng thuê một chiếc xe tải 7,5 tấn lớn hơn, có khả năng gây nhiều tổn hại hơn, nhưng họ đã không thể hoàn tất thanh toán.
Trưởng phụ trách bộ phận chống khủng bố, Chỉ huy Dean Haydon, cho biết các nhà điều tra tìm thấy 13 chai rượu ở phía sau xe van, chứa đầy một thứ chất lỏng nhẹ hơn. Cảnh sát tin rằng những chai này chứa bom xăng để sử dụng trong những vụ tấn công khác.
Ông Haydon cho biết họ cũng đang yêu cầu công chúng cung cấp thông tin về con dao bằng sứ màu hồng sáng được dùng trong vụ tấn công ở Borough Market. Ông nói rằng con dao nhà bếp dài 30 centimét này là bất thường và cảnh sát muốn biết nó từ đâu ra.
Tổng cộng 8 người thiệt mạng trong vụ tấn công vào ngày 3 tháng 6 và gần 50 người bị thương. Ba trong số các nạn nhân tử vong sau khi bị xe tải tấn công trên Cầu London và 5 người bị đâm chết tại Borough Market. Ba kẻ tấn công bị cảnh sát bắn chết 8 phút sau khi họ nhận được cú điện thoại khẩn cấp đầu tiên.

Lực lượng Mỹ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Philippines

Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đang hỗ trợ kỹ thuật cho quân đội Philippines đang chiến đấu để đè bẹp những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo tại một thành phố phía nam, Đại sứ quán Mỹ cho biết hôm thứ Bảy, trong khi 13 thủy quân lục chiến Philippines thiệt mạng trong chiến sự ở thành thị.
Quân đội Philippines cho biết Mỹ đang hỗ trợ lực lượng chính phủ chấm dứt cuộc vây hãm Thành phố Marawi do những kẻ chủ chiến có liên hệ tới Nhà nước Hồi giáo thực hiện, giờ đang ở tuần thứ ba, nhưng không hỗ trợ bằng binh sĩ tác chiến.
Đại sứ quán Mỹ xác nhận họ đã cung cấp sự hỗ trợ, theo yêu cầu của chính phủ Philippines, nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết vì lý do an ninh.
Sự hợp tác giữa hai nước đồng minh lâu năm là điều đáng chú ý bởi vì Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người lên nắm quyền cách đây một năm, đã tỏ thái độ thù địch đối với Washington và đã tuyên bố sẽ trục xuất những chuyên gia huấn luyện và cố vấn quân sự Mỹ khỏi nước ông.
Các vụ đấu súng ác liệt trên đường phố vào hôm thứ Sáu với những kẻ chủ chiến đã khiến 13 binh sĩ Philippines thiệt mạng.
Đây là tổn thất lớn nhất trong một ngày đối với binh sĩ của chính phủ kể từ khi họ bắt đầu giao chiến với những kẻ chủ chiến liên minh với các chiến binh IS đã tràn vào Marawi vào ngày 23 tháng 5 và hiện vẫn chiếm giữ một số nơi của thành phố.

Thể thức bầu Quốc Hội Pháp

Bầu cử Quốc Hội tại Pháp năm nay vẫn diễn ra theo hai vòng, vòng một ngày 11/06 và vòng hai ngày 18/06/2017. Trong tổng số 7.877 ứng cử viên, cử tri Pháp sẽ chọn ra 577 dân biểu cho Quốc Hội mới, trong đó có 11 dân biểu đại diện cho cộng đồng người Pháp sống ở nước ngoài. Mỗi dân biểu được bầu từ mỗi đơn vị bầu cử bao gồm khoảng 125 ngàn dân.
Hiện giờ bầu cử Quốc Hội tại Pháp vẫn là theo thể thức bầu cử đa số. Nếu không có ứng cử viên nào thu được hơn 50% số phiếu ở vòng đầu để được bầu thẳng vào Quốc Hội, hai ứng cử viên về đầu sẽ tự động được tham gia vòng hai. Nhưng bất cứ ứng cử viên nào thu được hơn 12,5% số phiếu cũng đều được vào vòng hai, cho nên nhiều khi ở vòng này có đến 3, thậm chí 4 ứng cử viên tranh ghế dân biểu. Ở vòng hai, ứng cử viên nào thu được nhiều phiếu nhất sẽ đắc cử dân biểu Quốc Hội.
Thủ tục bầu cử này có lợi cho những đảng lớn, nhưng bất lợi cho các đảng nhỏ, tức là những đảng mà các ứng cử viên khó mà đạt được tỷ lệ 12,5% ở vòng đầu. Những đảng nhỏ này vẫn đòi phải bầu Quốc Hội theo thể thức đại diện tỷ lệ.
Trong cuộc bầu cử Quốc Hội lần này có đến hơn 42% trên tổng số 7.882 ứng cử viên là phụ nữ. Trong Quốc Hội mãn nhiệm, phụ nữ chỉ chiếm 26,9% số dân biểu ( 155 trên 557 ). Tuy vậy, đây đã là một kỷ lục.
Cử tri Pháp ở nước ngoài đã bỏ phiếu trước ngày từ cuối tuần qua, còn các cử tri ở những vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp thì đã đì bầu từ hôm nay. Tại lãnh thổ nước Pháp chính quốc, các phòng phiếu sẽ mở cửa từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối tại các thành phố lớn và cũng kể từ 8 giờ tối, báo chí có thể công bố kết quả thẩm định đầu tiên.
Fin publicité dans 25 s
Đảng nào giành được đa số tuyệt đối ( 289 ghế ) ở Quốc Hội thì đảng đó có thể thông qua các đạo luật mà không cần thương lượng, mặc cả với các đảng khác. Đó là mục tiêu mà đảng Cộng Hòa Tiến Bước! của tổng thống Macron đề ra để có thể thực hiện những cải cách mà ông đã hứa hẹn.
http://vi.rfi.fr/phap/20170610-the-thuc-bau-quoc-hoi-phap

Washington can thiệp vào khủng hoảng vùng Vịnh

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua, 09/06/2017, đã thúc giục Qatar « ngưng ngay lập tức việc tài trợ cho khủng bố », đồng thời kêu gọi quốc gia đang bị Ả Rập Xê Út và các đồng minh phong tỏa chống lại các phong trào cực đoan.
Nhà Trắng, bộ Ngoại Giao Mỹ rồi đến Lầu Năm Góc lần lượt đưa ra những tuyên bố nhằm can thiệp vào cuộc khủng hoảng chưa từng thấy tại vùng Vịnh, sau nhiều ngày tỏ thái độ nhập nhằng, thậm chí mâu thuẫn nhau.
Ông Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng tuyên bố : « Rất tiếc là Qatar luôn tài trợ cho khủng bố ». Ngoại trưởng Rex Tillerson tỏ ra khoan dung hơn với Qatar, kêu gọi có những tiến triển mới trong chống khủng bố. Đặc biệt ông Tillerson đề nghị các nước liên quan hãy giảm bớt phong tỏa Qatar, nêu ra các hậu quả nhân đạo đối với người dân, nhấn mạnh những trở ngại trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS).
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis quan tâm đến Al Udeid, căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ đặt tại Qatar, với 10.000 quân nhân đồn trú. Ông nhận xét : « Tuy các hoạt động tại căn cứ Al Udeid không bị ngưng lại hoặc giảm sút, nhưng tình hình hiện nay gây trở ngại cho việc vạch ra các chiến dịch quân sự lâu dài. Qatar rất quan trọng cho các phi vụ của liên minh để chống Daech trong khu vực ».
Về phía Qatar hôm qua tìm kiếm sự ủng hộ của các nước. Ngoại trưởng Mohamed Ben Abderrahmane đã bất ngờ sang Đức, rồi sáng nay đến Matxcơva để gặp đồng nhiệm Serguei Lavrov, và điện đàm với ngoại trưởng Mỹ. Phía Đức xác nhận đang diễn ra những cuộc thảo luận với Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực. Ngoại trưởng Qatar khẳng định với AFP là cuộc khủng hoảng hiện nay không thể biến thành xung đột vũ trang.
Ả Rập Xê Út, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrein, Ai Cập và Yemen hôm thứ Hai 5/6 đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, ngưng các liên lạc hàng không, hàng hải và đường bộ, với lý do vương quốc dầu lửa nhỏ bé này « ủng hộ khủng bố ». Cơn địa chấn ngoại giao vùng Vịnh xảy ra chỉ 15 ngày sau khi tổng thống Donald Trump thăm Ryad, và đề nghị các nước Hồi giáo kiên quyết chống lại xu hướng cực đoan.
Tối thứ Năm rạng sáng thứ Sáu 9/6, các nước trên đã công bố một danh sách « khủng bố » mà theo họ là được Doha ủng hộ, gồm 59 cá nhân và tổ chức. Doha tố cáo những cáo buộc trên là « vô căn cứ ». Ả Rập Xê Út và các đồng minh Hồi giáo Sunni cũng chỉ trích Qatar gần gũi với Iran theo hệ phái Shia. Về phía Iran cho biết sẵn sàng tiếp tế cho Qatar bằng đường biển.

Khủng bố tại Teheran : Hàng chục nghi can bị bắt

Ngày 09/06/2017 một đám đông khổng lồ đã tham dự tang lễ các nạn nhân loạt khủng bố đầu tiên do tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tiến hành tại Iran. Trước đó, hàng chục vụ bắt giữ đã diễn ra.
Tường thuật của thông tín viên Siavosh Ghazi, từ Teheran :
« Theo bộ Tình Báo, 41 người đã bị bắt giữ tại Teheran và ở các tỉnh Kermanshah, Kurdistan, Tây-Azerbaidjan, tất cả những tỉnh này đều ở phía tây Iran, gần biên giới Iran – Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Tình Báo cho biết là trong số những kẻ bị bắt giữ có các “nhân viên tình báo ” của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, các nhóm tiến hành khủng bố và các điều phối viên chủ chốt.
Vẫn theo nguồn tin trên, nhiều tài liệu, thiết bị, đặc biệt là vũ khí và thuốc nổ nhằm tiến hành các vụ khủng bố đã bị tịch thu. Ngoài các vụ bắt giữ này, trước đó, vào thứ Tư, 07/06, đã có 5 nghi can bị bắt, trong đó có một phụ nữ ngay tại những nơi xẩy ra khủng bố.
Hôm qua, 09/06, lãnh đạo tinh thần tối cao, giáo chủ Ali Khamenei, đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân và khẳng định rằng các vụ khủng bố chỉ làm dâng cao mối căm thù đối với chính phủ Mỹ và Ả Rập Xê Út ».

Bầu Quốc Hội Pháp :

« Cộng Hòa Tiến Bước ! » được dự báo thắng lớn

Ngày mai, 11/06/2017, cử tri Pháp sẽ đi bầu Quốc Hội vòng một với kết quả được dự báo là đảng Cộng Hòa Tiến Bước ! của tổng thống Emmanuel Macron sẽ thắng lớn, vượt xa mức đa số tuyệt đối.
Trong cuộc bầu cử Quốc Hội lần này, cử tri Pháp sẽ chọn ra 577 dân biểu trên tổng số 7.877 ứng cử viên. Theo các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu, đảng Cộng Hòa Tiến Bước ! sẽ thu được hơn 30% số phiếu. Tính về số ghế thì đảng của tổng thống Macron sẽ vượt xa đa số tuyệt đối ( 289 ghế ), vì đảng này được dự báo sẽ thu được từ 370 đến hơn 400 ghế dân biểu Quốc Hội.
Được dự báo đứng hàng thứ hai là đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, với từ 20 đến 23% ý định bỏ phiếu, tương đương với từ 100 đến 150 ghế dân biểu. Trong khi đó Đảng Xã Hội, cánh tả, được dự báo là sẽ thua đậm, lần này có thể sẽ giành số ghế ít hơn 10 lần so với gần 300 ghế dân biểu trong Quốc Hội mãn nhiệm. Về phần đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia và đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, sau khi đạt tỷ lệ phiếu cao trong cuộc bầu cử tổng thống, nay chỉ mong có đủ 15 dân biểu để lập được một nhóm trong Quốc Hội mới.
Một điều chắc chắn là Quốc Hội được bầu lần này sẽ có rất nhiều gương mặt mới, vì có đến gần 40% dân biểu mãn nhiệm không tái ứng cử và có nhiều người lần đầu tiên ứng cử Quốc Hội.
Vào cuối tuần qua, những công dân Pháp sống ở nước ngoài đã đi bỏ phiếu trước. Đa số cử tri đã dồn phiếu cho đảng Cộng Hòa Tiến Bước !. Lá phiếu của cử tri Pháp ở nước ngoài xác nhận xu hướng ủng hộ tổng thống Emmanuel Macron, và cho thấy Đảng Xã Hội và đảng Những Người Cộng Hòa đang trên đà suy sụp.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.